Thứ 2, 25/11/2024, 11:07[GMT+7]

Xử lý xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình: Cần biện pháp mạnh Kỳ 2: Đừng như “bắt cóc bỏ đĩa”

Thứ 3, 30/05/2023 | 12:09:19
6,029 lượt xem
Xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình ngang nhiên đón trả khách tùy tiện mọi nơi, mọi lúc đang là bài toán thách thức các cơ quan chức năng. Phải chăng công tác quản lý còn bất cập hay biện pháp xử lý chưa đủ mạnh?

Lực lượng chức năng kiểm tra thực tế hoạt động thiết bị giám sát hành trình của xe khách.

Bài toán chưa có lời giải

Hình thức hoạt động của xe hợp đồng trá hình ngày càng tinh xảo và quy mô hơn. Chúng được trá hình dưới dạng xe du lịch chuyên tuyến, xe đón khách nội thị nên lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý. Bên cạnh đó, vì sự tiện lợi nên nhiều người lựa chọn dịch vụ này. Thực tế đó không chỉ làm phức tạp tình hình an toàn giao thông mà còn tạo sự cạnh tranh không bình đẳng trong lĩnh vực vận tải hành khách.

Đại diện các nhà xe chia sẻ, họ không kinh doanh nổi, không cạnh tranh được với xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình, bên cạnh đó là những chế tài ràng buộc tại các bến xe. Thậm chí nhiều doanh nghiệp phải “tự cứu lấy mình” bằng cách bỏ bến để chạy hợp đồng; nhiều doanh nghiệp phải bán xe, chuyển hướng kinh doanh hay tìm đối tác khác để khai thác...

Ông Bùi Thanh Trà, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở Giao thông Vận tải cho biết: Việc xác định và xử lý vi phạm đối với xe hợp đồng trá hình hiện nay có không ít bất cập. Các doanh nghiệp, nhà xe khi đăng ký là chạy hợp đồng nhưng trên thực tế lại là xe khách chạy tuyến cố định. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, nhà xe đều có danh sách hành khách, có hợp đồng vận tải. Ngoài ra, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe. Ví dụ, Sở Giao thông Vận tải chỉ có quyền thu hồi phù hiệu vận tải đối với các lỗi vi phạm về tốc độ; một số chế tài xử lý khó chứng minh hành vi vi phạm của lái xe, nhất là những xe dùng phù hiệu hợp đồng...

Ông Phạm Anh Tuấn, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải cho biết: Trong quá trình tuần tra, xử lý vi phạm, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn như: chủ xe, lái xe vì lợi nhuận nên bất chấp các quy định; chế tài xử lý còn nhẹ; sự “bắt tay” của hành khách với nhà xe; các nhà xe lập nhóm zalo, facebook để thông báo cho nhau, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình tuần tra, xử lý vi phạm.

Cần xử lý dứt điểm

Hai năm qua, thành phố Thái Bình đã cho kẻ vẽ gần 1.000 điểm dừng đỗ xe trên các tuyến phố với mục đích để cho các xe ô tô cá nhân dừng đỗ có trật tự. Tuy nhiên, tình trạng xe vận tải khách, xe hợp đồng dừng đỗ sai quy định, đón trả khách ngay trên vỉa hè và dưới lòng đường vẫn diễn ra khá phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình cho biết: Để chấn chỉnh tình trạng phương tiện dừng đỗ sai quy định và hoạt động của xe hợp đồng trá hình, xe dù, bến cóc, thành phố đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải chấp hành nghiêm quy định về nơi đỗ xe ô tô, điểm đón trả khách. Đồng thời, rà soát và cắm biển cấm dừng đỗ đối với xe vận tải khách tại tuyến phố trung tâm.

Ông Chu Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Lực lượng liên ngành gồm Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) và Công an thành phố Thái Bình đã tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm đối với xe ô tô vận tải khách trên địa bàn các huyện, thành phố. Địa điểm phối hợp kiểm tra tập trung tại các tuyến đường ra, vào tỉnh; khu vực cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đường Lê Lợi, ngã tư An Tập (thành phố Thái Bình) và một số tuyến đường khác trên địa bàn thành phố; khu vực các bến xe, khu vực các doanh nghiệp vận tải hành khách bố trí đón, trả khách...

Đợt cao điểm lần này được thực hiện từ ngày 20/4 - 20/5/2023, trong đó tập trung kiểm tra, xử lý các vi phạm như: xe vận tải khách không gắn phù hiệu; xe chạy hợp đồng không đúng quy định (xe trá hình); xe chạy hợp đồng, xe kinh doanh vận tải khách du lịch chở không đúng đối tượng theo hợp đồng; xe chạy trái luồng tuyến; dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng nơi quy định... 

Theo báo cáo của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, sau một tháng thực hiện chuyên đề, lực lượng liên ngành đã xử lý 57 trường hợp vi phạm đối với xe ô tô vận tải khách, xử phạt hành chính tổng số 81 triệu đồng. 

“Đối với các lỗi xe chạy không gắn phù hiệu, không có hợp đồng, chạy sai luồng tuyến, dừng đỗ sai quy định, Sở đã bố trí hệ thống biển báo cấm dừng, đỗ, trên cơ sở đó tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Bên cạnh đó, Sở phối hợp với Công an tỉnh đề xuất UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh lắp đặt camera xử phạt nguội tại một số điểm như cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh; tăng cường sử dụng dữ liệu camera để phạt nguội với các lỗi vi phạm về quy tắc giao thông... từ đó ngăn chặn các hành vi vi phạm, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật vận tải, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ” - ông Chu Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết thêm.

Hoạt động của xe khách núp bóng hợp đồng trên địa bàn tỉnh hiện nay khá phức tạp, không chỉ gây mất an toàn giao thông do việc dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng quy định mà còn làm mất công bằng trong hoạt động vận tải hành khách. Điều đáng lo ngại là hệ thống bến xe đã được nhà nước đầu tư ngày càng thưa vắng, thậm chí bỏ không, gây ra tình trạng lãng phí. Bên cạnh đó, do tình trạng cạnh tranh ngày càng khốc liệt, chất lượng cũng như độ an toàn trong hoạt động xe khách núp bóng hợp đồng ngày càng giảm. Đã đến lúc các cơ quan quản lý, ngành chức năng cần có sự vào cuộc đồng bộ; có sự điều chỉnh các quy định, chế tài xử lý vi phạm phù hợp đối với loại hình xe khách núp bóng hợp đồng như hiện nay.

Nhóm phóng viên