Thứ 5, 25/04/2024, 11:49[GMT+7]

Chống lạm thu tại trường học: Hiểu đúng, làm đúng, công khai, minh bạch Kỳ 2: Khi quyền lợi của học sinh được đặt lên hàng đầu

Thứ 5, 20/10/2022 | 08:36:44
1,591 lượt xem
Cùng thực hiện hoạt động thu phục vụ các hoạt động trong trường học, trong khi không ít trường có các khoản thu không nhận được sự đồng tình của phụ huynh học sinh thì ngược lại vẫn có những đơn vị có cách làm hay, được phụ huynh học sinh tin tưởng. Qua tìm hiểu cho thấy các đơn vị này đã thực sự đặt quyền lợi của học sinh, phụ huynh lên hàng đầu.

Trường Tiểu học và THCS Vũ Lăng (Tiền Hải) có nhiều cách làm hay trong huy động xã hội hóa giáo dục từ con em xa quê thành đạt.

Tôn trọng đi đôi với giám sát

Theo Điều 10, Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT quy định về kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh thì kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh có được từ sự ủng hộ tự nguyện; việc quản lý và sử dụng kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải được thống nhất với hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến.

Tôn trọng đi đôi với giám sát là việc làm mà ban giám hiệu tại nhiều cơ sở giáo dục đang thực hiện để việc thu, chi trong hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. 

Thầy giáo Vũ Hữu Bạo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Thụy An (xã An Tân, huyện Thái Thụy) cho biết: Giống như những năm học trước, năm học này, ban đại diện cha mẹ học sinh trường đứng ra vận động cha mẹ học sinh các lớp ủng hộ quỹ hoạt động 80.000 đồng/học sinh/năm, không phân chia quỹ trường hay quỹ lớp mà chung hết vào một mối do ban đại diện cha mẹ học sinh trường quản lý. Theo kế hoạch hoạt động, quỹ phụ huynh sẽ chi cho hoạt động khen thưởng học sinh, mua nước khi tổ chức các hội thi thể dục thể thao và thăm hỏi học sinh khi ốm đau hoặc gia đình học sinh có việc hiếu.

Tại Trường Mầm non Nam Thanh (Tiền Hải), thay vì thu quỹ hoạt động thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường hướng dẫn cha mẹ học sinh cùng với nhà trường tham gia các hoạt động giáo dục bằng ngày công lao động. 

Cô giáo Đinh Thị Lụa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chúng tôi không hướng dẫn cha mẹ học sinh đóng tiền quỹ hoạt động hàng năm cho ban đại diện cha mẹ học sinh mà kêu gọi cha mẹ tham gia trực tiếp vào các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Ví dụ như phụ huynh nào có thời gian, điều kiện thì tham gia các hoạt động giáo dục trải nghiệm, bữa cơm gia đình hoặc hoạt động chuyên đề của Trường. Quan điểm của Trường là phụ huynh tham gia trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc và cũng không yêu cầu tất cả phụ huynh phải tham gia. 

Chị Bùi Thị Yến, thôn Ái Quốc, xã Nam Thanh (Tiền Hải) chia sẻ: Tôi có con đang học lớp 4 tuổi. Trong 3 năm con tôi học ở Trường Mầm non Nam Thanh, tôi thấy nhà trường luôn công khai, minh bạch các khoản thu và tất cả các khoản thu đều có mục đích phục vụ các con nên rất hợp lý. Bên cạnh đó, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp không đứng ra kêu gọi đóng góp quỹ lớp hay quỹ trường, thay vào đó vận động phụ huynh tham gia hỗ trợ cô giáo trong các hoạt động tập thể. Nhờ thế, chúng tôi rất yên tâm và sẵn sàng đồng hành cùng cô giáo trong việc chăm sóc các con.

Xã hội hóa giáo dục nhờ các nguồn lực khác nhau

Đặt quyền lợi của học sinh, phụ huynh lên hàng đầu là mục tiêu hoạt động của Trường Tiểu học và THCS Vũ Lăng (Tiền Hải) trong nhiều năm trở lại đây. 

