Thứ 7, 20/04/2024, 15:06[GMT+7]

Y tế cơ sở - loay hoay gỡ khó Kỳ 1: Cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp - tái diễn sau 10 năm

Thứ 2, 19/12/2022 | 21:43:10
4,323 lượt xem
Cùng với hệ thống y tế toàn tỉnh, y tế cơ sở Thái Bình từng nhiều năm được đánh giá có sự đầu tư đồng bộ, hoạt động đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, hiện nay y tế cơ sở tại không ít địa phương đang rơi vào tình trạng xuống cấp về cơ sở vật chất, thiếu thốn trang thiết bị và nhân lực. Đặc biệt, trải qua hơn 2 năm dịch Covid-19 tác động, khó khăn, thiếu thốn cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực của y tế cơ sở đã xuất hiện những lỗ hổng đang rất cần được lấp đầy.

Trạm Y tế xã Nam Thanh (Tiền Hải) xây dựng cách đây gần 30 năm đang trong tình trạng xuống cấp.

Sau chặng đường xây dựng chuẩn quốc gia y tế xã và xây dựng nông thôn mới, hệ thống trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh được đầu tư tương đối đồng bộ, hoạt động hiệu quả góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân. Tuy nhiên hiện nay, hầu hết trạm y tế, trung tâm y tế huyện đều thiếu thốn trang thiết bị, nhiều trạm y tế cơ sở vật chất xuống cấp khá nghiêm trọng.

Xã nông thôn mới nhưng trạm y tế cũ

Vũ Hòa là một trong ít xã của huyện Kiến Xương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2021, tuy nhiên trạm y tế của xã lại đang xuống cấp. Mặc dù mới 1 năm trước trạm đã được khoác lên mình tấm áo mới của lớp ve song không ngăn được sự thấm dột bởi 1 dãy nhà đã xuống cấp vì xây dựng cách đây gần 30 năm. 

Bác sĩ Hà Tiến Khôi, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Vũ Hòa chia sẻ: Trạm Y tế xã có 2 dãy nhà với 12 phòng, trong đó 1 dãy được xây từ năm 1995. Tuy đủ phòng nhưng ở dãy nhà xây cũ đã bị xuống cấp, mưa là thấm dột. Mặc dù UBND xã đã đầu tư sửa chữa, chống thấm nhưng vẫn bị dột. Ở khu vực xây từ năm 2004 cũng đã có chỗ rạn nứt. Theo bác sĩ Hà Tiến Khôi, từ những năm trước, xã đã có kế hoạch xây dựng 1 dãy nhà mới thay thế cho dãy nhà cũ song cho đến nay vẫn chưa tìm được nguồn kinh phí, việc xây mới bổ sung phòng làm việc cho trạm y tế đến nay cũng khá xa vời vì chưa biết trông cậy vào nguồn vốn từ đâu.

Cũng giống như xã Vũ Hòa, xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ) cũng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2021 song tại địa phương này cơ sở vật chất trạm y tế cũng đang trong tình trạng xuống cấp. Được xây dựng từ năm 1993 nên đến nay Trạm Y tế xã Quỳnh Minh nhiều chỗ tường bong tróc, rơi từng mảng vữa; khu vực mái hiên, nhiều chỗ ngấm nước, phủ rêu xanh; ở các chân tường có những mảng vữa bị vỡ làm lộ ra cả lớp gạch bên trong. 

Y sĩ Lê Thị Thu Hằng, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quỳnh Minh cho biết: Hiện tại, không chỉ thiếu về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất của Trạm cũng đã xuống cấp vì nhiều năm nay chưa được tu sửa. Dù địa phương đã có kế hoạch xây dựng trạm y tế mới nhưng đến nay vẫn chưa có nguồn đầu tư. Trạm hiện có 11 phòng, theo đúng tiêu chí quy định thì thiếu 1 phòng.

