Chủ nhật, 28/04/2024, 09:42[GMT+7]

Những người... sợ Tết

Thứ 3, 31/12/2013 | 09:35:20
1,565 lượt xem
Tết càng gần, bước chân trên đường của những người lao động nghèo dường như càng hối hả. Cuộc sống của họ thật lắm nỗi nhọc nhằn. Thế nhưng, tự hào biết mấy khi nhận ra đằng sau sự vất vả, lo toan bộn bề ấy lấp lánh một tình yêu lao động chân chính, một tấm lòng toàn tâm vì gia đình và một niềm tin vào tương lai tươi sáng.

Những người lao động tự do luôn mong muốn có nhiều việc làm để lo tết tươm tất cho gia đình. Ảnh: Minh Đức

 

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Những gia đình khá giả đã bắt đầu bàn tính chuyện mua gì, sắm gì. Nhưng với những người lao động nghèo, đây là khoảng thời gian để họ dốc sức làm việc kiếm tiền để lo tết cho gia đình.

 

Mấy ngày nay do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường khiến trời rét buốt nhưng sáng nào chị Thủy ở phường Hoàng Diệu (Thành phố Thái Bình) cũng phải dậy từ 3 giờ sáng để chuẩn bị đi làm. Ðã mấy năm nay, kể từ khi chồng chị sức khỏe bị giảm sút không thể làm việc nặng khiến thu nhập gia đình bấp bênh. Hàng ngày, cứ 3 rưỡi sáng chị đến làm thuê cho một quán bán đồ ăn sáng; đến khoảng hơn 10 giờ chị lại tong tả về nhà dọn dẹp, cơm nước; 13 giờ chiều chị đã có mặt ở một gia đình nào đó mà chị nhận lau dọn, vệ sinh thuê.

 

Hơn một tháng nay, chồng chị phải nhập viện điều trị nên chị càng vất vả. Thu nhập một ngày của chị được khoảng 150.000 đồng. Số tiền ấy phải tằn tiện lắm mới đủ lo cho hai vợ chồng và hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, nay chồng vào viện chị càng phải căng sức làm thêm để có tiền chăm chồng, nuôi con, ốm cũng không dám nghỉ vì “Nghỉ một ngày là mất một khoản chi tiêu cho gia đình. Sắp tết rồi, cố gắng làm để còn có ít tiền lo tết. Hàng ngày ăn uống qua loa thế nào cũng xong, nhưng mấy ngày tết thì dù không bằng nhà người ta cũng phải lo cho con cái quần, cái áo mới, rồi mua con gà, ít thịt lợn, ít bánh kẹo để con mình đỡ tủi. Chỉ nghĩ đến tết đã thấy sợ rồi” - Chị Thủy tâm sự.

 

Gặp chị Khanh (xã Ðông Xuân, Ðông Hưng) lúc chị đang xếp lại chồng báo cũ vừa mua. Không đành lòng nhìn cả nhà bốn miệng ăn chỉ trông chờ vào hai sào ruộng, ngày ngày chị đi thu mua đồng nát kiếm thêm ít tiền lo cho con cái. Chị khoe, con lớn của chị đang học đại học năm thứ hai, đứa bé cũng đang học cấp hai, cả hai con đều ngoan, biết thương bố mẹ. Với người mẹ nghèo ấy thì đó là niềm tự hào, niềm hạnh phúc lớn lao không gì sánh được nên dù vất vả chị cũng quyết lo cho các con mình học hành đến nơi đến chốn, tin tưởng trong tương lai các con mình sẽ không phải vất vả như cha mẹ của chúng. Hỏi chị tết đến có sắm sửa nhiều không, chị Khanh bảo: “Tết đến nhà người ta bàn nhau sẽ mua gì, chơi gì, còn chúng tôi lo cái ăn hàng ngày đã đủ chật vật rồi. Tết cũng chỉ như ngày thường mà thôi, hơn chăng là cố gắng mua cho con đứa được cái quần, đứa manh áo mới. Chi tiêu phải tiết kiệm để sau tết đứa lớn có chút tiền mang lên trường để trang trải học hành”.

 

Với mong muốn lo được cái tết khấm khá cho gia đình, mua được cho con cái áo mới nên những dù mưa hay nắng chị vẫn đi sớm về muộn, tranh thủ thời điểm người ta dọn nhà, loại bỏ đồ cũ để kiếm thêm thu nhập. Không chỉ lo trước tết, lòng chị còn thấp thỏm lo những ngày sau tết những người buôn đồng nát như chị sẽ “thất nghiệp” vì các gia đình thường không muốn bán đồng nát trong tháng Giêng.

 

Là trụ cột trong gia đình, hàng chục năm nay anh Bách gắn bó với chiếc xe xích lô chở thuê kiếm tiền cùng vợ nuôi ba con đang tuổi ăn học và một mẹ già đã gần 90 tuổi. Anh chia sẻ, ba đứa con một học lớp 9, một học lớp 5 và một mới hơn 2 tuổi nên trăm thứ phải lo. Trước đây việc tìm người, một ngày cũng kiếm được một đôi trăm lo cho gia đình nhưng gần đây người nhiều việc ít, thu nhập của gia đình trở nên bấp bênh. Vợ anh cũng là lao động tự do, công việc không ổn định, sức khỏe lại yếu sau khi sinh đứa con thứ ba nên anh là lao động chính trong nhà. Nói về chuyện lo tết, anh cười buồn: Cứ đà này chẳng biết có được cái tết cho tươm tất không. Con trẻ háo hức mong chờ còn chúng tôi thì sợ không dám nghĩ đến.

 

Niềm tin ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho họ rong ruổi trên khắp nẻo đường mưu sinh. Mong sao, sau những vất vả, nhọc nhằn, người lao động nghèo sẽ được hưởng những mùa xuân ấm áp, hạnh phúc, sẽ không còn “sợ” mỗi khi tết đến, xuân về.

Ngọc Mai

 

  • Từ khóa