Thứ 5, 16/01/2025, 09:57[GMT+7]

Báo động tình trạng ô nhiễm nguồn nước

Thứ 4, 07/04/2021 | 08:44:11
17,490 lượt xem
Tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh và sự gia tăng dân số gây áp lực ngày càng nặng nề đối với tài nguyên nước. Trên địa bàn tỉnh Thái Bình, môi trường nước ở nhiều khu, cụm công nghiệp và làng nghề ngày càng bị ô nhiễm bởi nước thải, khí thải và chất thải rắn.

Sông N2 đoạn qua xã Hồng Dũng (Thái Thụy) - khu vực lấy nước đầu vào của nhà máy nước Thụy Dũng.

Hiện nay, nguồn nước thải từ các khu, cụm công nghiệp, các khu dân cư vẫn chưa được thu gom và xử lý triệt để, chủ yếu đổ thẳng vào các sông, ngòi, ao, hồ. Một số làng nghề, trang trại, gia trại chăn nuôi không được trang bị hệ thống xử lý nước thải. Nhiều ao, hồ, sông, ngòi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu vực thành phố phải gồng mình gánh chịu. Các sông: Đoan Túc, Pa-ri, Kiến Giang, Vĩnh Trà, Bồ Xuyên... đang trong tình trạng ô nhiễm. 

Tại làng nghề sản xuất miến dong xã Đông Thọ (thành phố Thái Bình), dù nghề truyền thống đã đem lại cuộc sống dư giả hơn cho người dân nơi đây nhưng cũng chính nghề sản xuất miến dong lại gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân là do chính những hộ sản xuất miến dong xả thải ra môi trường lượng nước thải khá nhiều mà cơ bản lại chưa xử lý đúng quy định trước khi xả thải ra môi trường. Tuy làng nghề đã bị thu hẹp, chỉ còn khoảng 20 hộ sản xuất nhưng với quy mô lớn cùng với nâng cao công suất nên tình trạng ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải ngày càng gia tăng. Theo tính toán của người dân xã Đông Thọ thì trung bình 1 tạ bột dong phải ngâm, rửa hết 100 lít nước. Trong khi trung bình mỗi hộ sản xuất từ 20 - 25 tấn bột dong/tháng, do đó lượng nước thải ra môi trường là rất lớn. 

Bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Đoàn Kết cho biết: Cuộc sống của chúng tôi không được bảo đảm vì tình trạng ô nhiễm môi trường. Mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. Nước tại các sông, ao trong làng đều không được sạch sẽ. Chúng tôi nhiều lần phản ánh, kiến nghị lên chính quyền xã nhưng vẫn chưa thấy cách xử lý triệt để. Thỉnh thoảng, xã tổ chức nạo vét, vớt rác để khơi thông cống rãnh nhưng rồi nước thải từ các cơ sở sản xuất miến dong lại xả thải ra nên đâu lại vào đó.

Theo phản ánh của người dân xã Hồng Dũng (Thái Thụy), từ nhiều tháng nay, trên sông N2 đoạn qua địa bàn xã, nhiều hộ gia đình nuôi vịt thả rất nhiều. Điều đáng nói, trên đoạn sông này là khu vực lấy nước đầu vào của nhà máy nước Thụy Dũng, cung cấp nguồn nước sạch cho trên 10.000 nhân khẩu. Tình trạng này diễn ra từ nhiều ngày qua nhưng chính quyền xã Hồng Dũng vẫn chưa vào cuộc triệt để. Chất thải của hơn 3.000 con vịt thải ra sông làm nước tanh hôi, rồi lại lấy nước vào nhà máy cung cấp cho dân. 

Ông Trần Văn Tuấn, xã Hồng Dũng bức xúc: Hàng nghìn con vịt được thả xuống sông N2 từ nhiều tháng nay người dân chúng tôi rất lo lắng đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt hàng ngày. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị chính quyền vào cuộc. Tuy nhiên, trang trại này vẫn ngang nhiên thả vịt xuống sông.

Các kênh mương làng nghề xã Đông Thọ (thành phố Thái Bình) ô nhiễm nghiêm trọng.

Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm đất và nước đó chính là những nông dân sản xuất cây trồng không tuân thủ theo phương pháp khoa học kỹ thuật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, lạm dụng phân bón hóa học trong quá trình chăm sóc, bảo vệ cây trồng. Tình trạng một vụ lúa nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật tới 6 - 7 lần vẫn còn khá phổ biến, chưa kể đến việc nông dân lạm dụng thuốc hóa học, kích thích sinh trưởng phun cho cây trồng ra hoa, đậu quả như mong muốn. Do đó, lượng phân bón, hóa chất hòa tan trong nước ruộng được tiêu thoát vào các kênh, sông trục tiêu của hai hệ thống thủy lợi Bắc và Nam tỉnh, gây ô nhiễm nguồn nước mặt có xu hướng ngày càng tăng.

Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường nước? Đối với các khu công nghiệp, khi triển khai xây dựng, cần có quy định bắt buộc doanh nghiệp phải đầu tư hạ tầng xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh mới được phép hoạt động. Đồng thời, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước; giám sát việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này cũng như việc xả nước thải để theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình nguồn nước. Đối với các làng nghề và các điểm giết mổ gia súc, gia cầm trong khu dân cư, chính quyền các địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động người dân giữ vệ sinh môi trường để giảm thiểu ô nhiễm. Tại khu vực nông thôn, cần tổ chức thu gom, xử lý, chôn lấp tập trung chất thải rắn, chất thải nguy hại; xây dựng và triển khai các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi sạch; buộc mọi doanh nghiệp, từ quy mô nhỏ đến lớn phải đáp ứng được những tiêu chuẩn tối thiểu. Nhưng, quan trọng nhất vẫn là ý thức của các doanh nghiệp và người dân, không vì lợi ích trước mắt mà xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường. Hãy chung tay bảo vệ môi trường ngay từ bây giờ - đó chính là bảo vệ cuộc sống của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Minh Nguyệt