Tại những xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đã vậy, ở một số địa phương khác, trạm y tế còn xuống cấp nghiêm trọng hơn. Trạm Y tế xã Phú Lương (Đông Hưng) là một ví dụ. Vào những ngày mưa, cán bộ Trạm vẫn thường phải huy động thau, chậu ra hứng vì phần lớn phần mái của dãy nhà chính với các phòng chức năng như phòng trực, cấp cứu, tiêm chủng... đều bị thấm dột vì dãy nhà này được xây dựng đã lâu. Theo chia sẻ thì Trạm Y tế xã Phú Lương là một trong những trạm y tế có cơ sở vật chất xuống cấp nhất huyện Đông Hưng.

Quá trình xây dựng chuẩn quốc gia y tế xã, phường, thị trấn tại Thái Bình đã trải qua 2 giai đoạn 2000 - 2010 và 2011 - 2020. Đến năm 2020, 100% xã, phường, thị trấn đã đạt chuẩn quốc gia y tế giai đoạn 2 song đến thời điểm này, nhiều trạm y tế đã xuống cấp, có trạm xuống cấp nghiêm trọng. Như ở Kiến Xương, theo bác sĩ Bùi Thị Tho, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, có gần 50% trạm y tế đã xuống cấp cần sửa chữa. Tại Tiền Hải cũng có khoảng 40% số trạm y tế cần xây mới hoặc sửa chữa... Theo báo cáo của các trung tâm y tế và qua rà soát, đánh giá sơ bộ của Sở Y tế, hiện có 22 trạm y tế cần xây mới toàn bộ, 46 trạm cần cải tạo, nâng cấp mở rộng trụ sở. Không chỉ có hệ thống trạm y tế mà 11 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 8 trung tâm y tế cũng cần được đầu tư xây dựng mở rộng một phần, nâng cấp, cải tạo trụ sở để bảo đảm các điều kiện cần thiết thực hiện chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Công nhận đạt chuẩn chưa lâu cơ sở vật chất đã xuống cấp, thực trạng này không chỉ diễn ra ở một trạm y tế. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này vẫn là câu chuyện muôn thuở “cái khó bó cái khôn”. Phần lớn các trạm y tế được xây dựng đã lâu, hoặc được đầu tư xây dựng không đồng bộ, theo hình thức thiếu đâu cơi đó. Vì vậy, vào thời điểm thẩm định đạt chuẩn, nhiều trạm chỉ vừa “chạm” chuẩn. Vì vậy, chỉ sau thời gian ngắn, nhiều phòng chức năng đã rơi vào tình trạng xuống cấp như đã phản ánh trên.  

Trang thiết bị - 10 năm bước thụt lùi

Xã Vũ Trung (Kiến Xương) có tổng dân số hơn 6.100 người, mỗi ngày Trạm Y tế xã đón tiếp khoảng 15 lượt bệnh nhân đến khám bệnh. Song, cũng như hầu hết các trạm y tế khác tại Kiến Xương, tại Trạm Y tế xã Vũ Trung chỉ có các trang thiết bị tối giản nhất như tai nghe, máy đo huyết áp, bút test nhanh tiểu đường. 

Y sĩ Nguyễn Vinh Quang, Phó Trưởng trạm phụ trách Trạm Y tế xã cho biết: Đón tiếp khoảng 15 lượt bệnh nhân/ngày, Trạm Y tế xã Vũ Trung là một trong những trạm hoạt động khá nhộn nhịp. Song, do thiếu phòng và chỉ với những trang thiết bị hết sức tối giản như vậy nên hầu hết người dân chỉ đến khám các bệnh thông thường và sơ cứu với những chấn thương nhỏ. Hiện Trạm thực hiện được khoảng 60 kỹ thuật được phân cấp. So với số kỹ thuật được phân cấp hiện nay cho trạm y tế xã thì 60 là con số quá khiêm tốn; trong điều kiện con người và trang thiết bị như hiện nay thì đây là thực trạng chung không riêng tại Vũ Trung.

Bác sĩ Vũ Hoàng Phương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Song Lãng (Vũ Thư) chia sẻ: Hiện nay, các trang thiết bị hiện có của Trạm khá đơn sơ, chỉ có tai nghe, máy đo huyết áp, xét nghiệm tiểu đường. Chúng tôi mong có một số trang thiết bị như: bộ tiểu phẫu, máy xét nghiệm cơ bản để thực hiện tốt hơn công tác khám chữa bệnh ban đầu và sơ cấp cứu tuyến đầu. Bởi khi không có trang thiết bị thì bác sĩ cũng không thể làm được gì. Ngược lại, khi không được thực hiện kỹ thuật thường xuyên thì trình độ của bác sĩ, nhân viên y tế có thể cũng sẽ mòn đi theo thời gian.

Trạm Y tế xã Canh Tân (Hưng Hà) có 1 bác sĩ, 3 y sĩ và 1 điều dưỡng. Về trang thiết bị, hiện chỉ có một số trang thiết bị cơ bản như: tai nghe, máy đo huyết áp, máy thở khí dung. Theo như chia sẻ của cán bộ ở đây, nếu được đầu tư thêm một số máy như: siêu âm, nội soi tai mũi họng... và được tập huấn chuyên môn thì bác sĩ của Trạm có thể thực hiện được nhiều dịch vụ kỹ thuật hơn, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, giảm bệnh nhân phải chuyển tuyến.

Không chỉ có trạm y tế mà hệ thống trang thiết bị y tế tại các trung tâm y tế huyện cũng thực sự thiếu thốn. Bác sĩ Bùi Thị Tho, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kiến Xương cho biết: Về trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn tại Trung tâm hiện nay cơ bản không có gì ngoại trừ 1 máy siêu âm di động để phục vụ cho các đợt truyền thông dân số, sức khỏe sinh sản. Một số máy được trang cấp từ năm 2006 như máy xét nghiệm sinh hóa tự động đã hỏng từ lâu vẫn được bảo lưu trong kho.

Trung tâm Y tế huyện Hưng Hà cách đây hơn 10 năm với cơ sở vật chất mới, nhiều máy móc, trang thiết bị được đầu tư như máy siêu âm, xét nghiệm... đã đưa nhiều dịch vụ khám chữa các bệnh dự phòng vào hoạt động khá nhộn nhịp, hiệu quả. Song sau thời gian hoạt động, khi máy móc cũ đi không được bổ sung mới thì hiện nay các hoạt động khám chữa bệnh dự phòng tại Trung tâm cũng ngừng thực hiện.

Nếu so sánh trang thiết bị trạm y tế cơ sở hiện nay với 10 năm trước thì có lẽ bây giờ lại thua xa, đó là nhận xét của hầu hết cán bộ y tế cơ sở. Nếu như trong giai đoạn 2005 - 2010, với các dự án đầu tư trang thiết bị được triển khai, không ít trạm y tế cơ sở trong tỉnh đã được trang bị các thiết bị y tế như máy siêu âm, máy điện tim, máy xét nghiệm, nội soi tai mũi họng, bàn khám răng... Đó cũng là giai đoạn trạm y tế cơ sở được vực dậy sau thời gian hoạt động trì trệ, ảm đạm thì gần đây hoạt động y tế cơ sở lại đang rơi vào tình trạng trầm lắng. Bởi sau khi hệ thống trang thiết bị được đầu tư đã hết thời hạn sử dụng trong khi hệ thống trang thiết bị mới không được bổ sung kịp thời đã dẫn đến tình cảnh trang thiết bị cũ kỹ, nghèo nàn, khó đáp ứng yêu cầu công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như sự đổi mới trong hoạt động của trạm y tế. Đặc biệt, trải qua hơn 2 năm ứng phó với dịch Covid-19, những thiếu thốn kép càng làm cho y tế cơ sở càng thêm khó khăn. Nhiều người ví sự khó, khổ mà y tế cơ sở đang phải gồng mình chống đỡ như người bệnh đau chưa có thuốc, căn bệnh sẽ càng trầm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

 Cơ sở vật chất Trạm y tế xã Nam Thanh (Tiền Hải) trong tình trạng xuống cấp khá nghiêm trọng.Trang thiết bị đơn sơ tại Trạm Y tế xã Vũ Trung, Kiến Xương. 

(còn nữa)
Trần Hương - Hoàng Lanh