Thứ 5, 16/01/2025, 05:43[GMT+7]

Quỳnh Hải thay thế thành công cây thuốc lào bằng cây gia vị

Thứ 2, 24/08/2020 | 09:16:21
14,148 lượt xem
Thay thế cây thuốc lào bằng các loại cây gia vị đem lại giá trị kinh tế cao, phong trào xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại Quỳnh Hải cũng được triển khai quyết liệt với nhiều biện pháp hiệu quả.

Tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá cho cán bộ, đảng viên xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ).

Nhớ lại thời điểm cách đây 15 năm, khi cả làng, cả xã trồng thuốc lào, ông Nguyễn Văn Siu (xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ) vẫn cảm thấy rùng mình bởi cái mùi nồng nặc, nôn nao mỗi khi vào vụ thu hoạch thuốc. Ngày đó, mặc dù biết thuốc lào rất độc hại nhưng địa phương nơi ông sinh sống là vùng trồng thuốc lào nổi tiếng, đa phần xung quanh ông ai cũng hút thuốc, ông cũng thế, chỉ đến khi thường xuyên bị ho, sốt, tức ngực, khó thở, sức khỏe suy kiệt... phải nhập viện điều trị định kỳ hàng tháng với căn bệnh co thắt đường hô hấp ông mới bỏ hẳn thuốc lào.

Cây thuốc lào gắn với người dân Quỳnh Hải rất nhiều năm, đây là loại cây có thời gian canh tác dài nhất trong năm. Kể từ khi gieo hạt đến lúc thu hoạch, cây thuốc lào tốn rất nhiều công sức, vất vả và gian truân hơn so với trồng cây rau màu khác. Vậy nên từ khi thoát khỏi nghề trồng cây thuốc lào, người dân nơi đây cho rằng đó là điều may mắn nhất. Năm 1993, thuốc lào xuống giá kéo theo thu nhập thấp, đời sống một bộ phận người dân không ổn định, môi trường sống ô nhiễm. Vì thế, xã Quỳnh Hải đã vào cuộc vận động, chỉ đạo bà con nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đất không phụ công người, một vùng nông thôn mới ngày càng đổi thay và trù phú, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, môi trường sống trong lành. Quỳnh Hải ngày nay được biết đến với mô hình nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh, có cánh đồng trên 120ha chuyên sản xuất các loại rau màu, cây gia vị trái vụ. Mỗi năm, nông dân nơi đây thường luân canh 6 vụ trên một diện tích, mỗi héc-ta canh tác thu về hàng tỷ đồng.

Do tổ chức tốt công tác quy hoạch vùng sản suất, lựa chọn công thức luân canh, xen canh phù hợp, cập nhật kịp thời các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên nông sản của Quỳnh Hải có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Cách làm sáng tạo và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp của Quỳnh Hải đã thu hút nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đến học tập mô hình và áp dụng thực tiễn.

Thay thế cây thuốc lào bằng các loại cây gia vị đem lại giá trị kinh tế cao, phong trào xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại Quỳnh Hải cũng được triển khai quyết liệt với nhiều biện pháp hiệu quả. 

Ông Đỗ Công Chuân, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Cán bộ, công chức của xã tuyệt đối không ai hút thuốc lá tại trụ sở, còn người dân hay khách đến liên hệ công việc nếu ai hút thuốc lá sẽ được nhắc nhở ngay về nội quy. Tại cộng đồng, việc hút thuốc lá, thuốc lào đã giảm đáng kể, chỉ còn 20% nam giới hút thuốc, chủ yếu vẫn là những người trung tuổi, trước kia do nhà trồng thuốc lào nên có thâm niên hút lâu năm, khó bỏ. Tất cả lãnh đạo thôn đều ký cam kết không hút thuốc lá và đưa nội dung quy định việc không hút thuốc lá trong đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước của thôn. Đảng viên luôn gương mẫu đi trước trong mọi phong trào, hoạt động. Ai bị phát hiện còn hút thuốc tại trụ sở người đó sẽ bị hạ thi đua theo đúng quy chế. Việc từ bỏ trồng cây thuốc lào thực sự đã giúp cho môi trường và cuộc sống người dân Quỳnh Hải có rất nhiều đổi thay.

Tại Thái Bình hiện vẫn còn một vài địa phương duy trì việc trồng cây thuốc lào. Mặc dù đã có chủ trương chuyển đổi nhưng chưa mạnh dạn thay thế cây thuốc lào. Những hệ lụy đằng sau việc trồng cây thuốc lào là người dân phải chịu một bầu không khí ô nhiễm, ngột ngạt mỗi mùa thu hoạch. Đi đôi với trồng cây thuốc lào, tỷ lệ người dân tại địa phương hút thuốc lào cao. Chính vì vậy, để các địa phương sớm có chủ trương, mạnh dạn từ bỏ trồng cây thuốc lào, Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương chú trọng công tác tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lào bằng nhiều hình thức nhằm giúp chính quyền và nhân dân các địa phương thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi trong trồng và sản xuất thuốc lào, thay thế cây thuốc lào bằng các loại cây có giá trị khác, vừa bảo đảm thu nhập vừa giữ gìn sức khỏe cộng đồng.

        Hoàng Thía
        (Trung tâm Kiểm soát  bệnh tật tỉnh)