Thứ 5, 16/01/2025, 05:36[GMT+7]

Y tế cơ sở - loay hoay gỡ khó Kỳ 2: Báo động đỏ về thiếu nhân lực

Thứ 3, 20/12/2022 | 21:50:25
2,973 lượt xem
Không chỉ thiếu thốn trang thiết bị, cơ sở vật chất, sự thiếu vắng nhân lực tại y tế cơ sở cũng đang rơi vào tình trạng báo động đỏ khi có trạm y tế có thời điểm chỉ có 2 cán bộ làm việc. Tình trạng này kéo dài nhiều năm khiến nhân lực y tế cơ sở như một tấm chăn hẹp, đắp cho nơi này ấm thì nơi khác lại lạnh.

Nhân viên Trạm Y tế xã Phú Lương (Đông Hưng) lấy mẫu test nhanh SARS-CoV-2 khi dịch diễn biến phức tạp năm 2021.

Tấm chăn hẹp, ấm đầu thì lạnh chân

Hơn 2 năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là khoảng thời gian nhân lực Trạm Y tế xã Dân Chủ (Hưng Hà) rơi vào tình trạng thiếu nghiêm trọng. Bác sĩ Bùi Việt Kiều, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Dân Chủ cho biết: Nếu như đầu năm 2019 Trạm vẫn có 5 cán bộ làm việc thì đến tháng 5/2019, sau khi 2 cán bộ nghỉ chế độ Trạm chỉ còn 3 cán bộ. Tháng 9/2021, khi bác sĩ Bùi Việt Kiều được điều động sang Trạm Y tế xã Hồng Lĩnh thì Trạm Y tế xã Dân Chủ chỉ còn 2 cán bộ làm việc. Đến tháng 7/2022, thêm 1 cán bộ nghỉ chế độ, Trạm Y tế xã Dân Chủ chỉ còn 1 cán bộ, khi ấy bác sĩ Bùi Việt Kiều lại được điều động quay trở lại Trạm Y tế xã Dân Chủ. Sau một số tháng chỉ có 2 cán bộ làm việc, Trạm Y tế xã Dân Chủ hiện đã được tăng cường thêm 2 cán bộ của Trạm Y tế xã Tân Tiến và xã Đoan Hùng sang song theo phân công thì 2 cán bộ này chỉ tăng cường trong 6 tháng, như vậy thời gian tới nhân lực của Trạm Y tế xã Dân Chủ chưa biết sẽ như thế nào. Mặc dù bác sĩ Bùi Việt Kiều được điều động từ Dân Chủ sang Hồng Lĩnh và sau đó từ Hồng Lĩnh quay về Dân Chủ song ngay cả Trạm Y tế xã Hồng Lĩnh hiện cũng đang thiếu nhân lực (chỉ có 4 cán bộ).

Hưng Hà là huyện mà lực lượng y tế tuyến xã hiện đang thiếu nhiều nhất tỉnh. Huyện có 35 xã, thị trấn, tổng biên chế được giao cho 35 trạm y tế xã, thị trấn là 247 cán bộ song hiện nay toàn huyện đang thiếu 68 người. Như vậy, tính trung bình mỗi trạm y tế đang thiếu gần 2 cán bộ. 

Bác sĩ Phạm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hưng Hà cho biết, tình trạng thiếu cán bộ tại trạm y tế tồn tại nhiều năm nay nhưng càng những năm gần đây tình trạng này càng trở nên trầm trọng vì cán bộ đến tuổi nghỉ chế độ vẫn có hàng năm trong khi từ năm 2016 đến nay toàn huyện không được tuyển thêm cán bộ mới cho trạm y tế. Đặc biệt, trong hơn 2 năm dịch Covid-19, cán bộ trạm y tế thực sự càng thêm sức ép vì nhân lực đã thiếu, công việc lại nhiều, anh chị em phải làm ngày làm đêm. Mặc dù Trung tâm Y tế huyện đã tham mưu UBND huyện đồng thời tiến hành điều động, luân chuyển, tăng cường cán bộ từ Trung tâm về trạm y tế hoặc từ trạm không thiếu hoặc thiếu ít sang những trạm thiếu nhiều song đây cũng chỉ là giải pháp tình thế bởi hiện tại, ngay bản thân Trung tâm Y tế huyện cũng đang thiếu 5 cán bộ. Và với tình trạng trung bình mỗi trạm y tế đang thiếu 2 cán bộ như hiện nay thì nhiều khi không biết phải điều động, tăng cường lực lượng như thế nào cho phù hợp, bởi tăng cường cho nơi này thì nơi kia lại trống.

Giống như Hưng Hà, Quỳnh Phụ hiện cũng là huyện đang thiếu cán bộ trạm y tế khá nghiêm trọng. Với 37 trạm y tế xã, thị trấn, năm 2022 toàn huyện được giao chỉ tiêu 252 biên chế song hiện chỉ có 186 cán bộ, thiếu 65 người so với chỉ tiêu được giao. Như vậy, tính trung bình mỗi trạm y tế đang thiếu 1,75 cán bộ. 

Bác sĩ Nguyễn Đức Cầu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Phụ chia sẻ: Việc thiếu hụt nhân lực y tế cơ sở tại Quỳnh Phụ xuất hiện từ khoảng năm 2018 bởi từ năm 2016 y tế cơ sở không được bổ sung nhân lực, trong khi mỗi năm đều có cán bộ chuyển công tác hoặc nghỉ chế độ. Hiện nay, trạm ít thì thiếu 1 cán bộ, có trạm thiếu 2 - 3 cán bộ như Quỳnh Trang. Việc thiếu cán bộ đương nhiên gây nhiều khó khăn cho hoạt động, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như thời gian trước, cán bộ y tế cơ sở thực sự rất mệt mỏi.

Không chỉ có Hưng Hà hay Quỳnh Phụ, các huyện, thành phố hiện nay đều đang thiếu cán bộ y tế cơ sở. Như ở thành phố Thái Bình, với 19 xã, phường, tổng biên chế trạm y tế được giao 149 cán bộ, hiện thiếu 50 người; huyện Đông Hưng có 38 xã, thị trấn, được giao 249, thiếu 44; huyện Kiến Xương được giao 228, thiếu 40... Nếu như ngày thường, việc thiếu hụt cán bộ, nhân viên y tế đã làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của trạm y tế thì khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, “gánh nặng” thiếu nhân lực càng bộc lộ rõ. Nhiều nhiệm vụ phải thực hiện cùng lúc khiến cán bộ, nhân viên y tế cơ sở phải quay như chong chóng. “Quá tải” là nhận xét chung của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở trong dịp ứng phó với đợt dịch Covid-19 vừa trải qua. “Cũng may là đến nay dịch bệnh đã được kiểm soát tốt chứ không rất nhiều người trong số chúng tôi buộc phải bỏ nghề” - đó là chia sẻ thật lòng của nhiều cán bộ y tế cơ sở.

Vắng bác sĩ, hoạt động cầm chừng

Dân số xã Nam Thanh (Tiền Hải) hiện có hơn 9.000 người. Theo quy định mới nhất, với những xã có hơn 8.000 dân, trạm y tế phải có 6 cán bộ; tuy nhiên, hiện nay Trạm Y tế xã Nam Thanh mới có 5 cán bộ và nhiều năm nay tại Trạm không có bác sĩ. Thuộc địa bàn xa trung tâm huyện nên khi có bệnh, người dân thường đến trạm y tế. 

Y sĩ Nguyễn Bang Kỳ, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nam Thanh cho biết, vừa thiếu nhân lực lại thiếu bác sĩ nên hoạt động của Trạm bị ảnh hưởng nhiều. Với yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân hiện nay khoảng 13 - 15 lượt bệnh nhân/ngày, nếu có bác sĩ, có thêm nhân lực chắc chắn sẽ có nhiều bệnh nhân đến hơn và Trạm cũng sẽ giải quyết được nhiều kỹ thuật hơn. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cán bộ, nhân viên y tế phải triển khai khối lượng công việc lớn, áp lực nặng nề. Có lúc một cán bộ phải làm nhiều nhiệm vụ như điều tra, giám sát ca bệnh, lấy mẫu test nhanh làm xét nghiệm, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà...

Y sĩ Lê Thị Thu Hằng, Phó Trưởng trạm Y tế xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ) cho biết: Nếu theo chuẩn y tế giai đoạn 2, Trạm Y tế xã Quỳnh Minh phải có 6 cán bộ biên chế theo chức danh riêng nhưng hiện tại mới có 4 người, do đó cán bộ của Trạm phải đảm nhiệm cả những chức danh trống như chức danh y sĩ sản nhi, dân số. Bên cạnh đó, nhiều năm Trạm cũng thiếu bác sĩ. Thiếu bác sĩ ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám chữa bệnh. Hiện Trạm mới chỉ thực hiện được những dịch vụ y tế đơn giản, phục vụ khám chữa bệnh ban đầu mà không thể thực hiện được những dịch vụ cao hơn, bệnh nhân đến khám chủ yếu phải giới thiệu chuyển tuyến trên. Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân thì ngày càng cao, nếu có bác sĩ, trang thiết bị, chúng tôi có thể thực hiện một số dịch vụ ngay tại Trạm.

Tình trạng thiếu nhân lực và bác sĩ đã không còn ở diện hẹp ở một số địa phương và một số huyện mà diễn ra ở hầu hết các huyện, thành phố và nhiều xã. Không chỉ trạm y tế mà ngay cả trung tâm y tế và các bệnh viện huyện cũng thiếu nhân lực. 

Bác sĩ Bùi Thị Tho, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kiến Xương cho biết, Trung tâm hiện là đơn vị thiếu bác sĩ nhiều nhất trong các trung tâm y tế huyện. Trong khi chỉ tiêu bác sĩ của Trung tâm là 25 bác sĩ trong tổng số 45 chỉ tiêu cán bộ nhưng tại Trung tâm hiện chỉ có 12 bác sĩ. Toàn huyện còn 13 trạm y tế thiếu bác sĩ, Trung tâm sẽ phải điều động bác sĩ của Trung tâm về hỗ trợ chuyên môn cho những trạm đang thiếu bác sĩ song với việc thiếu bác sĩ ngay cả ở Trung tâm như hiện nay thì gần như không thể thực hiện nhiệm vụ này. Điều đáng lo nữa là chỉ trong khoảng 3 năm tới một số lượng không nhỏ cán bộ y tế trạm y tế xã nói chung và số các bác sĩ đang công tác tại trạm y tế xã đến tuổi nghỉ chế độ mà tình trạng vẫn không bổ sung được biên chế cán bộ cho trạm y tế xã như hiện nay thì không biết y tế cơ sở sẽ giải quyết bài toán nhân lực như thế nào.

Theo báo cáo của Sở Y tế, năm 2022, tổng số biên chế được giao của trung tâm y tế huyện, thành phố, trạm y tế xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh là hơn 2.200 cán bộ, hiện có hơn 1.800 cán bộ, thiếu 400, trong đó riêng cán bộ trạm y tế thiếu 368 người. Như vậy, nếu tính trung bình trên toàn tỉnh thì mỗi trạm y tế đang thiếu 1,4 cán bộ. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 177/260 trạm y tế có bác sĩ, như vậy còn hơn 30% trạm y tế trong tỉnh chưa có bác sĩ. Vừa thiếu cán bộ vừa thiếu bác sĩ nên nhiều trạm y tế đang hoạt động cầm chừng, không thu hút được người dân đến khám chữa bệnh. Hầu hết trạm y tế chỉ thực hiện được rất ít kỹ thuật so với hàng trăm kỹ thuật được phân cấp.

Qua nhiều giai đoạn, việc thu hút, tuyển dụng bác sĩ nói riêng và cán bộ về công tác tại trung tâm y tế, trạm y tế luôn là vấn đề khó khăn của ngành y tế. Với sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và những nỗ lực của toàn ngành, trước năm 2016, nhân lực y tế cơ sở được kiện toàn, tuy nhiên những năm gần đây lại thiếu trở lại. Qua đại dịch Covid-19, khi đội ngũ cán bộ y tế cơ sở phải lấy trạm làm nhà, làm việc quên ngày đêm thì y tế cơ sở vẫn khẳng định vai trò không thể thiếu trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, cũng qua đại dịch giúp chúng ta nhìn rõ hơn “tấm chăn hẹp” của y tế cơ sở. Cần sớm có giải pháp lâu dài cho y tế cơ sở, không để tình trạng “ấm đầu thì lạnh chân”, để y tế cơ sở luôn sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Cán bộ Trạm y tế xã Vũ Ninh (Kiến xương) phun thuốc diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết.

(còn nữa)
Trần Hương - Hoàng Lanh