Thứ 7, 27/04/2024, 22:19[GMT+7]

Dấu ấn thời gian

Thứ 2, 30/12/2013 | 13:41:46
1,355 lượt xem
Có lẽ không nhiều người biết rằng, vào đúng ngày đầu tiên của năm mới dương lịch cách đây 52 năm - Thứ hai, ngày 1 tháng 1 năm 1962, Báo Tiến Lên – cơ quan của Ðảng bộ Ðảng Lao động Việt Nam tỉnh Thái Bình ra số đầu, tờ báo gồm 4 trang, khổ 32 x 50 cm.

Cán bộ, biên tập viên, kỹ thuật viên Báo Thái Bình thực hiện số báo Xuân 2014.

 

Ðây là một sự kiện quan trọng đánh dấu bước ngoặt lịch sử của báo chí cách mạng Thái Bình, bắc nhịp cầu công luận nối giữa Ðảng, chính quyền với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và bạn đọc trong và ngoài tỉnh. Tròn 1 năm, 1 tháng sau - tháng 2 năm 1963, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định đổi tên Báo Tiến Lên thành Báo Thái Bình Tiến Lên và đến tháng 10 năm 1973, lại đổi tên thành Báo Thái Bình cho đến hôm nay.

 

Tờ Báo Tiến Lên được thai nghén từ trong lửa đạn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ðể phản ánh trung thực và toàn diện cuộc kháng chiến chống Pháp; cổ vũ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh kháng chiến, kiến quốc, cuối năm 1950, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Thái Bình quyết định cho ra đời tờ Tin Thái Bình, in trên bàn đá (li-tô) trên giấy thếp không dòng kẻ. Mỗi khi giặc càn, cơ quan sơ tán, bàn đá in phải dìm xuống ao bèo, giấy, mực in phải chôn giấu cẩn thận. Giặc rút lại trở về tiếp tục làm lại từ đầu khâu in ấn, nên việc xuất bản lại thường xuyên bị gián đoạn và ra không đúng kỳ (mỗi tháng 2 kỳ, mỗi kỳ trên dưới 150 số). Sự đổi mới hình thức và nội dung của tờ Tin Thái Bình thời kỳ 1960 - 1961 là cơ sở để chuyển từ tờ Tin thành tờ Báo.

 

Thế hệ chúng tôi hôm nay, thật khó hình dung những bài báo, trang tin được ra đời từ khói lửa, đạn bom giữa hai trận càn ngớt tiếng súng, từ bên bếp rơm, luống cày của người nông dân trong những ngày đi cơ sở, ba cùng với bà con của phóng viên. Những tin tức nóng hổi chắt lọc từ cuộc sống chiến đấu, lao động và học tập, được báo cổ vũ mạnh mẽ như phong trào "Ba ngọn cờ hồng", "Sóng Duyên Hải, Gió Ðại Phong", "Thanh niên ba sẵn sàng, Phụ nữ ba đảm đang"… Có một niềm tự hào vô tận mà rất nhiều tờ báo địa phương trong cả nước không có được đó là, sinh thời Bác Hồ thường xuyên đọc Báo Thái Bình từ lúc còn là tờ Tin Thái Bình, đến Báo Tiến Lên, rồi Báo Thái Bình Tiến Lên. Trong khoảng 7 năm (từ năm 1962 đến tháng 9/1969 - ngày Bác đi xa), Bác Hồ thường xuyên đọc Báo Thái Bình và đã thưởng 67 Huy hiệu, hai Bằng khen của Người cho cá nhân và hai bằng khen cho tập thể đã làm được nhiều việc tốt được tờ Thái Bình Tiến Lên biểu dương trên mặt báo.

 

Theo vòng quay của thời gian, Báo Thái Bình đi qua chặng đường hơn 50 mùa xuân với sự trưởng thành, già dặn của lứa tuổi "trung niên sung sức", thực hiện được sứ mệnh tất yếu của tờ báo đó là làm nhật báo - báo phát hành hàng ngày. Lật dở lại hành trình    những dấu ấn thời gian, để chúng ta hiểu rõ thêm quý trọng những thành quả từ đội ngũ những người làm báo không bao giờ bằng lòng với những gì mình đang có mà luôn vươn tới sự hoàn thiện.

