Chủ nhật, 28/04/2024, 22:01[GMT+7]

Vánoce của tôi

Thứ 2, 30/12/2013 | 13:51:25
3,871 lượt xem
Từ khi sang Séc mới biết rằng, Vánoce là một ngày trọng đại của cả vùng Châu Âu mênh mông, một ngày lễ lớn mang nhiều ý nghĩa, nó gắn với mùa đông, gắn với những bông tuyết mang dáng hình xứ sở mà nếu thiếu tuyết coi như ngày lễ sẽ kém đi rất nhiều thi vị giống như ngày Tết cổ truyền của quê hương thiếu đi màu hoa mai, hoa đào, cành quất...

 

Gia đình tôi không theo đạo Thiên chúa nên khi còn ở Việt Nam, Vánoce (lễ giáng sinh tiếng Séc) hay Noel với tôi rất mờ nhạt không có nhiều ý nghĩa, đôi khi chẳng nhớ là ngày nào, chỉ đến khi con đường trước cửa nhà rầm rập tiếng nói cười nô nức, xe đạp nối đuôi nhau lên phía nhà thờ trung tâm của xứ đạo mới biết Noel đã về. Những lúc ấy tôi hay có ước ao mình cũng là dân công giáo để có cớ được hòa mình trong dòng người cuồn cuộn kia, không chỉ mỗi Noel mà cả những chiều thứ bảy. Vì trong dòng xe đạp đang hối hả ấy có một bạn gái học cùng trường trung học mà tôi rất thích… Lớn lên chút nữa, đi học xa, đi làm ở một công ty cầu lớn, nay đây mai đó gắn bó với những dòng sông, những miền quê nghèo heo hút nên cứ mỗi một mùa Noel lại ở một vùng quê mới chất đầy trong ký ức những kỷ niệm, những nét riêng theo văn hóa của mỗi vùng. Những ngày Noel ấy tôi cũng tìm đến nhà thờ gần nhất hoặc đông vui nhất trong cái lạnh se sắt, không phải để đi lễ, không phải để nghiên cứu về văn hóa vùng miền, mà vì nơi ấy rất yên bình giúp tôi tìm lại cân bằng sau những lúc làm việc căng thẳng và tìm về ký ức, tìm về bóng dáng cô bạn gái tuổi học trò mà từng ấy năm trôi qua không vết dấu… Ký ức về Noel chỉ có thế.

 

Từ khi sang Séc mới biết rằng, Vánoce là một ngày trọng đại của cả vùng Châu Âu mênh mông, một ngày lễ lớn mang nhiều ý nghĩa, nó gắn với mùa đông, gắn với những bông tuyết mang dáng hình xứ sở mà nếu thiếu tuyết coi như ngày lễ sẽ kém đi rất nhiều thi vị giống như ngày Tết cổ truyền của quê hương thiếu đi màu hoa mai, hoa đào, cành quất... Tôi may mắn hơn ít nhiều người Việt sang cùng khác, vì xứ người có gia đình nhà cậu, cậu lấy vợ người Séc có hai đứa em đã lớn cùng với những anh em họ hàng bên ngoại của mợ, một đại gia đình Séc bình dị, thân thiện, cởi mở, nên tôi đương nhiên là một thành viên trong gia đình ấy và được hưởng những ngày Noel với Tết dương lịch đúng nghĩa văn hóa của người Séc. Những năm đầu không biết tiếng và nỗi nhớ quê hương đến nhói lòng vang lên trong tâm thức, thế nên càng sống trong không khí đầm ấm hạnh phúc của gia đình cậu mợ vào dịp Vánoce tôi càng thấy mình lẻ loi, lạc lõng, đơn độc...

 

…Từ 4 giờ chiều bên ngoài quảng trường đã vắng vẻ trong cái lạnh vừa đủ để tuyết phủ trên những mái nhà, trên những tán cây và mọi vật. Khói từ ống khói trên tất cả các nóc nhà tỏa ra không gian như ấm áp hơn xua tan đi cái lạnh, những luồng khói ấy còn như đang thầm chỉ đường cho ông già Noel đi vào nhà tặng quà cho mọi gia đình. Trên những ban công và cửa sổ mỗi nhà đều có những chùm đèn, nến, bừng sáng, cửa chính của mỗi gia đình sẽ có một vòng hoa còn tươi treo trên đó. Trong căn nhà ấm áp của gia đình nhà cậu lúc này không khí ngày lễ mới bừng lên rõ nét.

