Thứ 3, 16/04/2024, 22:03[GMT+7]

Các địa phương tập trung chống úng cho lúa và rau màu bị ảnh hưởng sau bão số 7

Thứ 6, 16/10/2020 | 11:55:18
4,444 lượt xem

Nông dân xã Đông Động buộc lúa bị đổ để tránh hạt lúa nẩy mầm trên bông

* Đông Hưng

Sau bão số 7, trên địa bàn huyện Đông Hưng có mưa to đến rất to đã khiến 100ha lúa mùa bị đổ và 700ha rau màu bị ảnh hưởng. Đến nay, toàn huyện Đông Hưng đã thu hoạch được trên 9.000ha lúa mùa, đạt gần 80% tổng diện tích, còn lại 2.328ha lúa chưa thu hoạch. Ngay trong sáng nay, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, bà con nông dân các xã tập trung nhân lực ra đồng buộc dựng lúa lên, cột thành chùm để tránh hạt lúa nảy mầm trên bông, đồng thời thu hoạch các diện tích lúa chín đã đến kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Bà con cũng tiến hành thu hoạch diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch, khơi thông dòng chảy, tháo cạn nước trên ruộng để bảo vệ cây rau màu đã trồng, đặc biệt là cây vụ đông mới trồng.

Nông dân xã Lô Giang đắp bờ để bơm tiêu nước bảo vệ cây bí

Để phòng, chống úng cho lúa và rau màu sau mưa lớn, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện và các địa phương đã vận hành các trạm bơm tiêu úng, huy động tối đa mọi phương tiện máy bơm điện, bơm dầu để bơm cưỡng bức kết hợp với tháo nước nhanh khi triều xuống để cứu lúa, rau màu vùng bị ngập. Ưu tiên bơm tiêu nhanh cho những diện tích bị ngập nặng. Tổ chức khơi thông dòng chảy tạo thuận lợi cho việc tiêu thoát nước nhanh. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khuyến cáo bà con nông dân sau khi nước rút 2 - 3 ngày thực hiện ngay các biện pháp chăm sóc rau màu đã trồng để phục hồi bộ rễ và hạn chế thấp nhất các bệnh héo xanh vi khuẩn, lở cổ rễ. Chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng, gieo trồng lại nếu bị thiệt hại do mưa lớn gây ra.  

* Thành phố

Người dân vùng trồng hoa xã Vũ Chính khắc phục hậu quả của mưa lớn

Do ảnh hưởng của bão số 7, trong 2 ngày qua trên địa bàn thành phố có mưa lớn kéo dài, đã làm ngập nhiều tuyến đường, phố, khu dân cư, các cánh đồng lúa, rau màu. Ngay trong sáng ngày 16/10, các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã xuống trực tiếp cơ sở chỉ đạo khắc phục hậu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại của mưa. 

Theo đó, thành phố Thái Bình chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường mở các cống tiêu, giải tỏa vật cản dòng chảy; khơi thông hệ thống tiêu thoát nước trong các khu dân cư, đô thị bị ngập úng. Hiện người dân đang tập trung khơi thông hệ thống tiêu thoát nước, chăm sóc cây trồng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, sớm ổn định cuộc sống sinh hoạt và sản xuất. Công ty Cổ phần môi trường và Công trình đô thị Thái Bình huy động 100% công nhân viên dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, khơi thông hệ thống cống rãnh trong nội thành.

* Thái Thụy

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, trên địa bàn huyện Thái Thuỵ đã xảy ra hiện tượng mưa to và rất to khiến 1.200 ha hoa màu mới trồng bị ảnh hưởng nặng và 750ha lúa mùa bị đổ ngang.

Cán bộ Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện vớt bèo, khơi thông dòng chảy. 

Toàn huyện, hiện đã thu hoạch hơn 8.600 ha lúa mùa còn khoảng trên 5.000 ha lúa mùa chưa thu hoạch và đã trồng được 1.650ha hoa màu các loại. Để bảo đảm an toàn cho các diện tích lúa mùa chưa thu hoạch và hoa màu mới trồng, hiện nay, Xí nghiệp khai thác Công trình thuỷ lợi huyện đã vận hành trạm bơm Khái Lái để bơm tiêu úng cho các khu vực xã Dương Hồng Thủy, Thuần Thành; tổ chức khơi thông dòng chảy trên các lòng sông, trục tiêu dẫn nước... Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực đôn đốc, vận động người dân ra đồng buộc dựng lúa mùa lên, cột thành chùm để tránh hạt lúa nảy mầm trên bông, đồng thời tập trung huy động nhân lực, máy móc tiến hành thu hoạch lúa mùa với phương châm "xanh nhà hơn già đồng". 

Nông dân xã Thụy Bình huy động máy móc thu hoạch lua mùa. 

