Chủ nhật, 28/04/2024, 00:55[GMT+7]

Thái Bình Với hành trình những ngôi nhà

Chủ nhật, 26/01/2014 | 16:00:13
1,310 lượt xem
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở tỉnh thuần lúa Thái Bình, nếu chịu tìm đến lai lịch của những ngôi nhà hẳn sẽ khám phá không ít điều thú vị. Cũng chính vì thế mà có người từng bộc bạch một suy nghĩ rất có lý: Muốn hiểu đời sống người Thái Bình tiến triển ngoạn mục như thế nào xin cứ nhìn vào hành trình những ngôi nhà!

Nét xưa. Ảnh minh họa.

Thời quá khứ, khi nhắc đến Thái Bình người ta dễ dàng bật ngay ra một khái quát bản chất: “Tỉnh nông thôn”. Không phải coi thường mà thiên hạ đồng cảm với lớp người “dĩ nông vi bản” ở xứ thuần lúa Thái Bình đấy chứ! Là chủ nhân, chúng ta đâu dễ nhạt phai quá khứ.

Ðối chứng với mặt bằng đất đai, Thái Bình rõ ràng thuộc hàng đông dân bậc nhất Việt Namon>. Sau gần thế kỷ thực dân Pháp “khai hóa văn minh”, Thái Bình vẫn “chung thủy” với danh xưng “Tỉnh nông thôn” không mảy may nhúc nhích. Có một minh chứng là đến tận thời khắc dân ta trỗi dậy đòi lại chính quyền vào tháng Tám năm 1945, tỉnh đông người, lắm lúa này mới có độc nhất điểm dân cư mang hơi hướng phố xá, đó là Thị xã Thái Bình.

Thị xã Thái Bình ngày xa ấy lèo tèo đến mức, ông nào là chủ hiệu ảnh, hiệu thuốc; bà nào làm xôi dẻo, bún ngon y như rằng dân phố có thể kể ra vanh vách. Thái Bình muôn thuở vắng núi, vắng rừng thế là chẳng thể kiếm đâu ra vật liệu xây dựng. Không đá nung vôi, không gỗ xẻ ván thậm chí tàu lá cọ lợp mái, viên đá ong chồng tường cũng là vật quý hiếm. Từ khi xứ này thành tên, người Thái Bình vẫn phải nhẫn nại xây nhà dựng cửa dựa vào thứ vật liệu tột cùng hoang dã: đất, cát, rơm, rạ. Sẵn ưu thế khai thác tại chỗ song đất, cát, rơm, rạ là vật liệu thô chưa qua chế tác.

Vật liệu nguyên khai tạo ra những nếp nhà đơn sơ tường đất mái rạ ấy là “phong cách kiến trúc” của làng mạc Thái Bình xuyên suốt cả ngàn năm nhân sinh. Bước tới làng quê chỉ cần để mắt đến “thế giới mái rạ” là rõ ngay cảnh lam lũ của những thân phận làm ra hạt lúa, củ khoai. Thái Bình xưa, cả một ngôi làng giỏi lắm cũng chỉ lỏm loi vài ba mái ngói dành riêng cho ít người khá giả.

Người Thái Bình cứ như sinh ra là bắt buộc phải hoàn thiện kỹ năng làm nhà “tường đất mái rạ”. Nói đến chình tường, chẻ lạt, lợp nhà không ai không biết và nhiều người còn được làng xóm tôn là “thợ”. Ðất xấu sẽ bở tường. Khuôn lên không giỏi dẫn đến bức tường hiện hình “thượng thách hạ thu”(1) liền bị chê ngay là “thợ vụng”. Rồi ngay cái mái cũng vậy: Dân(2) phẳng, nóc đều, bò chái(3) cân đối khiến nếp nhà sáng sủa, chững chạc hẳn lên. Cả làng nghèo khó. Ðể có nếp nhà che mưa che nắng chẳng gì khác là phải dựa vào những thứ đã sẵn: hòn đất, cọng rạ, cây xoan, khúc tre quanh vườn...

Xưa kia làm nhà được coi như chuyện “hỉ”. Tư tết đến với nhau nhiều người hay kiêng kỵ, giữ kẽ chứ làm nhà thì cả chòm xóm xúm lại góp sức. Chình tường, rút rạ, lợp mái rồi mổ lợn, xuống ao đánh cá... tíu tít đầm ấm hơn cả đón tết mừng xuân. Nhà cửa có đóng góp công sức, trí tuệ của cộng đồng như vậy thành ra mọi ngôi nhà dễ gần gũi nhau dáng dấp: tường đất, mái rạ, cửa tre, cửa xoan vô cùng dân dã. Ấm áp về mùa đông, mát mẻ suốt mùa hè đó là đặc tính nữa của nhà cửa trên đất thuần nông từ xa thẳm đời người.