 

Trong phòng khách, một cành thông thật còn tươi được mua trước đó cả tuần choán hết 1/3 căn phòng rộng, trên cây thông treo những thỏi kẹo sô cô la nho nhỏ, xinh xinh với rất nhiều hình thù đủ màu sắc đẹp mắt cùng một chùm đèn nhấp nháy với những sợi kim tuyến tượng trưng những bông tuyết đang rơi, dưới gốc thông là rất nhiều món quà được gói cẩn thận bằng giấy, hay những túi gói quà bán sẵn rất đẹp mắt. Những món quà dành tặng nhau người nhận không thể biết trước, thế nên nó luôn là điều bí mật với tất cả mọi người.

 

Ðể chuẩn bị những món quà ấy, mợ Anna của tôi gần như mất cả một buổi chiều khóa chặt cửa giam mình trong phòng riêng để gói và tạo sự hồi hộp cho đến phút cuối cùng. Quà của cậu mợ tôi mua, quà của bà ngoại mua, quà của cậu, của dì thằng Lukáš…, mỗi người vài món dành cho đứa em út, dành cho tất cả gia đình, vì vậy dưới gốc thông quà xếp ngổn ngang với đủ mọi hình thù chiếm hết nửa gian phòng, dưới mỗi món quà được ghi tên rõ ràng tránh sự nhầm lẫn. Thằng Lukáš ngày hôm nay có lẽ là người bận rộn nhất, nó cứ lăng xăng đi ra, đi vào, đến mỗi chỗ một tí, rồi trực nghe tiếng chuông cửa ra vào để lao ra đón khách đến.

 

Ngoài bếp ăn lúc này đã thơm lừng những món đặc biệt được chế biến từ cá chép, lại là công sức của mợ Anna từ sáng sớm hôm nay, những miếng cá ngon tẩm bột rán, những miếng cá chép rán không tẩm bột ăn với salad trộn và nhiều món nữa cũng được chế biến từ cá chép. Thêm những loại bánh ngọt truyền thống được mợ làm rất nhiều cùng với các loại hoa quả được đặt vào những chiếc đĩa rất to để đãi khách. Thường ngày không bao giờ thấy mợ và các em ăn cá chép (đến mức, có lần cậu rán trứng cá chép vàng ươm, thơm ngon, đưa cho đứa em, nó ăn ngấu ngiến và khen ngon, ăn xong nó mới hỏi là món ăn gì, cậu bảo trứng cá chép thì nó trợn mắt rồi khạc nhổ rất khổ sở). Nhưng hôm nay thì cả gia đình cùng ăn tự nguyện. Mợ bảo cá chép là một món ăn truyền thống trong ngày lễ Vánoce trọng đại, vì thế nếu không ăn sẽ kém phần may mắn cả năm tới.

 

Khi bữa ăn bắt đầu thì cũng là lúc những lời chúc của tất cả mọi người trong gia đình dành cho nhau, chúc cho một năm tới gặp nhiều may mắn và hạnh phúc vang lên đầy ấm áp. Lúc này tôi mới để ý đến một gói nhỏ bằng giấy báo được băng lại chắc chắn đặt phía dưới đĩa ăn của tất cả mọi người trên bàn, cầm lên và ngắm nghía mãi tôi cũng không thể tìm được câu trả lời cho mình được thỏa đáng. Cả nhà nhìn tôi cười, lúc đó tôi mới được mợ giải thích rằng, trong đó là vài cái vẩy to của những con cá chép mợ đã làm, đó là món quà rất có ý nghĩa cho tất cả mọi người, bỏ nó trong ví của mình thì năm tới trong ví sẽ luôn luôn có tiền và sẽ gặp nhiều điều may mắn. Không biết điều đó có thực không, nhưng trong ví tôi từ ngày đó luôn luôn có một gói nhỏ vẩy cá của mùa Vánoce năm trước, cứ để đó, để mỗi lần mở nó lại nhớ đến mợ, một người phụ nữ Séc bình dị và tốt bụng đã chở che đùm bọc tôi như một người ruột thịt suốt những năm tôi lưu lạc xứ người...

