Thứ 3, 16/04/2024, 18:20[GMT+7]

Bắc Ninh tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao

Thứ 2, 07/11/2022 | 17:40:01
391 lượt xem
Bắc Ninh là một trong những địa phương sớm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Phấn đấu đến hết năm 2022, toàn tỉnh có: 18 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM nâng cao; hình thành một số khu dân cư nông thôn kiểu mẫu; 89/89 xã duy trì và giữ vững xã đạt chuẩn NTM.

Bắc Ninh là một trong những địa phương sớm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.

Diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt

Tính đến tháng 9/2022, toàn tỉnh Bắc Ninh có 89/89 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 8/8 đơn vị cấp huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, trong đó, 06 huyện (Tiên Du, Gia Bình, Quế Võ, Lương Tài, Thuận Thành, Yên Phong) và thành phố Từ Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, thành phố Bắc Ninh được công nhận là đô thị loại I. Có 9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được cải thiện rõ rệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phát triển sản xuất, kết nối thị trường, nâng cao đời sống người dân. Tại các vùng quê nông thôn, điều kiện giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, điều kiện học tập, khám chữa bệnh… đã được tăng cường mạnh mẽ. Đời sống vật chất của hộ gia đình nông thôn thay đổi rõ rệt, từ các trang thiết bị gia đình cho đến điều kiện nhà ở; tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm qua các năm và giữ ở mức thấp…

Sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới đạt tỷ lệ cao. Kết quả lấy ý kiến người dân đối với việc công nhận xã, đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới đều đạt trên 90%. Cùng với quá trình tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới, người dân đã ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước giảm rõ rệt.

Kinh tế nông nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định; cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực cả về quy mô và trình độ sản xuất, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực. Nông nghiệp từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng cao. Sản xuất nông nghiệp đi vào chiều sâu, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Kinh tế hộ nông thôn chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hình thành nhiều trang trại với quy mô lớn hơn, hiệu quả cao hơn; nhiều hợp tác xã kiểu mới được hình thành và phát triển, hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình; doanh nghiệp nông nghiệp, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi từng bước được phát triển; trình độ khoa học công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp đã được nâng cao; công tác đào tạo nghề cho nông dân được đẩy mạnh.

Đời sống tinh thần ở nông thôn được cải thiện đáng kể. Nhiều phong trào sôi nổi về văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các lễ hội truyền thống… được duy trì và phát triển cùng với việc thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ các hủ tục, mê tín, dị đoan. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, đa màu sắc trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn. Nhiều lễ hội truyền thống được phục hồi, phát triển và hình thành mới, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Công tác đảm bảo an ninh trật tự được giữ vững, các tệ nạn ma túy, trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút được kiềm chế. Việc phòng chống bạo lực gia đình, đảm bảo bình đẳng giới, các hoạt động tương thân tương ai được tuyên truyền và thực hiện rộng rãi.

Bên cạnh đó, tỉnh đã ưu tiên bố trí nguồn lực cho các địa phương cũng như tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động trồng cây xanh, thắp sáng đường quê, bảo vệ môi trường… đã được cộng đồng dân cư tích cực tổ chức thực hiện, tạo cảnh quan môi trường trong lành, sáng, xanh, sạch, đẹp. Các phong trào “5 không, 3 sạch”, “Thắp sáng đường quê”, “phân loại, xử lý rác thải tại nguồn bằng chế phẩm IMO”… đang dần nâng cao ý thức của cư dân nông thôn về giữ gìn môi trường sinh thái.

Tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao

Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cho biết: Xây dựng nông thôn mới liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nên trong những ngày đầu triển khai đã gặp một số khó khăn như: Nhận thức của một bộ phận người dân và một số cán bộ, đảng viên về xây dựng NTM chưa đầy đủ; nhiều nơi còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vì cho rằng đây là chương trình do Nhà nước đầu tư; một số xã chưa thật sự coi trọng việc phát triển sản xuất, chưa có nhiều mô hình phát triển sản xuất để học tập, việc nhân rộng các mô hình điển hình còn chậm; nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu còn hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu vốn theo đề án và lộ trình đã đề ra.

Để sớm đạt mục tiêu xây dựng NTM theo đúng tinh thần chỉ đạo và kế hoạch, các cấp, các ngành, các đơn vị của Bắc Ninh đã tích cực tuyên truyền sâu rộng để cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân hiểu đúng về Chương trình xây dựng NTM, tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân từ thành phố đến cơ sở. Đồng thời, cân đối nguồn vốn để từng bước đầu tư các công trình hạ tầng trọng tâm như giao thông nông thôn, y tế, giáo dục… và huy động các nguồn lực xã hội vào xây dựng nông thôn mới.

Song song với việc xây dựng NTM, Bắc Ninh còn triển khai một loạt biện pháp khác để hỗ trợ và rút ngắn quá trình xây dựng NTM như: Đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất đem lại năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao; tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường quanh khu vực và khu công nghiệp; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản xuất kinh doanh tổng hợp có hiệu quả cao, từ đó huy động được mọi tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc, chung tay xây dựng NTM.

Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn (giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nước sạch tập trung…), nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác công trình đảm bảo bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó: Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi ở các xã có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp cao; khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có tại các địa phương; Hỗ trợ các xã xây dựng NTM nâng cao hoàn thiện, bảo trì hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu theo hướng nâng cao chất lượng và bền vững.

Phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững, đổi mới mô hình tăng trưởng, nhẳm phát huy lợi thế về địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong đó tập trung vào: Thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, cơ giới hóa đồng bộ gắn với mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị, chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với áp dụng các quy trình kỹ thuật chuẩn và cấp mã vùng sản xuất; Tiếp tục phát triển các sản phẩm, ngành nghề nông thôn theo Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (Chương trình OCOP), nhằm phát huy lợi thế tại mỗi địa phương; thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch nông thôn mới, cộng đồng dịch vụ du lịch nông thôn mới; Phát triển các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; thu hút các doạnh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào nông nghiệp quy mô lớn, lĩnh vực chế biến nông sản và lĩnh vực phi nông nghiệp, tạo nhiều việc làm. Hình thành hệ thống trung tâm kết nối, xúc tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản.

Tỉnh Bắc Ninh quán triệt quan điểm xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh với cách tiếp cận mới, đi vào chiều sâu, đảm bảo tính bền vững; trong đó trọng tâm là tập trung khai thác các thế mạnh về nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp nghỉ dưỡng, đẩy mạnh chức năng môi trường, tập trung vào du lịch nông thôn, bảo tồn văn hóa và cảnh quan truyền thống… Đồng thời chuyển giao một số chức năng của đô thị cho nông thôn để chủ động đô thị hóa nông thôn hài hòa.

Theo baoxaydung.com.vn