Thứ 7, 04/05/2024, 11:28[GMT+7]

Càng khó khăn càng phải thi đua để ổn định sản xuất, kinh doanh

Thứ 7, 10/06/2023 | 16:12:57
2,705 lượt xem
Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 là thời điểm rất nhiều khó khăn với những yếu tố bất lợi tác động song cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình đã tích cực thực hiện phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, nỗ lực tìm kiếm đối tác, duy trì ổn định các hoạt động, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.

Trong khó khăn song Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý vẫn duy trì sản xuất ổn định.

Lấy thi đua làm động lực

Những tháng đầu năm 2023, khó khăn bủa vây ngành dệt may song Công ty TNHH Sợi dệt Hương Sen Comfor vẫn nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng, đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại tạo ra sản phẩm chất lượng tốt; đồng thời tiết kiệm chi phí, duy trì sản xuất 3 ca liên tục, tạo việc làm ổn định cho gần 200 lao động với mức lương 7,5 - 8 triệu đồng/người/tháng. 5 tháng đầu năm 2023, Công ty sản xuất được 2.500 tấn sợi, giữ vững vị trí trong top 300 doanh nghiệp xuất khẩu uy tín trong cả nước. Hiện Công ty tiếp tục mở rộng sản xuất, đầu tư lắp đặt thiết bị nhà máy 2 với quy mô 400 vạn cọc sợi, sản lượng 700 tấn sợi/tháng, dự kiến cuối tháng 6/2023 sẽ đi vào hoạt động, tạo thêm việc làm cho 200 lao động. 

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết: Công ty phát động sâu rộng các phong trào thi đua trong toàn thể cán bộ, công nhân lao động, coi trọng biểu dương, khen thưởng kịp thời các nhân tố điển hình, tiêu biểu. Lãnh đạo Công ty, trưởng các phòng, ban, trưởng ca gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, làm tốt vai trò “truyền lửa” tạo sự tin tưởng để người lao động thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, các tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên phát huy tốt vai trò cùng với Ban Giám đốc lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành vượt mức các mục tiêu sản xuất, kinh doanh.

Với truyền thống và kinh nghiệm lâu năm trong ngành sợi dệt, từ cuối năm 2022 đến nay, Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý đã tìm mọi giải pháp duy trì hoạt động ổn định sản xuất 5 nhà máy sợi, 1 phân xưởng tại Thái Bình và Hưng Yên, đồng thời tiếp tục đầu tư 2 nhà máy sợi ở huyện Vũ Thư. Trong khó khăn song 740 công nhân vẫn đi làm đều đặn với mức lương 9 triệu đồng/người/tháng. 

Theo ông Trần Văn Định, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Công ty: Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, Công ty thường xuyên phát động, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua bảo đảm thiết thực, hiệu quả như: sản xuất, kinh doanh giỏi, chị em phụ nữ 3 đảm đang, năng suất tốt - chất lượng cao... Cùng với đó, doanh nghiệp từng bước tự động hóa các công đoạn sản xuất, tiết kiệm chi phí tiêu hao nguyên, nhiên liệu. Kết quả, sản xuất, kinh doanh của Công ty luôn duy trì ổn định, giữ vững thị phần 70% xuất khẩu, doanh thu năm sau tăng hơn năm trước 12 - 15%.

Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã biến thách thức thành cơ hội, thích ứng linh hoạt, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư trang thiết bị tiên tiến để tạo ra sản phẩm có giá trị cao; ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, duy trì và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Trong đó, chú trọng tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trên tất cả các lĩnh vực với mục tiêu “năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn”, tạo môi trường làm việc thuận lợi để người lao động yên tâm gắn bó, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Sản xuất tại Công ty TNHH Sợi dệt Hương Sen Comfor.

Biến thách thức thành cơ hội

Đối với Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng bằng trách nhiệm với người lao động, với khách hàng, Công ty luôn chú trọng đầu tư, chăm chút và nâng cao chất lượng đối với từng sản phẩm, mở rộng kênh phân phối bán hàng, xây dựng thương hiệu. Công ty đang duy trì sản xuất trên 200 loại bánh kẹo, trong đó chú trọng sản xuất các loại bánh dinh dưỡng, bánh dành cho người ăn kiêng... phủ kín thị trường tiêu thụ trong nước và dành gần 20% cho xuất khẩu. 5 tháng đầu năm 2023, tổng lượng xuất khẩu bánh kẹo của Công ty tăng 48%, doanh thu tăng 11,2% so với cùng kỳ, tạo việc làm cho 400 lao động với mức thu nhập 8 - 15 triệu đồng/người/tháng. 

Bà Phan Thị Châm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng khẳng định: Để doanh nghiệp phát triển bền vững và không ngừng lớn mạnh, Công ty thường xuyên phát động phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong lao động sản xuất và kinh doanh. Lấy chất lượng làm gốc và luôn khuyến khích cán bộ, công nhân viên phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của từng bộ phận. 

Chúng tôi luôn tôn trọng và đề cao từng ý tưởng táo bạo dù là nhỏ nhất của từng người lao động. Từng dây chuyền và phân xưởng thi đua với nhau để giúp lãnh đạo Công ty tìm giải pháp tốt nhất ứng dụng vào thực tiễn. Cũng nhờ thường xuyên phát động phong trào thi đua mà Công ty giảm chi phí phát sinh, hàng năm tiết kiệm được khoản kinh phí lớn để tái đầu tư, tạo quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi, an sinh xã hội cho chính người lao động trong doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Quang, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Thái Bình hiện có trên 10.000 doanh nghiệp hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động và là trụ cột đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Các doanh nghiệp trong toàn tỉnh đã hưởng ứng tích cực, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua. Trong đó, chú trọng thi đua đổi mới kỹ năng quản lý, quản trị doanh nghiệp phù hợp với tình hình thực tế; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, kinh doanh nhằm giảm chi phí quản lý, định mức tiêu hao nguyên, nhiên liệu, nâng cao hiệu suất máy móc, thiết bị, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao nhất. Các doanh nghiệp chủ động tìm thị trường để tổ chức sắp xếp lại sản xuất, tăng cường hợp tác, liên doanh liên kết, tập trung các nguồn lực để duy trì và đẩy mạnh sản xuất để tăng doanh thu, lợi nhuận, giải quyết việc làm cho người lao động. Vì vậy, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình vẫn có sự phát triển và ngày càng lớn mạnh: năm 2022 nộp ngân sách nhà nước cao nhất từ trước đến nay với số tiền gần 9.000 tỷ đồng và cũng là năm đầu tiên có trên 1.000 doanh nghiệp thành lập mới. Các doanh nghiệp đã trích lợi nhuận thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, riêng tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tặng trên 40.000 suất quà cho các đối tượng chính sách xã hội với số tiền gần 17 tỷ đồng. 

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng phát huy tốt vai trò bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, kiến nghị với tỉnh, ngành chức năng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thái Bình xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 19 bậc so với năm 2021. Hiện nay, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trình UBND tỉnh triển khai bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thành phố (DDCI) năm 2023, hỗ trợ các doanh nghiệp quyết tâm hoàn thành tốt nhất mục tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2023.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Thăng Long cùng đội ngũ kỹ sư trao đổi giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án nhà ở xã hội.

Mạnh Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày