Thứ 5, 16/01/2025, 05:58[GMT+7]

Để nghề dệt ở Thái Phương phát triển bền vững

Thứ 4, 03/06/2020 | 08:41:30
6,556 lượt xem
Từ một làng nghề truyền thống có tên làng Mẹo, qua quá trình duy trì và phát triển nghề, đến nay xã Thái Phương (Hưng Hà) đã có 6/8 thôn là làng nghề, xã được công nhận xã nghề vào năm 2011, ngành nghề chủ yếu là nghề dệt truyền thống, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nghề dệt ở xã Thái Phương.

Theo ông Trần Bá Cao, Chủ tịch UBND xã Thái Phương: Xác định việc duy trì và phát triển nghề dệt truyền thống là nhiệm vụ quan trọng nên Đảng ủy xã đã có nghị quyết chuyên đề khuyến khích người dân phát triển nghề. Vì thế, từ 4 làng nghề dệt, Thái Phương đã nhanh chóng phát triển lên 6 làng nghề và đến năm 2011 được UBND tỉnh công nhận xã nghề. Một trong những thôn phát triển nghề mạnh nhất là thôn Nhân Xá.

Mặt hàng sản xuất chính ở Thái Phương là khăn bông các loại với hình thức sản xuất tập trung tại các gia đình ở các thôn. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là thị trường nước ngoài do các doanh nghiệp đứng ra làm đầu mối ký kết hợp đồng với các đối tác. Hiện các sản phẩm của làng nghề hầu hết xuất khẩu trực tiếp sang thị trường châu Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản... Hoạt động làng nghề đã thu hút trên 70% lao động địa phương có việc làm ổn định và thu nhập thường xuyên từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Với đầu tư bình quân trên 200 triệu đồng/máy dệt công nghiệp, 28 triệu đồng một máy bán công nghiệp, nhiều người trong thôn đã đầu tư 4 - 5 máy dệt về làm. 

Theo chia sẻ của anh Đinh Quốc Doanh, thôn Phương La, gia đình anh đã đầu tư 500 triệu đồng mua 2 máy dệt công nghiệp để phát triển sản xuất. Bình quân 1 ngày gia đình sản xuất 40kg khăn mộc, mang lại thu nhập ổn định.

Sự phát triển của làng nghề đã góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp trong làng nghề đạt trên 400 tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng đạt 9,25%/năm. Từ hiệu quả kinh tế rõ nét của làng nghề, UBND tỉnh đã quyết định thành lập cụm công nghiệp Phương La, xã Thái Phương, quy mô ban đầu 10ha với 9 doanh nghiệp đầu tư thực hiện một số công đoạn cuối trong quy trình sản xuất trước khi hàng hóa được xuất khẩu đi thị trường các nước. Đến năm 2016, do nhu cầu của các doanh nghiệp và sự phát triển nghề cần có một cụm công nghiệp với quy mô lớn hơn, UBND tỉnh tiếp tục cho phép mở rộng cụm công nghiệp Phương La lên 40ha. Hiện tại có 24 doanh nghiệp đầu tư tại cụm công nghiệp. Sự  phát triển nghề dệt truyền thống ở xã Thái Phương đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân ở khu vực nông thôn.

Tuy  nhiên, cũng theo ông Trần Bá Cao, bên cạnh sự phát triển làng nghề thì vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm do nước thải trong hoạt động nấu, giặt, tẩy, nhuộm đang là vấn đề cần quan tâm giải quyết triệt để. Do đó, thời gian tới xã Thái Phương chủ trương tập trung vào một số giải pháp như: phối hợp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), sau đó giao cho đơn vị đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các hạng mục trong cụm công nghiệp như: đường giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn và hệ thống thu gom xử lý nước thải theo quy định, tránh để doanh nghiệp tự làm công tác GPMB như trước đây tại cụm công nghiệp Phương La. Đối với doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại cụm công nghiệp, phải xem xét chặt chẽ sự bảo đảm yêu cầu về môi trường đối với các dự án đầu tư ngay từ khâu phê duyệt, cấp phép, hạn chế và tiến tới cấm hoàn toàn những dự án có tác động lớn hoặc tiềm ẩn nguy cơ cao đối với môi trường. Đồng thời, kiên quyết không cho phép đưa vào vận hành các cơ sở sản xuất không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu bảo vệ môi trường. Phát huy hiệu quả của người dân trong việc giám sát bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp. Đối với cụm công nghiệp Phương La, trước mắt cần tập trung cải tạo, xử lý ô nhiễm môi trường trên sông Tân Việt để bảo đảm môi trường và sản xuất nông nghiệp cho nhân dân. Đưa vào sử dụng có hiệu quả nhà máy xử lý nước thải tại cụm công nghiệp làng nghề Phương La sau khi các doanh nghiệp trở lại sản xuất. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục hành chính trong quản lý đất đai và quản lý môi trường để doanh nghiệp sớm đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, địa phương cũng tiến hành tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các hộ sản xuất thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Tuyên truyền, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường, khuyến khích các hộ phân loại chất thải tại nguồn. Tạo điều kiện cho các hộ sản xuất được vay vốn ưu đãi để tập trung cải tạo, nâng cấp máy móc, thiết bị áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm giảm giá trị đầu vào, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, góp phần để nghề dệt truyền thống của địa phương phát triển bền vững.

Mai Thư