Thứ 6, 29/03/2024, 15:06[GMT+7]

Y tế cơ sở - loay hoay gỡ khó Kỳ 3: Không để cơ sở phải loay hoay... xoay

Thứ 5, 22/12/2022 | 08:32:04
3,610 lượt xem
Vừa khó vừa khổ từ lâu được coi là những thiệt thòi đặc biệt trong hoạt động của y tế cơ sở. Song những khó khăn kép dồn đến cùng lúc như hiện nay đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng chuyên môn, chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Cần sớm có giải pháp gỡ khó cho y tế cơ sở, để y tế cơ sở thực sự phát huy vai trò tuyến đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là những yêu cầu cấp bách cần triển khai ngay.

Trạm Y tế xã Hồng Việt (Đông Hưng) vui mừng tiếp nhận trang thiết bị mới từ dự án HPET.

Cơ sở loay hoay... xoay

Trong khi kinh tế - xã hội cũng như y học ngày càng phát triển thì y tế cơ sở lại chịu cảnh thụt lùi, mất dần vị thế trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cùng đội ngũ hàng nghìn cán bộ song nhiều trạm y tế thường xuyên trong cảnh đìu hiu, vắng bệnh nhân trong khi các bệnh viện tuyến trên luôn trong tình trạng quá tải là thực tế đã diễn ra từ lâu. Song khi các dịch bệnh xảy ra như dịch Covid-19 hơn 2 năm qua mới thấy hết vai trò của y tế cơ sở. Quá trình kiểm tra công tác phòng, chống dịch thời điểm dịch Covid-19 lây lan mạnh tại một số địa phương cho thấy không ít trạm y tế rơi vào lúng túng, chưa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch. 

Ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ phân tích, cơ sở vật chất y tế xuống cấp nên công tác y tế dự phòng, khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn. Nhân lực thiếu, nhất là thiếu bác sĩ, cơ chế hoạt động của trạm y tế chưa rõ, chưa phân cấp rõ các dịch vụ của trạm nên việc khám chữa bệnh hạn chế. Từ đó thu nhập của người làm công tác y tế cơ sở còn khó khăn, bác sĩ chưa thiết tha về công tác tại y tế cơ sở.

“Hoạt động đìu hiu không thu hút được cán bộ y tế về cơ sở, không thu hút được cán bộ về thì y tế cơ sở ngày càng đìu hiu” - đó là vòng luẩn quẩn mà y tế cơ sở nhiều năm nay phải đối mặt và điều này ngày càng bộc lộ rõ nét hơn khi hệ thống y tế ngoài công lập đang phát triển mạnh, thu hút đội ngũ cán bộ y tế từ các đơn vị công lập chuyển sang. Thiếu trước, hụt sau, phải tự xoay sở là những gì cả y tế tuyến xã và huyện đang phải tháo gỡ trong giai đoạn khó khăn của y tế cơ sở hiện nay. 

Bác sĩ Nguyễn Hải Hậu, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phú Lương (Đông Hưng) chia sẻ, bà đã có 30 năm làm trạm trưởng; trong sự phát triển nhanh chóng, hiện đại của ngành y tế thì đội ngũ cán bộ y tế cơ sở hầu như vẫn đang làm việc theo kiểu “tay không bắt giặc” bởi sự đầu tư cho hoạt động của y tế cơ sở rất khiêm tốn. Ngoài một số trang thiết bị đơn giản, hàng năm kinh phí ngân sách cấp cho hoạt động của trạm y tế được 9 triệu đồng cho cả hoạt động y tế và dân số. Với số kinh phí này, trạm y tế lúc nào cũng trong cảnh thiếu trước hụt sau trong khi các quy định về đạt chuẩn chuyên môn ngày càng cao. Như trong dịch Covid-19, ngay cả khẩu trang, quần áo bảo hộ nhiều thời điểm không có cho cán bộ sử dụng. Nếu không có sự tài trợ từ các đơn vị, cá nhân thì không biết đội ngũ cán bộ y tế cơ sở phải xoay sở như thế nào?

Bác sĩ Phạm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hưng Hà cho biết: Toàn huyện có 35 trạm y tế xã, thị trấn nhưng có đến 20 trạm chưa có bác sĩ. Để khắc phục khó khăn trong vấn đề nhân lực của trạm y tế xã, Trung tâm phải thực hiện điều động trạm thiếu ít sang trạm thiếu nhiều, đưa cán bộ Trung tâm về hỗ trợ. Ngoài ra Trung tâm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cơ sở hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn cùng phối hợp với trạm y tế xã làm tốt công tác khám chữa bệnh cho người dân.