 

Bữa ăn tối chưa kết thúc nhưng thằng Lukáš đã ngừng từ lâu và giục mọi người ăn thật nhanh để bước vào màn kịch nó thích nhất, đó là giờ phút chia quà. Ăn tối xong, tất cả thành viên trong gia đình quây quần trong phòng khách, uống nước ngọt, ăn hoa quả tráng miệng và chờ đợi giây phút thiêng liêng nhất trong ngày Vánoce này. Dưới gốc thông lung linh ánh điện, thằng Lukáš đã ngồi trực sẵn tự bao giờ, chờ cho tất cả vào đông đủ, rồi mợ phát tín hiệu đã đến giờ G và bảo nó cầm từng món quà bất kỳ nhặt được, đọc tên chủ nhân và mang đến cho người đó. Nó tất bật chạy ngược xuôi trong niềm vui vô hạn, những món quà của nó, nó đọc lên rồi mang đến để ở một chỗ riêng, rồi lại làm tiếp công việc phát quà cho đến khi kết thúc mới quay về chỗ phần quà của mình, giờ nó mới tận hưởng giây phút hạnh phúc nhất, thận trọng, tự tay mở từng món, từng món với sự ngạc nhiên thích thú cùng những đồ chơi mới mà nó vừa nhận được. Cả nhà quây quần trong không khí sum vầy đầm ấm bởi không mấy khi gia đình tụ họp được đông đủ mọi người như trong ngày lễ này.

 

Ðến khuya thì Lucie, đứa con gái lớn nhà cậu rủ tôi đến nhà thờ làm lễ, dù biết tiếng bập bẹ đôi câu nhưng tôi cũng muốn đi để biết phong tục văn hóa ở nơi này. 12 giờ đêm, mấy anh em tôi leo ngược dốc trong gió tuyết quyện trong tiếng chuông vi vút, vào đến nơi đã rất đông người ngồi gần kín hàng ghế cả khu nhà thờ rộng thênh thang, đèn điện sáng bừng. Trên bục cao đã thấy một vị linh mục đứng sau chiếc bàn phủ vải trắng tinh cùng hai đứa trẻ rất khôi ngô trong bộ quần áo lễ phục trang nghiêm, tiếng kinh cầu đều đặn vọng vang trong tòa nhà đá mênh mông càng làm tăng thêm sự trang trọng của buổi lễ. Cuối buổi lễ, dường như là một đợt quyên góp gì đó tùy vào tâm của mỗi người được hai chú bé vừa đứng bên cha cầm trên tay một chiếc khay đồng mang đến chỗ của từng người. Tôi cũng bỏ vào đó 20kč như bao người khác và nhận lời cám ơn từ hai chú bé.

 

Từ đó đến nay đã nhiều năm qua đi, nhiều việc đã thay đổi. Sau bao lần thay đổi công việc ở nhiều nơi trên đất Séc, giờ tôi ở một thành phố khác và đã có một gia đình riêng để lo những bộn bề. Ngôi nhà của cậu mợ nơi làng quê giờ là quê hương thứ hai để tôi đi, về, thương nhớ.  Mùa hè, chúng tôi thi thoảng được nghỉ dài, tôi  lái xe đưa cả gia đình mình hành hương về làng quê đó, như một chuyến du lịch, như chạy trốn khỏi những bộn bề, về căn nhà có hai dòng máu Séc-Việt hạnh phúc, lúc nào cũng chờ mong tôi như chờ mong một đứa con xa trở về bản quán.

 

Vánoce và năm mới đang đến. Mợ lại chuẩn bị tìm những món quà cho cả gia đình nhỏ của tôi xếp đầy dưới gốc thông trong ngôi nhà ấm áp đợi chờ.

Phạm Quốc Bảo

(Cộng hòa Séc)

 

  • Từ khóa