Thứ 7, 27/04/2024, 15:00[GMT+7]

Phòng, chống bạo lực gia đình: Trách nhiệm của toàn xã hội Kỳ 3: Khẩn trương đưa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình vào cuộc sống

Thứ 2, 31/07/2023 | 08:21:36
8,266 lượt xem
So với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 13/2022/QH15 có nhiều điểm mới. Nhằm giúp người dân thêm hiểu và nắm vững về Luật, đồng thời phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền, cuối tháng 6/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội thi tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đây là khởi động đáng mừng thể hiện sự đổi mới trong tuyên truyền với mong muốn sớm đưa Luật đi vào cuộc sống.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được tuyên truyền dưới hình thức sân khấu hóa.

Đổi mới trong cách thức tuyên truyền

“Trước đây, ở khu xóm của chúng tôi, cứ có lời qua tiếng lại xô xát, bạo lực gia đình (BLGĐ) là hàng xóm chạy sang can ngăn nhưng quả thật trong hành động ấy, nhiều khi ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm. Xem các tiểu phẩm ở hội thi, tôi hiểu được rằng, nếu không thể can thiệp vào vụ việc thì mình gọi ngay cho tổ hòa giải ở địa phương và báo cho chính quyền xã. Như vậy, cách giải quyết tốt hơn, trọn vẹn hơn”. Đó là những chia sẻ của anh Hoàng Minh Thủy, xã Chí Hòa (Hưng Hà), một trong các tuyên truyền viên tham gia hội thi. 

Anh Thủy cho biết, thực tế qua những buổi tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ tại cơ sở đã cho thấy việc tuyên truyền qua tiểu phẩm chèo, kịch nói là cách làm trực tiếp và ấn tượng nhất để mọi người dễ hiểu như thế nào là BLGĐ, phòng, chống ra sao và người bị bạo lực có thể kêu gọi hỗ trợ bằng những cách thức nào để bảo vệ bản thân mình.

Cùng có quan điểm như anh Thủy, bà Nguyễn Hồng Vân, tác giả tiểu phẩm chèo được các tuyên truyền viên Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố Thái Bình thể hiện tại hội thi cho biết: Chèo dễ đi vào lòng người, bà con dễ nhớ, dễ thuộc nên các tiểu phẩm chèo khi có nội dung về những vấn đề mang tính thời sự được bà con tiếp nhận nhanh hơn. Một tiểu phẩm chỉ có thời lượng 15 phút nhưng nói lên được rất nhiều điều trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Như ở tiểu phẩm chèo được Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố Thái Bình xây dựng với tình huống về một gia đình có người chồng suốt ngày say xỉn, quát mắng, hành xử thô lỗ với vợ, con đã có chuyển biến khi được tổ hòa giải ở cơ sở đến khuyên nhủ, từ đó quyết tâm thay đổi để gìn giữ hạnh phúc gia đình. Đây là câu chuyện không mới, có thể bắt gặp trong nhiều gia đình hiện nay nên khi xem tiểu phẩm, những người đàn ông có thể tự nhận ra hành động chưa đúng mực của bản thân, còn người phụ nữ trong những hoàn cảnh như vậy có thể mạnh dạn lên tiếng, kêu gọi giúp đỡ và chính những người làm công tác hòa giải ở cơ sở cũng thêm ý thức về trách nhiệm công việc của mình với cộng đồng.

Hiểu biết pháp luật để bảo vệ bản thân và những người xung quanh

Đạt giải nhất toàn đoàn tại hội thi tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2023, đội tuyên truyền huyện Vũ Thư gây ấn tượng mạnh bởi sự thấu hiểu về Luật của các tuyên truyền viên; đồng thời, cũng cho thấy sự linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tế của các tổ hòa giải ở địa phương trong xử lý mâu thuẫn gia đình xảy ra trên địa bàn dân cư. 

Chị Nguyễn Thị Phương Duyên, thành viên đội tuyên truyền huyện Vũ Thư chia sẻ: Đội của tôi có 7 thành viên ở lứa tuổi trung niên, thanh thiếu niên. Tôi thấy bất kể ngành nghề, độ tuổi nào đều có thể chung tay góp sức xây dựng môi trường sống lành mạnh, đẩy lùi BLGĐ. Thông qua việc tham gia tiểu phẩm, chúng tôi được trang bị thêm kiến thức như hiểu về BLGĐ không chỉ là đánh đập, xâm hại đến sức khỏe, tính mạng mà còn bao gồm nhiều hành vi khác như lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự; cưỡng ép lựa chọn giới tính thai nhi; chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung; cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng… từ đó bảo vệ chính bản thân mình cũng như hỗ trợ những người xung quanh lên tiếng khi cần thiết để tránh bị bạo lực trong gia đình.

Các tình huống về mối quan hệ trong gia đình được đội tuyên truyền huyện Hưng Hà đưa vào tiểu phẩm sân khấu.

Ngay sau khi hội thi kết thúc, tiểu phẩm chèo của các tuyên truyền viên huyện Quỳnh Phụ đã được biểu diễn trong hội nghị tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc của địa phương, nhận được sự hưởng ứng tích cực. 

Ông Lâm Huệ Vỹ, tác giả tiểu phẩm chia sẻ: Tình huống và lời thoại đều được xây dựng dựa trên tư liệu của cuộc sống thực tế hiện nay bởi có không ít người đàn ông vẫn luôn giữ quan điểm mình là trụ cột của gia đình, gánh vác kinh tế của gia đình nên bắt mọi người phải làm theo ý kiến áp đặt của mình, những khi say xỉn thì hành hạ vợ, con từ lời nói đến hành động. Tôi mong muốn mọi người hiểu được thật rõ ràng về BLGĐ hiện nay đang là vấn nạn của xã hội mà chúng ta phải quan tâm, phải chung tay đẩy lùi, từ đó không để xảy ra những vụ việc thương tâm, đau lòng, đôi khi chỉ bắt nguồn từ mâu thuẫn nhỏ giữa các thành viên gia đình.

Qua quá trình tập luyện công phu cùng tâm huyết của các tuyên truyền viên, tiểu phẩm tham gia hội thi tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình của 8 huyện, thành phố sẽ đến với các khu dân cư, giúp mọi người nắm vững, hiểu sâu sắc hơn về Luật. Đồng thời, thông qua các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cùng với các hình thức tuyên truyền trực quan, tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động của các CLB, nhóm, tổ tư vấn về gia đình tại địa bàn dân cư… tin tưởng rằng, mỗi người dân sẽ chủ động hơn trong việc tiếp cận Luật. Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình hạnh phúc, văn minh, xã hội mới có thể phát triển. Hành vi bạo lực trong gia đình sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đối với xã hội như giảm khả năng lao động, giảm thu nhập bình quân của một cá nhân, tạo ra lực lượng lao động có năng lực kém, tinh thần yếu. Do đó, để chấm dứt nạn BLGĐ cần sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội và chính bản thân của mỗi người. Nạn nhân bị BLGĐ cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng để có thể ứng phó được với những hành vi bạo lực; ngoài ra, cũng cần phải thay đổi suy nghĩ để có thể tự mình thoát ra khỏi BLGĐ, có thêm cơ hội được sống cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tiểu phẩm phòng, chống BLGĐ của đội tuyên truyền huyện Quỳnh Phụ sau khi tham gia hội thi cấp tỉnh được biểu diễn tại địa phương.

Tú Anh