Còn tại Quỳnh Phụ, để gỡ khó, theo như chia sẻ của ông Phạm Hồng Thái, huyện đã xây dựng đề án nâng cao cơ sở vật chất, bổ sung theo chu kỳ. Sau khi hoàn thành các công trình như trường học, trụ sở UBND xã... sẽ tham mưu đề án tu bổ, nâng cấp hệ thống trạm y tế; đồng thời, đề xuất cho trạm y tế tăng cường về chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao trình độ, đời sống cho cán bộ y tế cơ sở.

Mặc dù mỗi địa phương đã chủ động tìm giải pháp gỡ khó cho mình song trong bối cảnh khó khăn của cả hệ thống y tế cơ sở như hiện nay thì rất cần sự quan tâm giải quyết một cách đồng bộ và toàn diện.

Khắc phục tình trạng “khắc nhập - khắc xuất”

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn kép hiện nay của y tế cơ sở song một trong những nguyên chính là do hệ thống y tế luôn thay đổi, mô hình hoạt động chưa ổn định. Qua ý kiến của hầu hết cán bộ lãnh đạo, quản lý đơn vị y tế các cấp, chưa có ngành nào mà sự tách ra, nhập vào giữa các đơn vị y tế tuyến huyện lại diễn ra liên tục như ngành y tế. Từ năm 1998 đến nay, y tế tuyến huyện đã có đến 3 lần tách ra, nhập vào giữa bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm dân số, phòng y tế và có 3 lần chuyển giao quản lý giữa Sở Y tế và UBND cấp huyện. Tình trạng “khắc nhập - khắc xuất” này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả phối hợp thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn mà còn ảnh hưởng đến tư tưởng công tác của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. 

Một đồng chí lãnh đạo Sở Y tế phân tích, trước tiên phải có mô hình quản lý phù hợp, tạo sự thống nhất, yên tâm cho cán bộ, nhân viên các đơn vị y tế cơ sở thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Giai đoạn 2021 - 2025, Sở Y tế đề nghị giữ nguyên mô hình y tế cơ sở như hiện nay. Về gỡ khó cho y tế cơ sở, Sở Y tế đang phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng năm 2030. Mục tiêu của đề án là bảo đảm sự thống nhất xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo hoạt động của ngành từ trung ương đến địa phương, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; phát huy kết quả đạt được của mô hình y tế cơ sở hiện nay, nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và phối hợp lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị. Tăng cường cơ sở vật chất, hoàn thiện tổ chức mạng lưới, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của hệ thống y tế cơ sở. Thực hiện quản lý toàn dân, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho nhân dân.

Trong đề án, ngành y tế xây dựng phương án duy trì hoạt động 8 trung tâm y tế và trạm y tế cấp xã, sẽ xây dựng mô hình trạm y tế khu vực tăng cường cho các vùng xa, nơi xa bệnh viện (khoảng 3 trạm/huyện) để khám chữa bệnh cho nhân dân ngay tại địa bàn. Tăng cường chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn cho y tế cơ sở; thực hiện luân phiên bác sĩ từ bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thành phố về xã, phường, thị trấn làm việc...

Ngoài việc ổn định bộ máy y tế cơ sở, theo ý kiến của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý y tế cơ sở, cần khẩn trương tuyển dụng bổ sung 400 cán bộ đang thiếu tại các trung tâm y tế và các trạm y tế trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, để y tế cơ sở thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, cần ban hành các cơ chế tạo điều kiện để y tế cơ sở tham gia liên doanh, liên kết trong đầu tư trang thiết bị thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh. Bởi từ trước đến nay chính sách đãi ngộ cho cán bộ y tế cơ sở chưa được quan tâm đúng mức. Hơn 6 năm không tuyển dụng bổ sung lực lượng cán bộ y tế trạm y tế trên phạm vi toàn tỉnh là chưa quan tâm sâu sát đối với y tế cơ sở. Để có thể tuyển dụng, “giữ chân” nguồn nhân lực và giúp các trạm y tế thực hiện tốt vai trò “người gác cổng” trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân rất cần những cơ chế, chính sách mang tính đồng bộ, lâu dài. Cần sớm có chế độ đãi ngộ, động viên đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế về cơ sở làm việc, đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của trạm y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bên cạnh đó, cùng với ngành y tế, các địa phương cần có sự quan tâm đầu tư đúng mức cho hoạt động của y tế cơ sở, tăng cường hơn nữa việc xã hội hóa để đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thêm các trang thiết bị cần thiết phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Sức khỏe là tài sản quý giá nhất của mỗi người, vì vậy công tác y tế cũng cần được đặt là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu tại mỗi địa phương.

Trạm Y tế xã Hồng Việt (Đông Hưng) tiếp nhận trang thiết bị mới từ dự án HPET.Cán bộ Trạm Y tế xã Quỳnh Bảo (Quỳnh Phụ) chăm sóc và điều trị cho các ca F0 tại trạm đầu năm 2022.

Trần Hương - Hoàng Lanh