Chủ nhật, 30/06/2024, 19:52[GMT+7]

Đẩy mạnh tái sử dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp

Thứ 5, 15/12/2022 | 08:08:11
5,838 lượt xem
Thái Bình là tỉnh sản xuất nông nghiệp lớn, đa dạng, do đó phế, phụ phẩm nông nghiệp nhiều và dồi dào. Tuy nhiên, lượng phế, phụ phẩm được ứng dụng công nghệ chế biến để tái phục vụ sản xuất và đời sống chưa nhiều.

Nông dân xã Bình Định (Kiến Xương) tận dụng rơm sau thu hoạch để sản xuất nấm.

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt và nhiều nghiên cứu, cứ 1 tấn thóc được sản xuất ra thì lượng phế, phụ phẩm từ lúa cũng tương ứng là 1 tấn, với ngô là 1,2 tấn thân ngô, sản xuất 1ha lạc, đậu tương phát thải 11 tấn thân cây. Thái Bình có tổng diện tích đất trồng trọt trên 90.000ha, mỗi năm cấy khoảng 150.000ha lúa, sản lượng thóc thu được khoảng 1 triệu tấn tương đương 1 tấn rơm, rạ, trấu sinh ra.

Riêng ngành chăn nuôi, với quy mô tổng đàn khoảng gần 700.000 con lợn, 14 triệu con gia cầm, gần 6.000 con trâu, bò, lượng chất thải từ chăn nuôi hàng nghìn tấn/năm. Nguồn này được người dân tận dụng làm chất đốt, phân bón hữu cơ... Ngoài ra, còn một lượng lớn phế, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra từ quá trình trồng các loại cây màu, cây lương thực khác, từ hoạt động nuôi trồng thủy sản. Trước đây, phần lớn phế, phụ phẩm trồng trọt được nông dân dùng làm thức ăn cho gia súc, chất đốt trong sinh hoạt hàng ngày... Tuy nhiên, những năm gần đây, người dân thường đốt rơm rạ, cày vùi lấp rơm rạ ngay trên đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường.

Cán bộ Viện Môi trường nông nghiệp giới thiệu, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất than sinh học bằng ống khói.

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông đã tích cực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để biến phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn tài nguyên tái tạo bằng việc triển khai các mô hình như: trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu (tận dụng rơm rạ sau thu hoạch), sản xuất nấm (sử dụng rơm), ủ chua rơm rạ làm thức ăn cho trâu, bò, giới thiệu, trình diễn máy thu gom rơm rạ... tuy nhiên, lượng phế, phụ phẩm nông nghiệp được xử lý, tái sử dụng còn hạn chế. 

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết: Việc tận dụng nguồn phế, phụ phẩm trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi góp phần trong giảm thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp tại khu vực nông thôn, góp phần đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Tuy nhiên, việc xử lý phế, phụ phẩm còn nhiều bất cập do nhiều nguyên nhân, trong đó công nghệ xử lý, quy trình vận hành chưa được thực hiện đúng, thiếu các mô hình ứng dụng công nghệ cao, quy mô chưa phù hợp với đặc thù nông nghiệp, nông thôn, thiếu tổ chức liên kết, hợp tác để áp dụng đồng bộ các giải pháp từ thu gom, quản lý, xử lý và tiêu thụ sản phẩm sau xử lý.

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Viện Môi trường nông nghiệp tổ chức hội thảo tập huấn kỹ thuật sản xuất than sinh học từ phế, phụ phẩm trồng trọt nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, hạn chế tối đa lượng chất thải ra môi trường. 

Tiến sĩ Bùi Thị Phương Loan, Viện Môi trường nông nghiệp cho biết: Than sinh học được ví như “vàng đen”, là loại than được sản xuất từ các nguồn sinh khối cây trồng hay rác thải hữu cơ thông qua quá trình nhiệt phân yếm khí mà cấu trúc tự nhiên của nó được duy trì và carbon vẫn còn trong than với hàm lượng cao. Than sinh học có thể tồn tại nhiều năm trong đất với cấu trúc tơi xốp nhờ đó giúp đất tăng sức trữ ẩm, giữ dinh dưỡng, cải thiện độ chua, cung cấp chất dinh dưỡng dễ tiêu. Tận dụng nguồn rơm rạ, trấu dồi dào sau thu hoạch, chế biến làm than sinh học không chỉ giảm chi phí sản xuất mà còn góp phần không nhỏ trong việc giảm phát thải khí nhà kính bằng việc tiết kiệm phân bón.

Để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên hữu cơ, nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn với quy trình sản xuất khép kín, phế, phụ phẩm được tái sử dụng trở thành nguyên liệu đầu vào của quy trình sản xuất khác đang được quan tâm mở rộng. Nông dân - chủ thể của quá trình sản xuất cần được tuyên truyền, tập huấn nhiều hơn nữa để hiểu tác dụng của phế, phụ phẩm nông nghiệp từ đó áp dụng khoa học công nghệ chế biến thành sản phẩm có ích, mang lại hiệu quả kinh tế.


Ngân Huyền