Thứ 7, 10/08/2024, 08:13[GMT+7]

Gìn giữ nghệ thuật chèo

Thứ 6, 21/10/2016 | 07:50:29
4,751 lượt xem
Chỉ trong một thời gian ngắn, 15 câu lạc bộ hát, diễn chèo của các lớp học đã được thành lập. Tại mỗi câu lạc bộ đều có khoảng 10 học sinh tham gia. Mỗi tuần 1 lần, học sinh các câu lạc bộ sẽ được học hát, diễn những làn điệu chèo từ truyền thống đến hiện đại.

Từ lâu, chèo đã được coi là “đặc sản” tinh thần của người dân Thái Bình. Nghiên cứu về chèo không mới, đã có rất nhiều đề tài tìm hiểu, nghiên cứu về chèo, tác động của chèo đến đời sống văn hóa của nhân dân. Tuy nhiên, nghiên cứu nhằm giữ gìn và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống trong học sinh THCS tại Thái Bình lại là dự án mới, có ý nghĩa sâu sắc. Ðặc biệt hơn khi người thực hiện dự án chính là các em học sinh Trường THCS Phong Phú Châu (Ðông Hưng) - quê hương của chèo Khuốc.

Chia sẻ về lý do chọn đề tài, em Hà Thị Thanh Hằng, một trong hai tác giả của dự án cho biết: Cuộc sống hiện đại, chúng em may mắn được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực vẫn còn những xu hướng văn hóa tiêu cực, lệch lạc, ảnh hưởng tới lối sống, hành vi, đạo đức của một bộ phận học sinh. Nhiều bạn đang dần quên đi những trò chơi dân gian, làn điệu cổ truyền mà ông cha đã dày công gìn giữ. Sinh ra và lớn lên tại làng Khuốc, xã Phong Châu, bản thân em thấy nghệ thuật chèo rất hay, rất đẹp. Với mong muốn giữ gìn và phát huy nghệ thuật chèo của quê hương, em và bạn Hà Quang Kiên đã tìm hiểu về hành vi ứng xử của các bạn học sinh với nghệ thuật chèo, nêu giải pháp phù hợp nhằm bảo tồn, phát triển loại hình văn hóa truyền thống này.

Dự án giữ gìn và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống trong học sinh THCS tại Thái Bình được thực hiện từ tháng 8/2014 đến tháng 8/2015, tập trung vào hai nhiệm vụ trọng tâm là điều tra, tìm hiểu về thái độ ứng xử của lứa tuổi học sinh với nghệ thuật chèo, từ đó đề xuất xây dựng câu lạc bộ chèo tại các lớp học. Em Hà Quang Kiên chia sẻ: Thực hiện dự án, em và Hằng đã gặp gỡ những “cây đa, cây đề” trong giới chèo làng Khuốc, các anh chị sinh viên tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và diễn viên Nhà hát chèo Thái Bình để tìm hiểu lịch sử cũng như cái hay, cái đẹp trong các làn điệu chèo. Sau đó, tổ chức xây dựng nội dung và phát phiếu điều tra tới học sinh 4 xã Phong Châu, Phú Châu, Hợp Tiến, Chương Dương. Ðể biết các bạn có thực sự đam mê chèo hay không, Hằng và Kiên đã nhờ các thầy cô trong trường mời các nghệ nhân, diễn viên chèo dạy cho những đối tượng tham gia nghiên cứu. Chỉ trong một thời gian ngắn, 15 câu lạc bộ hát, diễn chèo của các lớp học đã được thành lập. Tại mỗi câu lạc bộ đều có khoảng 10 học sinh tham gia. Mỗi tuần 1 lần, học sinh các câu lạc bộ sẽ được học hát, diễn những làn điệu chèo từ truyền thống đến hiện đại.

Một buổi tập của câu lạc bộ chèo Trường THCS Phong Phú Châu.

Cô giáo Ðào Thị Loan, Trường THCS Phong Phú Châu cho biết: Từ khi tham gia các câu lạc bộ chèo của lớp, của trường, các em học sinh đã có sự thay đổi về hành vi, lối sống. Nếu như trước kia, vào ngày nghỉ và sau giờ tan học, một số học sinh đi chơi điện tử thì đến nay, sau một năm thực hiện dự án, các em có năng khiếu đã tham gia các câu lạc bộ chèo, các em còn lại đi nghe hát và học diễn chèo. Lối ăn mặc trong chèo là kín đáo, cách ứng xử gần gũi, thân thiện, vì thế học sinh khi tham gia học hát, diễn chèo cũng phải thay đổi cách ăn mặc, đầu tóc sao cho phù hợp. Chính điều này đã hướng các em đến những giá trị truyền thống, từ cách ăn mặc tới xưng hô, giao tiếp. Ngoài việc thay đổi hành vi, lối sống, khi dự án được triển khai tại Trường THCS Phong Phú Châu đã góp phần xây dựng phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực. Em Nguyễn Thị Xuân, học sinh lớp 8B cho biết: Câu lạc bộ chèo của lớp sinh hoạt hai tuần một lần. Nhiều khi tranh thủ trong giờ ra chơi, các bạn còn ngồi thành từng nhóm để tập chèo, diễn chèo. Ngồi hát chung để cùng sửa cho nhau chỗ nào chưa đúng. Từ việc hát, diễn chèo, các bạn trong lớp trở nên gần gũi, thân thiện với nhau hơn. Nhờ các bạn, đến nay em biết được rất nhiều làn điệu như lới lơ, năm cung, đào liễu… Em rất mong câu lạc bộ duy trì hoạt động để chúng em được luyện tập.

Dự án giữ gìn và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống trong học sinh THCS tại Thái Bình đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần bảo tồn nghệ thuật chèo, tạo hứng thú cho học sinh với loại hình nghệ thuật truyền thống và giáo dục đạo đức học sinh. Ðến nay, dự án đã xây dựng được 4 câu lạc bộ chèo nòng cốt, có thể tham gia biểu diễn tại các buổi giao lưu văn hóa nghệ thuật tại địa phương và các trường bạn. Tỷ lệ học sinh của trường tại cơ sở 2 biết các làn điệu chèo cũng đạt khoảng 80%. Con số này là tín hiệu đáng mừng trong việc gìn giữ và phát huy nghệ thuật chèo trong tương lai.

Hoàng Lanh

 

  • Từ khóa