Thầy giáo Phạm Thanh Hiển, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Ngoài các khoản thu theo quy định, nhà trường cũng thống nhất, thỏa thuận với cha mẹ học sinh về mức thu theo từng hoạt động cụ thể theo kế hoạch giáo dục của nhà trường nếu có tổ chức với nguyên tắc thu đủ chi. Nội dung chi trên tinh thần dân chủ, tự nguyện, thu - chi đúng mục đích, bảo đảm công khai, minh bạch. Về việc xã hội hóa, nhà trường thực hiện đúng Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chúng tôi chưa bao giờ kêu gọi xã hội hóa trong phụ huynh học sinh, nhất là 3 năm dịch vừa qua. Phòng tin học, hệ thống loa của các lớp học hay trang thiết bị dạy học trực tuyến được nhà trường và UBND xã kết nối với những mạnh thường quân là con em xa quê thành đạt ủng hộ. Gần đây nhất, một người con xa quê đã ủng hộ nhà trường 2.000 USD để đầu tư, mua sắm một số trang thiết bị dạy học. Cùng với việc kết nối với con em xa quê thành đạt, nhà trường còn làm tốt công tác tham mưu UBND xã đầu tư xây mới phòng học, cải tạo, nâng cấp sân trường, sắp tới hoàn thiện sân thể chất.

Ông Trần Văn Trứ, Chủ tịch UBND xã Vũ Lăng cho biết: Trong nhiều năm trở lại đây, xã không nhận được bất kỳ phản ánh nào của người dân về việc thu - chi của Trường Tiểu học và THCS Vũ Lăng. Hoạt động xã hội hóa được nhà trường thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm nên có nhiều mạnh thường quân ủng hộ 2 - 3 lần. Nhờ thế, bà con trong xã vô cùng phấn khởi khi con em được học trong một môi trường khang trang, sạch đẹp.

Tại xã Thụy Hải (Thái Thụy), đời sống người dân ngày càng được nâng lên nhờ nuôi trồng, đánh bắt hải sản. Vì thế, người dân cũng rất quan tâm chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. 

Ông Nguyễn Quang Thành, xã Thụy Hải chia sẻ: Năm học này, chúng tôi rất vui mừng vì Trường Mầm non Thụy Hải đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. UBND xã đã đầu tư cho Trường khu bếp ăn mới với quy mô rộng hơn, tuy nhiên vẫn còn thiếu một số trang thiết bị. Vì vậy, ban đại diện cha mẹ học sinh trường, lớp đã đứng ra kêu gọi phụ huynh ủng hộ tự nguyện, tùy tâm để cùng nhà trường bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng các con. Qua tìm hiểu, tôi thấy có phụ huynh ủng hộ 100.000 đồng, có phụ huynh ủng hộ 300.000 đồng, có phụ huynh ủng hộ 500.000 đồng. Bên cạnh đó, ban đại diện cũng không kêu gọi các gia đình hoàn cảnh khó khăn tham gia ủng hộ.

Cô giáo Lê Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thụy Hải cho biết: Để xã hội hóa, nhà trường thực hiện đúng quy trình đó là làm tờ trình, xây dựng kế hoạch trình UBND xã, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện. Khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhà trường mới triển khai và kêu gọi mạnh thường quân, bà con trong xã và phụ huynh học sinh ủng hộ trên tinh thần tự nguyện. Điều tuyệt vời nhất là ngay sau khi nhà trường có chủ trương đã nhận được sự ủng hộ, thống nhất của cha mẹ học sinh. Nhà trường sẽ cùng ban đại diện cha mẹ học sinh trường sử dụng đúng mục đích nguồn thu từ xã hội hóa, thu đủ chi để tạo sự tin tưởng, yên tâm cho phụ huynh học sinh.

Từ cách làm của các cơ sở giáo dục trên, câu hỏi đặt ra là tại sao cùng thực hiện các văn bản chỉ đạo nhưng việc thực hiện các khoản thu tại một số trường của 2 huyện Tiền Hải, Thái Thụy nhận được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, còn một số trường ở địa phương khác vẫn còn xảy ra tình trạng lạm thu từ phía ban đại diện cha mẹ học sinh. Các trường chưa hướng dẫn đầy đủ, giám sát chặt chẽ hoạt động thu - chi của ban đại diện cha mẹ học sinh hay đằng sau đó còn là những lý do khác để dẫn đến việc lạm thu từ chính ban đại diện cha mẹ học sinh đang là điều mà nhiều người băn khoăn.    

(còn nữa)
Nhóm phóng viên