Thứ 4, 24/04/2024, 05:19[GMT+7]

“Giải nhiệt” cho vật nuôi

Thứ 4, 02/06/2021 | 09:08:15
2,856 lượt xem
Thời tiết nắng nóng dễ phát sinh các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi như: tiêu chảy, thương hàn, dịch tả, tụ huyết trùng... gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi. Do đó, để duy trì hoạt động chăn nuôi, các hộ chăn nuôi cần chủ động các biện pháp “giải nhiệt” cho đàn vật nuôi khi bước vào thời điểm nắng nóng.

Để chống nóng cho vật nuôi, người chăn nuôi cần thực hiện nuôi đúng mật độ.

Duy trì nuôi từ 2.000 - 3.000 con gà đẻ, từ 3 năm trở lại đây ông Nguyễn Văn Năng, xã Thụy Bình (Thái Thụy) lắp đặt hệ thống phun xoay nước trên mái chuồng để chống nóng cho đàn gà. Ông chia sẻ: Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Giá trứng, gà thương phẩm giảm trong khi thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại trong chăn nuôi, được sự hướng dẫn của đơn vị chuyên môn, gia đình tôi đã chủ động vệ sinh chuồng trại, thay đệm lót sinh học để hạn chế sinh nhiệt trong chuồng nuôi, xây dựng thêm chuồng để tách đàn, giảm mật độ vật nuôi trong thời điểm nắng nóng, đồng thời đầu tư lắp đặt hệ thống ống nước phun xoay trên mặt mái để chống nóng. Bên cạnh đó, tôi bổ sung các loại vitamin và các chất điện giải như Bcomplex, vitamin C vào nước uống nhằm tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi; thức ăn được bổ sung canxi, cải thiện đáng kể sản lượng trứng và chất lượng vỏ trứng...

Dè dặt tái đàn sau “cơn bão” bệnh dịch tả lợn châu Phi, ông Nguyễn Văn Chiều, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Gia đình tôi hiện nuôi gần 100 con lợn. Để bảo vệ đàn lợn khỏe mạnh và phát triển tốt, trước khi bước vào mùa nắng nóng, tôi kiểm tra lại hệ thống chuồng trại, lắp đặt bổ sung xốp làm mát mái, vệ sinh thiết bị làm mát chuồng trại; bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng ngay từ đầu hè để đàn lợn tăng sức đề kháng, phát triển khỏe mạnh. Những ngày nắng nóng, gia đình tôi thường xuyên bật quạt điện, tắm cho đàn lợn và phun nước trực tiếp lên mái chuồng đồng thời điều chỉnh giờ ăn...

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Thái Bình, mùa nóng năm nay có nền nhiệt độ trung bình từ tháng 5 đến tháng 10 cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 10C; nắng nóng có khả năng xảy ra từ 4 - 6 đợt, tập trung trong hai tháng 6, 7; nhiệt độ có thể lên đến 39 độ C. Do đó dễ gây tình trạng mất nước, kiệt sức, ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi, đặc biệt là gia súc mang thai, đang tiết sữa; gia cầm đẻ; con non và chăn nuôi mật độ cao. Để chủ động các biện pháp chống nóng cho đàn vật nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện kiểm tra, làm mới, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống làm mát chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm. Đối với chuồng nuôi khép kín cần thường xuyên kiểm tra hoạt động của hệ thống làm mát, quạt thông gió; chuẩn bị lưới đen che dàn mát, cửa sổ các chuồng khi có nắng chiếu vào, đặc biệt lưu ý khu nuôi gia súc mang thai, gia súc đẻ, gia cầm sinh sản. Chuẩn bị phương án phun xoay nước trên mái chuồng, lắp đặt hệ thống phun sương trong chuồng; kiểm tra bảo đảm hệ thống phát điện hoạt động tốt. Thường xuyên kiểm tra hệ thống cung cấp nước uống, luôn bảo đảm đủ lượng nước uống sạch, mát cho vật nuôi theo nhu cầu, nhất là những ngày nắng nóng; thực hiện nuôi đúng mật độ. Bảo đảm chế độ dinh dưỡng tốt cho vật nuôi, trong đó chú trọng điều chỉnh tăng chất béo và giảm tinh bột để hạn chế quá trình sinh nhiệt của vật nuôi. Cho ăn thức ăn tinh vào sáng sớm và chiều tối, tăng cường bổ sung vitamin C, chất điện giải vào nước uống; thực hiện tiêm phòng đầy đủ vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm đến tuổi tiêm phòng; tiêm vào sáng sớm hoặc chiều tối. Tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh, chủ động phát hiện và xử lý sớm các trường hợp dịch bệnh nguy hiểm phát sinh.

Bà Bùi Thị Chuyên, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cho biết: Bên cạnh các biện pháp phòng, chống nóng cho vật nuôi trong mùa hè, ngành chuyên môn khuyến cáo các hộ chăn nuôi vào thời điểm nắng nóng cần thường xuyên thu dọn, vệ sinh chuồng trại; thực hiện tiêu độc, khử trùng trong và ngoài chuồng nuôi, khơi thông cống rãnh thoát nước, phát quang bụi rậm xung quanh khu chăn nuôi để giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát sinh dịch bệnh.

Ngân Huyền