Thứ 2, 13/05/2024, 19:17[GMT+7]

Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng

Thứ 2, 10/07/2023 | 08:14:38
3,008 lượt xem
Bệnh tay chân miệng đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Nam. Tại Thái Bình, số ca mắc ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Thái Bình từ tháng 4 đến nay có xu hướng gia tăng, trong đó có bệnh nhân diễn biến nặng nhanh, phải thở máy.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi Thái Bình.

Nếu như 3 tháng đầu năm 2023, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Thái Bình chỉ ghi nhận hơn 80 bệnh nhân phải nhập viện điều trị do mắc tay chân miệng thì đến tháng 4, số ca mắc đã lên tới 77 ca. Liên tiếp những tháng sau đó, số ca mắc tăng. Cụ thể, tháng 5 là 83 ca, tháng 6 là 94 ca. Các bệnh nhân nhập viện chủ yếu dưới 5 tuổi mắc tay chân miệng độ 2A với các triệu chứng giật mình, sốt, mệt mỏi, mắt lờ đờ, quấy khóc...

Bệnh nhi Phạm Ngọc Khánh Ngân, 14 tháng tuổi điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Thái Bình từ ngày 3/7. Khi nhập viện, bệnh nhi được chẩn đoán mắc tay chân miệng. Anh Phạm Văn Mạnh, bố bệnh nhân chia sẻ: Ở nhà cháu sốt, quấy khóc, người mệt mỏi nên gia đình cho vào bệnh viện. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán cháu mắc tay chân miệng độ 2A. Sau một thời gian ngắn điều trị đến nay tình trạng của cháu đã ổn định.

Điều trị tại Bệnh viện Nhi Thái Bình từ ngày 1/7, bệnh nhân Phạm Xuân Khôi, 17 tháng tuổi cũng xuất hiện tình trạng sốt, nhiều nốt phỏng trên da và được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 2A trên nền viêm phổi. 

Chị Trần Thị Anh Phương, mẹ bệnh nhi chia sẻ: Cháu ở nhà ho, sốt nhiều, tay chân mọc nhiều mụn nên hay quấy khóc. Sau khi được chẩn đoán và điều trị, hiện tình trạng của cháu đã ổn định, mụn ở tay chân đã khô. Cháu vẫn đang tiếp tục điều trị bệnh viêm phổi.

Theo thống kê của Khoa Truyền nhiễm, từ đầu năm đến nay, bệnh tay chân miệng có số lượng bệnh nhân cao thứ hai tại Khoa sau bệnh cúm. Số ca mắc tay chân miệng những tháng gần đây có xu hướng gia tăng nhưng không tăng đột biến. 

Bác sĩ Vũ Thị Phương, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Thái Bình cho biết: So với năm ngoái, tình trạng bệnh nhân nặng cũng không có sự gia tăng. Tuy nhiên, đáng lưu ý có một số trường hợp chuyển nặng nhanh, trong đó có một số trường hợp độ 2B và độ 3. Ở bệnh nhân độ 3, chỉ sau vài giờ nhập viện, bệnh nhân đã bị sốc, phải thở máy, hồi sức tích cực và phải chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Bệnh tay chân miệng rải rác quanh năm, song số ca mắc thường tăng vào mùa hè. Hiện số ca mắc tay chân miệng lại có chiều hướng gia tăng, nguyên nhân là do mùa hè nắng nóng kéo dài kèm theo mưa ẩm tạo điều kiện cho các loại virus phát triển, trong đó có virus gây bệnh tay chân miệng. Bệnh thường gặp ở độ tuổi dưới 5 tuổi. Ở độ tuổi này, trẻ đi học mầm non. Hiện tại nhiều trẻ vẫn đang đi học, tập trung đông, nếu điều kiện vệ sinh môi trường, trường lớp không bảo đảm, không thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh có thể sẽ xuất hiện ca mắc và lây lan thành dịch tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng thường có diễn biến nhanh, nhất là khi đã ở giai đoạn 2B nhóm 2 (sốt cao liên tục, ngủ giật mình nhiều, run chi, đi loạng choạng...) thì phải đưa ngay bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được xử trí, điều trị kịp thời. 

Bác sĩ Vũ Thị Phương cho biết thêm: Ở độ 2B, nếu không được điều trị kịp thời nguy cơ biến chứng cao, có thể dẫn đến biến chứng thần kinh, viêm não, viêm cơ tim. Các biến chứng này có thể gây ra nhiều tổn thương không thể hồi phục, thậm chí gây tử vong ở trẻ. Hiện nay, tay chân miệng chưa có vắc-xin phòng bệnh, thuốc điều trị cho bệnh nhân nặng có thời điểm khan hiếm. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều tỉnh, thành phố. Để chủ động phòng bệnh, người dân cần thực hiện tốt việc vệ sinh môi trường, thường xuyên vệ sinh trường lớp, nơi ở của trẻ; rửa tay bằng xà phòng cho trẻ trước khi ăn; thực hiện ăn chín, uống chín; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh... Bệnh diễn biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn chăm sóc, điều trị kịp thời, tránh tự ý mua thuốc điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ khiến bệnh có thể nặng thêm.

Hoàng Lanh 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày