Chủ nhật, 28/04/2024, 13:15[GMT+7]

“Thổi hồn” vào bột nếp

Thứ 2, 10/03/2014 | 11:04:16
1,678 lượt xem
“Ông ơi, con này là con gì vậy ông?”. Ông lão vui vẻ trả lời: “Ðây là Tôn Ngộ Không cháu ạ”. Cuộc trò chuyện thú vị ấy đã khiến bước chân của tôi dừng lại bên những con tò he đủ màu sắc. Bao kỷ niệm tuổi thơ trong tôi bỗng chốc như ùa về với hình ảnh con gà, con lợn, con mèo hay hình ảnh Tôn Ngộ Không trong bộ phim nổi tiếng. Không biết tò he có tự bao giờ, chỉ biết rằng xưa kia, trong các trò chơi dân gian thì tò he luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với t

Những đứa trẻ chăm chú dõi theo đôi bàn tay khéo léo của người thợ nặn tò he.

 

Ngày xưa, người dân hay dùng bột nếp để tạo ra các con vật gắn với nông nghiệp như gà, lợn, bò, công… dùng trong các dịp cúng lễ nên người ta gọi sản phẩm này là “chim cò”. Về sau, “chim cò” được gắn lên chiếc kèn làm bằng cây sậy, khi thổi tạo ra âm thanh tò te. Vì thế, người dân gọi chệch là tò he. Ở nước ta hiện nay, nhiều nơi làm nghề nặn tò he nhưng nổi tiếng nhất vẫn là làng Xuân La (xã Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Tây). Nhiều người con của làng đã mang nghề truyền thống nặn tò he đi khắp nơi và phát triển nó trở thành nét văn hóa đẹp của người Việt.

 

Dạo quanh khu di tích lịch sử Ðền Trần, Thái Bình, tôi thấy một người thợ đang say mê nhào nặn những bông hoa hồng đủ màu sắc. Nhìn những ánh mắt trẻ thơ đang say sưa dõi theo từng động tác nhào nặn bột khéo léo của người thợ, mới thấy hết được sức hấp dẫn, lôi cuốn của công việc này. Người thợ vừa nặn tò he vừa tâm sự: “Ðể làm ra một sản phẩm, quan trọng nhất, người nặn phải biết tỷ lệ trộn gạo tẻ với gạo nếp để bột gạo dẻo, khi nặn sẽ không dính tay. Sau đó, đem luộc cho chín, không được để quá nhão hoặc quá khô bởi khi nặn sẽ dễ nứt hoặc khó thành hình. Màu được nhuộm vào bột cũng được chọn lọc cẩn thận từ cây, củ như củ nghệ, lá riềng…”. Dưới đôi bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo, chỉ sau một vài phút, người thợ đã tạo ra những bông hoa hồng với cánh màu đỏ, lá màu xanh trông thật bắt mắt mà giống y như thật.

 

Ngày xưa, đồ chơi cho trẻ con rất hiếm. Còn nhớ, khi học cấp I, lúc tan học, chúng tôi thường xúm lại quanh hòm đồ nghề, dõi theo đôi tay khéo léo của người thợ nặn tò he với ánh mắt rất ngưỡng mộ. Ai trong chúng tôi đều ao ước khi bố mẹ đến đón sẽ mua cho mình con gà, bông hồng hay chú bộ đội… làm bằng bột. Vẻ đẹp giản dị, mộc mạc của tò he đã thấm đượm vào tâm hồn trẻ nhỏ một cách tự nhiên. Còn bây giờ, trẻ con chỉ thích chơi ô tô, búp bê, siêu nhân, thậm chí là điện tử, đâu còn biết đến những đồ vật thủ công với tâm huyết của biết bao thế hệ với mong muốn sẽ lưu truyền được những nét văn hóa độc đáo của người Việt.

 

Trong những năm trở lại đây, do sự phát triển của nền kinh tế thị trường, đồ chơi cho trẻ con phát triển cả về chất và lượng, phong phú và hiện đại hơn. Một số đồ chơi dân gian như tò he đang dần bị mai một. Ðâu đó ở những lễ hội, chỉ còn số ít người thợ vẫn lặng lẽ nhào nặn những con tò he để giới thiệu đến du khách thập phương nhằm bảo tồn và duy trì nghề truyền thống.

Đặng Anh

 

 

  • Từ khóa