Thứ 6, 26/04/2024, 20:59[GMT+7]

Thiết lập vành đai chống dịch Covid-19

Thứ 4, 04/08/2021 | 09:13:17
2,146 lượt xem
Cùng với quyết liệt triển khai các biện pháp quản lý người vào Thái Bình trên đường bộ, các địa phương trong tỉnh còn thực hiện đồng bộ công tác phòng, chống dịch tại các bến phà, bến đò khách ngang sông.

Hành khách khai báo y tế và xuất trình giấy tờ tại bến phà Sa Cao, xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư.

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 80 bến phà, đò ngang đang hoạt động, trong đó nhiều bến phà, đò chở khách sang các tỉnh, thành phố giáp ranh với Thái Bình. Để thiết lập vành đai chống dịch Covid-19 hiệu quả, ngăn chặn dịch xâm nhập vào địa bàn từ nhiều hướng, lực lượng chức năng, các địa phương và chủ các bến phà, bến đò khách ngang sông đều đã triển khai thực hiện nghiêm các giải pháp bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch cho các chuyến phà, đò khách ngang sông. Đặc biệt, từ trưa ngày 19/7/2021, các chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại các bến phà, đò khách ngang sông cũng đã đi vào hoạt động.

Đồng chí Phạm Công Diện, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Vũ Thư cho biết: Trên địa bàn huyện có bến phà Sa Cao nối xã Vũ Vân (Vũ Thư) với xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường (Nam Định) và 12 bến đò ngang sông giáp ranh với các tỉnh Nam Định, Hưng Yên. Để kiểm soát chặt chẽ người từ bên ngoài vào địa phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện đã thành lập các chốt kiểm soát dịch, phân công lực lượng quân sự, công an, y tế, các ban, ngành, đoàn thể các xã duyên giang thực hiện nhiệm vụ nhắc nhở người dân đi từ các địa phương khác vào địa bàn tự giác khai báo y tế, ghi tên, địa chỉ kèm số điện thoại để thực hiện truy vết khi cần thiết. Ngoài việc phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, khi lên đò, phà phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Huyện cũng kiên quyết xử lý nghiêm đối với chủ phương tiện, người qua lại trên các chuyến đò, phà không thực hiện các yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch.

Trung bình mỗi ngày bến phà Sa Cao có 300 lượt người và phương tiện qua lại. Để chủ động phòng, chống dịch Covid-19, huyện Vũ Thư và xã Vũ Vân đã tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức để chủ phà bảo đảm nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch, yêu cầu hành khách thực hiện triệt để việc khai báo lịch trình di chuyển, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn tay khi lên xuống phà. 

Thiếu tá Bùi Trung Tín, cán bộ Ban CHQS huyện Vũ Thư cho biết: Từ trưa ngày 19/7, tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại bến phà Sa Cao, lực lượng thực hiện nhiệm vụ gồm quân sự, công an, y tế. Thời gian thực hiện nhiệm vụ của chốt cùng với thời gian hoạt động của bến phà, từ 5 giờ đến 21 giờ. Chúng tôi chia làm 2 ca để thực hiện việc khai báo y tế, kiểm tra kết quả xét nghiệm bằng phương pháp Realtime PCR hoặc test nhanh kháng nguyên âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ.

Để tạo thuận lợi cho người dân, Bệnh viện Da liễu Thái Bình đã thành lập 1 tổ test nhanh Covid-19 đặt tại khu vực bến phà Sa Cao. 

Anh Đào Trường Thăng, kỹ thuật viên xét nghiệm thông tin: Mỗi ngày chúng tôi test nhanh Covid-19 cho khoảng 60 người. Người dân chỉ cần đợi 15 phút là có kết quả. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, chúng tôi chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với SARS-CoV-2.  

Bến phà Cồn Nhất, xã Hồng Tiến (Kiến Xương) giáp với thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy (Nam Định) thường xuyên có lượng khách đi, về khá đông do nhu cầu đi lại, giao thương buôn bán giữa hai vùng đã có từ lâu đời. Đặc biệt, kể từ khi huyện Kiến Xương chỉ đạo tạm dừng hoạt động các bến đò tư nhân thì lượng người tập trung qua phà Cồn Nhất đông hơn. Mặc dù không hoạt động 24/24 giờ nhưng mỗi ngày phà Cồn Nhất cũng có gần 500 lượt người qua lại. Hơn 10 ngày qua, lực lượng chức năng túc trực thường xuyên để kiểm tra, nhắc nhở lái phà, khách qua sông thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Đối với những trường hợp không có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, lực lượng làm nhiệm vụ tại bến phà yêu cầu phương tiện quay đầu.

Ông Nguyễn Văn Cừ, nhân viên Trạm Y tế xã Quang Trung (Kiến Xương) thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch bến phà Cồn Nhất cho biết: Do bên Nam Định cũng thành lập chốt nên việc kiểm soát người và phương tiện qua lại hai địa phương được thực hiện chặt chẽ. Người dân cũng đồng tình ủng hộ và tạo điều kiện cho các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại chốt.

Thượng tá Phí Văn Tuyến, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh khẳng định: Khi các địa phương giáp ranh với Thái Bình đều đã xuất hiện ca nhiễm Covid-19, việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch càng phải được đẩy mạnh. Cùng với thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế thì việc khép kín vành đai chống dịch cả trên đường bộ và đường thủy là một trong những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn dịch xâm nhập vào địa bàn. Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy đã thành lập các tổ công tác, tích cực phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra hoạt động tại các bến phà, bến đò khách ngang sông sang các tỉnh, thành phố giáp ranh, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý nhanh các trường hợp đến từ vùng dịch, góp phần bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 tại chốt kiểm soát dịch bến phà Cồn Nhất, xã Hồng Tiến (Kiến Xương).



Anh Đặng Minh Phong, bến phó phà Cồn Nhất, xã Hồng Tiến (Kiến Xương)

Chúng tôi trang bị dung dịch rửa tay sát khuẩn trên phương tiện; đồng thời, tổ chức kiểm tra thân nhiệt của tất cả hành khách bằng các thiết bị đo nhiệt độ không tiếp xúc. Cùng với đó, thường xuyên thực hiện tốt công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, khử khuẩn cả hai đầu bến và trên phà, yêu cầu hành khách đứng giãn cách theo quy định cũng như bảo đảm đầy đủ các điều kiện phòng, chống dịch.

Anh Phạm Thanh Long, xã Nam Bình (Kiến Xương)

Mặc dù địa phương tôi làm việc chưa có dịch nhưng trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có ca dương tính với SARS-CoV-2, do đó bản thân tôi và mọi người đều nâng cao cảnh giác, hạn chế đi lại. Khi đi đò sang tỉnh Nam Định làm việc đều thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch, giữ an toàn cho mình và cộng đồng.

Tất Đạt