Thứ 2, 23/12/2024, 11:36[GMT+7]

Quảng Ninh: Đảo Ngọc Vừng đạt nông thôn mới nâng cao

Thứ 7, 05/11/2022 | 16:17:08
1,009 lượt xem
Cách đây tròn 60 năm (ngày 12/11/1962), Bác Hồ ra thăm đảo Ngọc Vừng và căn dặn: Quân dân phải đoàn kết giữ gìn an ninh, chủ quyền biển đảo, làm giàu kinh tế. Lời Bác dạy năm ấy nay đã thành hiện thực, đảo Ngọc Vừng giàu đẹp, bình yên… và đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Khu lưu niệm Bác Hồ ra thăm đảo Ngọc Vừng ngày 12/11/1962.

Bà Nguyễn Thị Lan - nguyên Chủ tịch UBND xã đảo Ngọc Vừng, năm nay 72 tuổi, hiện đang cư trú ở thôn Bình Hải cho biết: Tôi vinh dự là 1 trong số 30 em thiếu niên - nhi đồng, con em của đảo được gặp Bác Hồ hôm đó. Còn nhớ như in lời bác dạy “Cán bộ, chiến sĩ, học sinh và nhân dân phải làm giàu về kinh tế, tích cực cấy lúa, trồng màu, trồng cây, đánh cá và chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho nhân dân; dạy học cho các cháu; nâng cao đời sống cho mọi người trên đảo; bộ đội và nhân dân phải đoàn kết, bộ đội phải giúp nhân dân sản xuất và xây dựng hợp tác xã. Nhân dân phải giúp bộ đội chiến đấu và phục vụ chiến đấu". 

Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Sửu, bà Phạm Thị Quyển là những người vinh dự được gặp Bác Hồ năm ấy, cùng hoài niệm lại bước đường đổi mới của quê hương mình. 

Lời Bác dạy được ghi trang trọng trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã Ngọc Vừng; là mục tiêu phấn đấu của các thế hệ lãnh đạo, các tầng lớp nhân dân trên đảo. Nay 60 năm nhìn lại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đảo Ngọc Vừng đã thực hiện được di nguyện của Bác, xây dựng hòn đảo này giàu đẹp, bình yên.

Trong kháng chiến, ngày 24/12/1972, dân quân xã Ngọc Vừng bắn rơi chiếc F4H, là xã đảo bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 200 trên bầu trời Quảng Ninh, lập công lớn trong trận thắng Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm tháng chạp năm 1972.

Thời bình, xã đảo Ngọc Vừng luôn mài sắc tinh thần cảnh giác bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ gìn an ninh trật tự nơi xa đất liền. Và đặc biệt là chuyển biến nhanh trong cơ chế mới; khai thác tiềm năng kinh tế tại chỗ, xóa nghèo, làm giàu trên biển đảo.

Năm 2018, xã Ngọc Vừng hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới. Kết quả đánh giá theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, xã Ngọc Vừng đạt chuẩn 19/19 tiêu chí (đạt chuẩn 57/57 chỉ tiêu). Kết quả đánh giá theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, đạt 19/19 tiêu chí và đạt 75/75 chỉ tiêu.

Cụ thể, xã đảo có quy hoạch chung, có quy chế quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch; có quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã, xây dựng các điểm dân cư mới phù hợp với nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với định hướng đô thị hóa hải đảo.

Hiện, xã Ngọc Vừng có 11,9/11,99km đường trục xã được nhựa hoá, bê tông hoá 100% (nhựa hoá 6,2km; bê tông hoá 5,79km) rộng mặt đường từ 6m trở lên; có 8,49/11,99km đạt 70,8% đường trục xã được trồng cây xanh, cây hoa; 10,1/11,99km đạt 84,2% lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng bóng điện cao áp, đèn Led; 4,2/4,2km đường thôn được bê tông hoá 100%, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đường cấp V; 1,34/1,34km đường ngõ, xóm được bê tông hoá 100%.

Diện tích sản xuất nông nghiệp trên đảo có 52,02ha. Thủy lợi gồm 2 hồ chứa nước trữ lượng 0,12 triệu m3 và hệ thống kênh mương tưới tiêu dài 5,1km (trong đó 4,1/5,1km đã được kiên cố hoá) đáp ứng nhu cầu tưới chủ động cho 49,96ha, đạt tỷ lệ 96%, đảm bảo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đường giao thông nội đồng có 1,3/1,3km đã thực hiện cứng hóa, 100% được bê tông hoá, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, rộng mặt đường rộng trên 2m.

