Chủ nhật, 24/11/2024, 12:44[GMT+7]

Đông Tân: Nhiều giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân

Thứ 6, 04/08/2023 | 22:26:56
10,704 lượt xem
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Đông Tân (Đông Hưng) đã triển khai đồng bộ các giải pháp để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, phấn đấu về đích nông thôn mới (NTM) nâng cao vào cuối năm 2023.

Cơ sở may gia công của anh Đặng Thành Nam không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Gia đình chị Nguyễn Thị Luyến là 1 trong 10 hộ tiên phong ra vùng chăn nuôi tập trung của xã ở thôn Song Lan đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình VAC. Trên diện tích 1,3 mẫu, chị Luyến cùng chồng đào 2 ao thả cá truyền thống, xây chuồng nuôi lợn, gà, làm thùng nuôi ong lấy mật và trồng các cây có giá trị kinh tế cao trên vườn... 

Chị Luyến cho biết: Tôi nuôi 80 - 100 con lợn thịt, 8 con lợn nái, trung bình mỗi năm xuất chuồng 2 lứa khoảng 20 tấn lợn hơi; thả hàng chục con gà đẻ trứng; mỗi lần xuất bán trên 1 tấn cá thương phẩm, mỗi năm bán hàng chục lít mật ong. Ngoài ra tôi còn cấy 1 mẫu lúa, làm dịch vụ xay xát gạo phục vụ bà con. Mỗi năm gia đình tôi thu 100 - 150 triệu đồng từ mô hình này.

Là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Song Lan, chị Luyến không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân cùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chị cũng tích cực trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, vật nuôi, giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư vào sản xuất để cùng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Đông Tân đến nay cơ bản vẫn sản xuất nông nghiệp là chủ yếu; vì vậy, để nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã quy vùng chăn nuôi tập trung từ chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả ở thôn Song Lan, khuyến khích bà con đưa cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, phát triển chăn nuôi theo mô hình VAC. Từ năm 2001 đến nay, các hộ ở vùng chăn nuôi tập trung đều tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu nhập của các hộ đều gấp 5 - 6 lần cấy lúa. Bên cạnh đó, xã còn quy vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 5ha, sử dụng giống lúa ST25. Tham gia mô hình nông dân được hỗ trợ 100% giống, 50% phân vi sinh, được tập huấn kỹ thuật về chăm sóc, bón phân đúng quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Dù mới triển khai 1 vụ nhưng đã khẳng định được giá trị mà vùng sản xuất này mang lại. 

Ông Nguyễn Duy Luân, thôn Tây Thượng Liệt chia sẻ: Gia đình tôi cấy 5ha Đài Thơm 8 và ST25, vụ xuân năm 2023 được HTX DVNN xã cho vào vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP trên 1 mẫu tôi rất phấn khởi. Tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật từ làm đất, gieo mạ, cấy, chăm bón, phòng, trừ sâu bệnh, thu hoạch... Năng suất cấy trong vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tăng so với cấy lúa truyền thống khoảng 20%, được HTX thu mua thóc tươi với giá cao. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp chúng tôi giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng và thu nhập, góp phần bảo vệ môi trường.

Là xã có giống lúa cho gạo dẻo, thơm ngon, thường gọi là gạo làng Giắng - xưa dùng để tiến vua, nay được người tiêu dùng ưa chuộng, do đó xã đã quy vùng 70ha sản xuất chuyên giống lúa truyền thống này, thu hút trên 100 hộ tham gia để cung cấp cho HTX SXKD gạo chất lượng cao xã Đông Tân chế biến phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Gạo làng Giắng đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. 

Ông Lại Khắc An, Giám đốc HTX DVNN, kiêm Giám đốc HTX SXKD gạo chất lượng cao xã Đông Tân cho biết: Từ khi xã triển khai quy vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP (2023) và lúa theo tiêu chuẩn OCOP (2021) đã mang lại rất nhiều lợi ích cho nông dân. HTX và thương lái thu mua giá lúa tươi ở các cánh đồng này thường cao hơn giá thị trường 15 - 20%. Vì đem lại hiệu quả cao nên các hộ nông dân trong toàn xã đã chủ động chuyển cấy tới 90% diện tích lúa Đài thơm, 10ha lúa ST25. Mỗi năm HTX thu mua cho bà con khoảng 400 tấn để xay xát thành gạo OCOP 3 sao cung cấp cho thị trường, ngoài ra còn thu mua hàng trăm tấn thóc cung cấp cho các công ty nông sản trong và ngoài tỉnh.

Không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân từ lĩnh vực nông nghiệp, Đông Tân còn khuyến khích các hộ du nhập nghề về địa phương, thu hút doanh nghiệp vào địa bàn tổ chức sản xuất, đẩy mạnh lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Hiện trên địa bàn xã có một số cơ sở may, làm gỗ và nghề truyền thống... giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động. Nhiều lao động trẻ đi làm ở các công ty trong huyện, khoảng 10% lao động trong độ tuổi chọn đi xuất khẩu lao động. 

Là một trong những người mạnh dạn đưa nghề may về quê, anh Đặng Thành Nam, thôn Đông Thượng Liệt cho biết: Tôi mở cơ sở may gia công từ năm 2017, giải quyết việc làm cho trên 10 lao động địa phương, chủ yếu là các bà, các chị không đi làm xa được với mức lương bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm cơ sở sản xuất 15.000 sản phẩm. Nghề may đã giúp gia đình tôi thoát nghèo, đồng thời cũng giúp một số gia đình có nguồn thu nhập ổn định.

Để về đích NTM nâng cao trong năm nay, bình quân thu nhập đầu người của Đông Tân phải đạt 68 triệu đồng trở lên. Với những giải pháp cụ thể trên, hy vọng sẽ hoàn thành cả 19 tiêu chí để về đích đúng lộ trình.

Vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP của xã Đông Tân.

Hiếu Hiền


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày