Thứ 6, 09/08/2024, 01:15[GMT+7]

Cân gạo tình nghĩa Nét đẹp văn hóa trong việc tang ở Quỳnh Minh

Thứ 2, 19/01/2015 | 09:29:35
1,192 lượt xem
Ở thôn An Ký Trung (xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Phụ), mỗi khi có người qua đời, cấp ủy, chính quyền thôn thường thông báo tin buồn cũng như thời gian, địa điểm tiếp nhận cân gạo tình nghĩa. Cân gạo tình nghĩa ở thôn An Ký Trung là số lượng gạo mà mỗi hộ dân trong thôn tự nguyện đóng góp viếng người qua đời.

Khu trung tâm xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ).

 

Tục lệ này đã duy trì gần chục năm nay. Cứ đến giờ chính quyền thôn tiếp nhận gạo tại nhà văn hóa thôn, dù là họ hàng hay không phải họ hàng, người dân đại diện cho các gia đình trong thôn lại rủ nhau đi góp. Hộ không góp gạo sẽ góp tiền bằng giá trị thực của cân gạo ở thời điểm đó.

 

Ông Phạm Văn Quý, Trưởng thôn An Ký Trung cho biết: Theo quy định, hộ một khẩu và hộ nhiều khẩu đều góp một cân gạo nhưng các hộ không có sự so bì hơn kém. Thời gian thu diễn ra trong khoảng gần 3 tiếng. Sau đó, đại diện cấp ủy, chính quyền, Ban công tác Mặt trận thôn sẽ mang số gạo, tiền đến gia đình tang chủ phúng viếng. Có những người là con em địa phương nhưng sinh sống ở tỉnh khác, trước khi nhắm mắt xuôi tay có nguyện vọng được yên nghỉ tại quê cha đất tổ nên đám tang được con cháu tổ chức tại địa phương. Mặc dù họ không có điều kiện thường xuyên tham gia đóng góp cân gạo tình nghĩa nhưng tất cả người dân trong thôn vẫn duy trì cân gạo tình nghĩa phúng viếng giống như những người định cư tại thôn.

 

Cân gạo tình nghĩa trong việc tang không chỉ được duy trì ở thôn An Ký Trung nhiều năm nay mà được thực hiện nền nếp tại tất cả các thôn khác của xã Quỳnh Minh. Hình thức thu, hình thức góp ở 7/7 thôn tương tự nhau. Ông Phạm Văn Chương, cán bộ văn hóa xã Quỳnh Minh cho biết: Khi các thôn mới phát động, có khoảng 60 - 70% người dân tham gia. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó hầu hết mọi người dân đều tích cực hưởng ứng. Cân gạo tình nghĩa trong việc tang là hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, không chỉ thể hiện tình cảm của người còn sống với người đã khuất mà còn thể hiện tình cảm sẻ chia, giúp đỡ của những người còn sống với nhau.

 

Bà Nguyễn Thị Thời, một người dân xã Quỳnh Minh tâm sự: Sống trong đời, ai rồi cũng phải chứng kiến cảnh cha già, mẹ héo. Đó là lúc tột cùng xót xa. Sự sẻ chia từ những người hàng xóm thực sự đáng quý, phần nào động viên nhau vượt qua đau thương, mất mát. Vì thế, ai cũng thực hiện cân gạo tình nghĩa với tinh thần tự giác, trách nhiệm. Em Phạm Thị Vân Anh, học sinh Trường Tiểu học Quỳnh Minh kể: Lần đầu tiên em được mẹ giao nhiệm vụ đến nhà văn hóa thôn góp cân gạo tình nghĩa, em rất thắc mắc, mẹ bảo đó là việc làm thể hiện tình cảm của người còn sống với người đã khuất, động viên gia đình có người thân qua đời nên em đi ngay. Em thấy rất vui vì đã làm được một việc có ích.

 

Mỗi vùng quê có một tục lệ khác nhau, thể hiện văn hóa, tinh thần của người dân địa phương. Cân gạo tình nghĩa trong việc tang ở Quỳnh Minh có giá trị vật chất không lớn nhưng chứa đựng trong đó là tinh thần tương thân tương ái giữa con người với con người, là tình làng nghĩa xóm, góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, xóm làng trong thế hệ trẻ, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư.

 

Vũ Hường

 

Năm 2014, Quỳnh Minh có:

  • 1.201/1.368 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (chiếm 87,8%), trong đó 1.044/1.201 gia đình đạt 3 năm liên tục (từ 2012 đến 2014, chiếm 86%)
  • 7/7 thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”
  • Quỳnh Minh có 3 đình, 4 đền, 4 chùa, trong đó đình Đông Trụ, đình An Ký, đền Thượng Xá, đền Trần An Ký được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

  • Từ khóa