Xã Ngọc Vừng là một trong các xã đảo được quan tâm đầu tư điện lưới quốc gia. Hệ thống điện có 3 trạm biến áp với tổng công suất 580KV, đường dây 22Kv dài 14,45km, đường dây 0,4Kv dài 12km, chia đều trên 3/3 thôn trên và hoạt động ổn định đảm bảo đạt tiêu chuẩn, phục vụ cung cấp nguồn điện đáp ứng nhu cầu trong sản xuất và đời sống.

Về cơ sở giáo dục, Ngọc Vừng hiện có 2 trường là trường mầm non và trường tiểu học và THCS đều đạt tiêu chuẩn quốc gia. Trường tiểu học và THCS đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ II. Trung tâm văn hoá thể thao xã với quy mô xây dựng 5.853m2 gồm hội trường 657m2, sân 5.196m2; tổng kinh phí đầu tư 4,9 tỷ đồng. Mỗi thôn đều có nhà văn hoá - khu thể thao được xây dựng mới với tổng quy mô xây dựng 2.189,4m2, đảm bảo từ 100 chỗ ngồi trở lên.

Từ năm 2018, xã Ngọc Vừng triển khai xây dựng thôn đạt chuẩn nông thôn mới và hộ gia đình nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, xã có 3/3 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới, đạt 100%; 98/222 hộ đạt 41,1% được công nhận gia đình nông thôn mới. 222/222 hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn nhà kiên cố theo quy định, đạt 100%.

Sản phẩm thương hiệu OCOP của Ngọc Vừng là đặc sản mắm tép.

Toàn xã có 38 hộ làm nghề sản xuất nông lâm ngư nghiệp, trong đó có 18 hộ nuôi trồng thuỷ sản với tổng diện tích nuôi trồng 36,13ha; 20 hộ làm trồng trọt, chăn nuôi. 18 hộ nuôi trồng thuỷ sản kết hợp dịch vụ chế biến thực phẩm, như chế biến mắm tép, tép khô, cá 1 nắng… Sản lượng sau chế biến đạt 43tấn/năm, đưa lại giá trị thu nhập cao cho hộ dân. Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên đảo đạt bình quân năm 2021 đạt 70.221 triệu đồng/năm, năm 2022 ước đạt 66.609 triệu đồng /năm.

Xã đảo Ngọc Vừng đang có bước phát triển mạnh về dịch vụ du lịch. Hiện có 4 cơ sở dịch vụ nhà hàng ăn uống đặc sản biển, 6 cơ sở lưu trú nhà nghỉ với trên 120 phòng, có 6 hộ tham gia mô hình du lịch cộng đồng homestay. Các nhà hàng ăn uống, giải khát, văn hóa ca hát… đáp ứng nhu cầu du khách, đồng thời tạo ra nguồn thu mới trong cơ cấu nguồn thu của địa phương.

Năm 2022, kết quả thu nhập chung của xã đảo Ngọc Vừng đạt 84.678 triệu đồng, bình quân đầu người đạt 103,3 triệu đồng. Năm 2022, ước đạt 85.942 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 103,3 triệu đồng/người/năm. Giai đoạn 2021-2025, xã Ngọc Vừng không có hộ cận nghèo, hộ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo.

Chất lượng cuộc sống ngày một nâng lên, 100% dân đảo được quản lý hồ sơ sức khỏe thông qua hệ thống phần mềm của ngành Y tế. Cảnh quan môi trường khu dân cư được cải thiện. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xóm thôn đã có ý thức phân loại, thu gom, xử lý chất thải, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Tổng lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn bình quân 22,12 tấn/tháng, trong đó chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại có 22,04 tấn/tháng, lượng được thu gom xử lý tập trung theo quy định đạt 99% (21,9 tấn/tháng). Lượng còn lại được xử lý tại hộ gia đình với khối lượng rác thải rắn 0,12 tấn/tháng, chiếm 0,1% tổng lượng rác thải sinh hoạt. Công trình hồ Cẩu Lẩu cấp nước sạch quy mô toàn xã, cung cấp 125m3 nước/ngày/đêm đáp ứng đủ nước hợp vệ sinh cho 222/222 hộ, đạt 100%.

Xã đảo Ngọc Vừng kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ra thăm đảo, lời thiêng Bác dạy đã thành hiện thực, xã đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Một hòn đảo giàu có - bình yên trên sóng nước của quần đảo huyện Vân Đồn, Ngọc Vừng chuyển động như một bức tranh kinh tế tỏa sáng nới in dấu chân Bác.

Theo baoxaydung.com.vn