Ngay trong sáng ngày 16/10, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, bà con nông dân các xã tập trung huy động máy móc, nhân lực thu hoạch các diện tích lúa chín đã đến kỳ thu hoạch; tích cực khơi thông dòng chảy, tháo cạn nước trên ruộng để bảo vệ cây rau màu, nhất là cây vụ đông mới trồng. Các cơ quan, đơn vị chức năng huyện cũng đang tăng cường phân công cán bộ chuyên môn xuống phối hợp với các lãnh đạo xã, thị trấn tổ chức khắc phục hậu quả sau mưa lớn trong sản xuất nông nghiệp; Đài THTH huyện và các đài truyền thanh xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, thu hoạch lúa mùa, chăm sóc, bảo vệ cây màu vụ đông.

* Vũ Thư

Do ảnh hưởng của cơn bão số 7, từ ngày 13 – 15/10, trên địa bàn huyện Vũ Thư có mưa lớn, lượng mưa đo được xấp xỉ 300mm. Đến 11h trưa ngày 16/10, mực nước trong hệ thống đo được tại sông Kiên Giang đoạn qua địa bàn thị trấn Vũ Thư là +1,75m.

Nông dân khẩn trương thu hoạch lúa mùa, giảm thiểu thiệt hại do mưa úng gây ra 

Huyện Vũ Thư có 3.000 ha cây vụ đông mới gieo trồng và 464,2 ha lúa mùa chưa thu hoạch (chiếm 5,96% tổng diện tích), trong đó chủ yếu là lúa trà muộn của nông dân Duy Nhất, Tân Phong, Minh Quang, Tân Hòa. Qua kết quả rà soát nhanh, trên 100 ha lúa mùa chưa thu hoạch bị đổ, ngập sâu trong nước; tất cả diện tích cây vụ đông đều, ngập úng, nghiêng ngả, trong đó tổng diện tích cây vụ đông có khả năng bị chết là 1360 ha, chiếm 45,3% tổng diện tích.

Các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa úng do bão số 7 gây ra 

Huyện Vũ Thư khẩn trương triển khai các giải pháp phòng, chống úng, tiêu thoát nước trên đồng ruộng để bảo vệ lúa và hoa màu. Đến trưa ngày 16/10, đã mở cống qua đê ở địa bàn Hồng Lý, Bách Thuận để tiêu ngang. Đơn vị đã vận hành trạm bơm tiêu úng Nam Bi để tiêu úng, “cứu” lúa nằm trong vùng úng trọng điểm xã Tân Hòa. HTX Hành Dũng Nghĩa (xã Duy Nhất) vận hành trạm bơm tiêu úng bảo vệ lúa mùa trà muộn. Đối với lúa trà muộn bị ngập nước, nếu lúa chín 70 – 80% trở lên khẩn trương tiến hành thu hoạch tránh thối, hỏng; đối với lúa nếp bể còn đang giai đoạn vào mẩy thì tiến hành buộc dựng, tránh ngập nước. Ngoài ra, tuyên truyền nông dân thu hoạch gấp một số loại rau màu nhằm giảm bớt thiệt hại do mưa úng gây ra.  

* Tiền Hải

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 7 từ ngày 15 đến sáng ngày 16/10, trên địa bàn huyện Tiền Hải có mưa rất to, lượng mưa đo được trên 201mm, gây ngập úng một số tuyến phố, các công trình sản xuất, lúa và rau màu bị thiệt hại. 

Nông dân huyện Tiền Hải khắc phục mưa lớn tiêu thoát nước bảo vệ diện tích rau màu .

 Mưa ngập úng tại một số công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp. 

* Quỳnh Phụ

Nông dân xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) trồng lại diện tích rau màu bị ảnh hưởng sau bão số 7. Ảnh: Trịnh Cường

Theo báo cáo của UBND huyện Quỳnh Phụ, toàn huyện đã trồng được 4.500ha cây vụ đông và còn khoảng 3.500/11.200ha lúa mùa đã chín chưa kịp thu hoạch. Huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện nghiêm các công điện, chỉ đạo của tỉnh trong việc ứng phó với ảnh hưởng của bão số 7; chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn khẩn trương thu hoạch lúa mùa. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện thực hiện tiêu triệt để nước tại các sông trục cấp 1, cấp 2 do huyện quản lý, đồng thời giải phóng dòng chảy, đăng đó, vó bè, bèo bồng... và vật cản làm ách tắc dòng chảy. Cùng với đó, huyện chỉ đạo các đơn vị chuyên môn khẩn trương kiểm tra, chỉ đạo và hướng dẫn nông dân biện pháp chăm sóc kịp thời diện tích cây vụ đông. Một số diện tích cây vụ đông ưa ấm có nguy cơ không thể phục hồi có phương án chủ động thay thế bằng giống cây vụ đông ưa lạnh như khoai tây, dưa, bí và rau màu các loại... bảo đảm đúng thời vụ và diện tích gieo trồng. 

Nhóm phóng viên