Tuy nhiên vẫn nổi rõ đôi nét khác biệt do hoàn cảnh địa lý hoặc biến động thời cuộc. Chẳng hạn, tại vùng pha cát  hay duyên hải, do đất những nơi này không chình được tường nên phải dùng thủ pháp trát vách, vì thế mới sản sinh ra câu ngạn ngữ gian truân: “nhà rách vách nát”. Hay như thời quân Pháp quay lại tái chiếm Thái Bình sau năm 1950, nếu tinh ý dễ nhận ra những bức tường nhà ở giai đoạn này có biến động về kích thước.

Tường đất xưa chỉ với độ dày 30 - 35 phân. Khi quân Pháp tái chiếm chúng thiết lập dày đặc đồn bốt nhằm khống chế mọi làng mạc thôn xóm. Ðể chống đỡ đạn cầu vồng, đạn bắn thẳng và hỏa lực từ máy bay địch, những bức tường nhà liền được gia cố dày tới 50 - 60 phân. Gặp khi giặc càn, nhà cửa không may bị thiêu trụi, những bức tường đất dày kia biến ngay thành cộng sự liên hoàn kiên cố giúp du kích bám trụ chiến đấu giữ xóm, giữ làng.

Sau chiến tranh chống Mỹ suốt một thời gian dài nữa, Việt Namon> vẫn phải gánh chịu cấm vận, xi măng sắt thép không kiếm đâu ra. Sẵn bản chất cần mẫn, người Thái Bình đua nhau đốt gạch nung vôi cách tân nhà cửa. Những ngôi nhà “tường 10(4)” xây bằng gạch thủ công kết hợp vôi - cát mái lợp ngói mắc hoặc ngói xi măng lần lượt thay thế nhà mái rạ. Công việc xây nhà ở Thái Bình thực sự sôi động vào những năm cuối thế kỷ XX  đầu thế kỷ XXI. Giờ đây chứng kiến gương mặt nông thôn, các bậc cao niên đều ngỡ ngàng như trong mộng. Mái ngói, mái bằng tầng thấp tầng cao đã và đang hiện diện đổi thay toàn diện hình hài thôn hương ngàn đời. Người Thái Bình xa lạ thói quen “dĩ thực vi tiên” mà thành tâm nhắc nhau “an cư”  để “lạc nghiệp”.

Dẫu còn eo hẹp song cái mọi người tính đến trước tiên là ngôi nhà che mưa che nắng. Nhà cửa thời nay không chỉ người dân tự lo mà đã trở thành đại sự toàn xã hội. Phong trào tặng “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đại đoàn kết” đã trở thành chất men kích hoạt cuộc cách tân nhà ở trên khắp vùng quê Thái Bình. Nếu so sánh mặt bằng thu nhập, cuộc sống người Thái Bình vẫn đang ở mức thấp. Còn như nhìn vào số lượng và chất lượng nhà cửa, Thái Bình nghiễm nhiên đứng ở hàng nổi trội. Nông thôn Thái Bình hiện đang theo xu thế phổ cập nhà mái bằng 2 tầng theo lối cân nhắc bẩm sinh “ăn chắc mặc bền”.

Nằm lọt giữa bốn bề sông và biển, người Thái Bình quan niệm: Sẵn ngôi nhà kiên cố, trước hết ai nấy an cư sau nữa nếu xảy ra lũ lụt, ngôi nhà là nơi tránh trú an toàn trong mênh mông biển nước. Với lối tư duy đầy bản lĩnh này chắc chắn Nhà nước sẽ bớt được khoản ngân sách đáng kể để giải quyết hậu quả nếu gặp thiên tai. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở tỉnh thuần lúa Thái Bình, nếu chịu tìm đến lai lịch của những ngôi nhà hẳn sẽ khám phá không ít điều thú vị. Cũng chính vì thế mà có người từng bộc bạch một suy nghĩ rất có lý: Muốn hiểu đời sống người Thái Bình tiến triển ngoạn mục như thế nào xin cứ nhìn vào hành trình những ngôi nhà!

(1) Thượng thách hạ thu: Trên loe ra, dưới thu lại.

(2) Dân: Mép rạ trước mái hiên.

(3) Bò chái: Hàng bò của chái nhà.

(4) Tường 10: Tường dày 10 cm (bằng 1 thân viên gạch đỏ).

Hoàng Ngọc Khuyến

(Khu 3, Thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy)

  • Từ khóa