Thứ 4, 24/07/2024, 02:17[GMT+7]

Những người “lái đò” thầm lặng

Thứ 7, 18/11/2023 | 11:04:13
1,015 lượt xem
Ngành giáo dục huyện Đông Hưng những năm qua luôn giữ vững ở tốp dẫn đầu của toàn tỉnh. Góp phần vào thành tích đó phải kể đến những tấm gương cán bộ, giáo tiêu biểu trong sự nghiệp “trồng người”.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Mai là nhà giáo tiêu biểu cấp tỉnh.

Nhà giáo tiêu biểu cấp tỉnh

3 năm trước, cô giáo Nguyễn Thị Bích Mai được điều động về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Phong đối mặt với nhiều khó khăn: cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp và thiếu, chất lượng giáo dục thấp. Bằng kinh nghiệm 16 năm làm công tác quản lý, luôn tâm huyết, yêu nghề cô đã cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên tháo gỡ dần khó khăn, nâng chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường lên vị trí thứ 4 cấp tiểu học toàn huyện. Năm học 2022 - 2023, cô được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, được suy tôn “nhà giáo tiêu biểu” cấp tỉnh. 

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Mai cho biết: Xác định muốn đẩy mạnh phong trào học tập, nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường điều trước tiên phải huy động được kinh phí để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung các trang thiết bị đáp ứng việc dạy và học của thầy và trò. Tôi đã kêu gọi xã hội hóa được trên 800 triệu đồng cùng với kinh phí của địa phương sửa chữa toàn bộ phòng học, phòng chức năng, làm sân thể thao, không gian đọc sách, khu vệ sinh... Thường xuyên tổ chức chuyên đề cấp trường, cấp cụm để giáo viên có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, sử dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực nhằm nâng cao chất lượng từng tiết học. Đến nay, toàn trường có trên 80% giáo viên đạt trình độ trên chuẩn, 13/16 giáo viên giỏi cấp cơ sở, trên 14% học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học. 

Cô giáo Tống Thị Thúy, Trường Tiểu học Đông Phong chia sẻ: Cô Mai rất sát sao trong chỉ đạo các công việc; thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Từ ngày cô về ngôi trường như được khoác tấm áo mới, chất lượng giáo dục có bước tiến vượt bậc.

Chuyên gia bồi dưỡng học sinh giỏi

Được giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi môn Toán lớp 6, lớp 9 và một số đội tuyển tham gia các cuộc thi cấp tỉnh, cấp quốc gia, dạy ôn thi vào lớp 10 THPT... cô giáo Phạm Ngọc Hà, Trường THCS Phạm Huy Quang đã dành tất cả niềm đam mê và tâm huyết của mình vào từng bài giảng để môn Toán không còn khô khan, học sinh hứng thú, thích được học và học giỏi môn Toán. 

Em Bùi Tuấn Kiệt, học sinh lớp 9A2, Trường THCS Phạm Huy Quang bộc bạch: Em rất thích phương pháp giảng dạy của cô Hà, nhất là cách giải bài toán qua sơ đồ. Dù môn Toán rất khó nhưng trong tiết học của cô luôn sôi nổi, các bạn hiểu bài, hứng thú học tập, học rất hiệu quả.

Môn Toán dù khô khan nhưng với phương pháp dạy theo sơ đồ, cô giáo Phạm Ngọc Hà luôn tạo hứng thú cho học sinh.

Trường THCS Phạm Huy Quang từ lâu đã trở thành điểm sáng dạy tốt, học tốt, tạo dựng thương hiệu bằng chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi qua các năm học. Có được kết quả đó là nhờ những người “lái đò” thầm lặng như cô Phạm Ngọc Hà luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy để truyền cảm hứng học tập cho học sinh. Các đội tuyển do cô Hà phụ trách năm nào cũng đạt giải cao; 100% học sinh cô Hà ôn luyện thi đỗ vào lớp 10 THPT các trường công lập với điểm trung bình môn Toán 8,64, trong đó có 10 em thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Thái Bình. Với thành tích đó, cô Hà không chỉ là giáo viên dạy giỏi nhiều năm mà còn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Luôn lấy trẻ làm trung tâm

Trên 20 năm miệt mài vun trồng những “mầm non” của Đông Các, cô giáo Phạm Thị Phương, Trường Mầm non Đông Các bằng đôi bàn tay khéo léo đã tận dụng nguyên phụ liệu sẵn có làm ra rất nhiều đồ dùng, đồ chơi độc đáo, đẹp, lạ, nhiều màu sắc, tạo các góc học tập theo chủ đề, chủ điểm giúp các em hứng thú với việc học, tiếp thu bài nhanh hơn. 

Cô Phương chia sẻ: Tôi luôn trăn trở làm thế nào để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục STEM lấy trẻ làm trung tâm để trẻ phát triển toàn diện. Đông Các có nghề may, tôi đã kêu gọi phụ huynh góp vải vụn, lõi vải, lõi cuộn chỉ và các phế phẩm khác như bìa các-tông, vỏ chai nhựa... nghiên cứu, mày mò làm ra đồ dùng, đồ chơi hợp với lứa tuổi của các em. Được học kiến thức qua đồ chơi, đồ dùng học tập, các em nhớ bài nhanh hơn. Với sự trợ giúp của một số nghệ nhân, tôi còn dựng sân khấu mini đưa múa rối nước vào trường học vừa góp phần duy trì, bảo tồn vừa cho trẻ tiếp cận với nghệ thuật truyền thống của quê hương. 

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Các cho biết: Cô Phương đã lan tỏa phong trào làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ trong toàn trường, giúp nhà trường tiết kiệm không ít kinh phí, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Cô đã đạt giải nhì cuộc thi giáo viên toàn năng của toàn quốc.

Cô giáo Phạm Thị Phương dạy trẻ ghép lá cây thành những bông hoa.

Đó chỉ là 3 trong hàng nghìn “bông hoa đẹp” đang ngày ngày khoe sắc thắm trong vườn hoa giáo dục Đông Hưng. Dù ở cương vị nào, các cán bộ, giáo viên đều nỗ lực không mệt mỏi để trở thành những nhà giáo có chuyên môn giỏi, phẩm chất tốt, phong cách mẫu mực, góp phần đưa ngành giáo dục huyện Đông Hưng tiếp tục duy trì trong tốp dẫn đầu toàn tỉnh.


Thu Hiền