 

Từ tờ Tin Thái Bình nửa tháng rồi một, hai tháng mới xuất bản một số (cuối năm 1950), tiến đến xuất bản mỗi tháng hai kỳ, mỗi kỳ in 500 - 600 tờ (năm 1951), đến mỗi tuần ra một kỳ, mỗi kỳ in tới 5.000 tờ, phát hành đến tận đến các thôn xóm trong tỉnh (cuối năm 1956) Những năm 80, Báo Thái Bình phát triển từ 4 trang lên 8 trang 30x42 cm, mỗi tháng ra thêm một số báo thử nghiệm.

 

Từ năm 2002 đến nay, Báo Thái Bình ra khổ lớn 60x84 cm, mỗi tuần ra 3 số, Báo xuất bản thêm số Thái Bình cuối tuần 8 trang, khổ 30x42 cm. Hình thức tờ báo cũng có sự tiến bộ vượt bậc với trợ giúp của công nghệ in ấn và phương tiện kỹ thuật: Từ công nghệ in trên bàn đá (Li-tô) 1953, in Ti-pô (chữ chì), đến  in Ốp - xét, phân màu điện tử. Kể từ những năm 80-90, Báo Thái Bình số Xuân, số Tết và các số đặc biệt được in ấn hiện đại, rực rỡ.

 

Ðội ngũ những người làm báo thế hệ 7X, 8X, 9X hôm nay có gì khác so với thế hệ đi trước? Ðiều dễ thấy đó là sự đầu tư vượt trội: Hầu hết được đào tạo cơ bản, trình độ đại học, sau đại học. Cùng với sự bùng nổ thông tin, sự kết nối toàn cầu của hệ thống Internet, phương tiện trang bị giúp cho việc tác nghiệp nhanh chóng, thuận lợi, bất kỳ ai cũng có thể mua sắm, trang bị như: điện thoại di động, máy ảnh, máy ghi âm, xe máy. Ai có điều kiện thì sắm Ipad, ca-mê-ra, ô tô... Tuy không vất vả, nhọc nhằn với từng con chữ, cận kề sống chết trong  đạn bom của thời kháng chiến hay thiếu thốn mọi bề của thời bao cấp,  làm báo ngày cũng có những áp lực rất lớn. Khi tờ báo đến tay bạn đọc, không đơn thuần chỉ là tin, bài ăm ắp con số, sự kiện, mà đó là những sẻ chia, thông cảm, là tâm huyết của những người làm báo trước những sự kiện, những vấn đề đặt trong cuộc sống...

 

Có lẽ, cũng không mấy ai biết rằng, để đều đặn mỗi sớm mai, báo đến tay độc giả những sự kiện còn nóng, không chỉ đội ngũ phóng viên thức khuya bên vi tính mà ngay cả đội ngũ biên tập, kỹ thuật, chế bản… cũng kết thúc một ngày làm việc khi đường phố trở lên rộng dài, những quán ăn đêm đã vắng khách. Làm nhật báo là chấp nhận áp lực của nghề nghiệp: Dù bài báo chỉ sống trong một ngày nhưng phóng viên không thể không lăn lộn với thực tế để thu thập tin tức, để làm ra sản phẩm đúng định kỳ, đúng ngày giờ, đúng thỏa thuận. Ðiều quý nhất phải hy sinh mỗi ngày đó là thời gian - thứ mất đi không bao giờ  tìm lại. Thời gian dành cho bản thân, gia đình được cắt xén dành cho công việc ở cơ quan. Ðiều hạnh phúc lớn nhất của một ngày có khi chỉ là cảm giác mãn nguyện - được nghe một vài lời nhận xét: "Bài viết xúc động quá!", "cảm ơn nhà báo nhiều lắm!"...

 Bảo Linh

  • Từ khóa