Thứ 5, 16/01/2025, 06:44[GMT+7]

Làm giàu trên sông

Thứ 6, 07/01/2022 | 08:58:58
7,933 lượt xem
Những ngày này, các hộ nuôi cá lồng ở huyện Hưng Hà đang bắt đầu thu hoạch cá để xuất bán phục vụ thị trường tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Hàng trăm lồng cá chép giòn, cá lăng, cá diêu hồng... san sát với những chú cá to, tròn hứa hẹn một vụ cá bội thu.

Người nuôi cá lồng phấn khởi đạt sản lượng cao.

Điệp Nông là xã có sông Luộc chảy qua; để tận dụng tiềm năng này, người dân trong xã đã đưa mô hình nuôi cá lồng vào phát triển kinh tế trọng điểm. Hiện nay, toàn xã có 89 lồng nuôi cá mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí có những hộ thu lãi hàng tỷ đồng. Một trong những hộ đó là gia đình anh Nguyễn Đại Dương, thôn Ngũ Đông với hơn 30 lồng cá đang kỳ xuất bán. 

Tâm sự về thành công của mình, anh Dương cho hay: Nuôi cá lồng là nghề mới, tuy đầu tư khá lớn nhưng hiệu quả kinh tế lại rất cao, điều đáng nói là không bao giờ phải lo đầu ra. Nếu như trước đây tôi chỉ có gần 20 lồng cá, thì nay tôi đã sở hữu 30 lồng chủ yếu nuôi cá lăng, diêu hồng, chép giòn... Năm 2021 tôi đã xuất bán 40 - 50 tấn cá, dự kiến dịp tết Nguyên đán này tiếp tục xuất bán trên 30 tấn cá. Tôi mong các cấp, các ngành hỗ trợ tạo điều kiện giúp chúng tôi thành lập HTX chăn nuôi có chỉ dẫn địa lý để thuận lợi trong việc xây dựng thương hiệu cá lồng cho người dân nơi đây.

Men theo triền đê sông Luộc, chúng tôi tìm đến trang trại nuôi cá lồng của anh Nguyễn Văn Đình, thôn Ngũ Đông. Anh Đình là hộ nuôi cá lồng nhiều nhất xã Điệp Nông với khoảng 10 vạn con, chủ yếu là cá trắm, chép, lăng... Năm 2021 anh Đình xuất bán trên 100 tấn cá với giá bán cá lăng 70.000 đồng/kg, cá chép giòn 140.000 đồng/kg, cá diêu hồng 50.000 đồng/kg... Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá bán cá có giảm so với năm 2020 nhưng vẫn cho anh thu lãi hàng tỷ đồng. 

Anh Đình chia sẻ: Được sự tạo điều kiện của các cấp, năm 2018 tôi chọn một đoạn nhánh sông Luộc để đầu tư 20 lồng cá. Đến nay tôi đã mở rộng lên hơn 30 lồng, mỗi lồng có thể cho sản lượng 5 tấn cá. Nghề nuôi cá lồng thường có sản phẩm bán quanh năm nhưng dịp giáp tết Nguyên đán lại được xem là mùa thu hoạch chính và bội thu nhất của người dân. Vì vậy, những ngày này chúng tôi tập trung vỗ béo cá và đánh bắt rải đàn để xuất bán những lứa cá cuối cùng của năm, dự kiến tôi xuất bán khoảng 50 tấn cá thịt và 2 tấn cá vàng phục vụ thị trường dịp tết ông Công, ông Táo. Nếu thời tiết thuận lợi, dịch Covid-19 đi qua chắc chắn nghề nuôi cá lồng sẽ phát triển mạnh mẽ.

Bà Nguyễn Thị Lương, Phó Giám đốc HTX DVNN xã Điệp Nông cho biết: So với nuôi cá trong ao, nuôi cá lồng trên sông mang lại giá trị kinh tế cao hơn 4 - 5 lần. Nhờ chọn hướng đi đúng mà nhiều nông dân đã làm giàu trên sông. Hiệu quả từ nuôi cá lồng trên sông đã thấy rõ nên thời gian qua ở Điệp Nông nhiều hộ dân bắt đầu mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng.

Không chỉ ở Điệp Nông, ở các xã như Hồng An, Độc Lập, Tân Lễ..., nghề nuôi cá lồng tiếp tục phát triển cả số lượng và chất lượng. 

Ông Bùi Văn Hiến, Chủ tịch UBND xã Độc Lập cho biết: Hiện nay, xã Độc Lập có 55 lồng cá, chủ yếu nuôi cá chép, lăng, trắm..., nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư nuôi những loại cá đặc sản nên thu được hiệu quả cao, nhờ đó vươn lên làm giàu. Để duy trì và phát triển nghề nuôi cá lồng, xã Độc Lập tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, bổ sung các kiến thức, kỹ thuật cho người dân. Bên cạnh đó, xã khuyến khích người dân đưa giống cá mới phù hợp vào nuôi; nuôi cá theo hướng an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ môi trường. Xã mong muốn các cấp, các ngành có chính sách hỗ trợ kịp thời, tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho người dân vay vốn lãi suất thấp để phát triển sản xuất.

Với điều kiện địa lý thuận lợi, có 3 con sông lớn chảy qua là sông Hồng, sông Luộc và sông Trà Lý nên nghề nuôi cá lồng ở Hưng Hà những năm qua không ngừng phát triển. Hiện toàn huyện có 188 lồng cá tại 5 xã, thị trấn, tăng 28 lồng so với cuối năm 2020 (Hồng An 20 lồng, Điệp Nông 89 lồng, Độc Lập 55 lồng, thị trấn Hưng Nhân 13 lồng, Tân Lễ 11 lồng), mang lại nguồn thu nhập lớn cho nhiều người dân, góp phần đưa giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản của huyện năm 2021 đạt trên 240 tỷ đồng, tăng 2,51% so với năm 2020. 

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chia sẻ: Để khuyến khích phát triển nuôi cá lồng, Hưng Hà tiếp tục chỉ đạo các địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân nuôi cá lồng theo quy hoạch và có cơ chế phù hợp động viên, khuyến khích người dân mở rộng diện tích nuôi cá lồng. Đồng thời, chú trọng tập huấn kiến thức nuôi trồng thủy sản; tuyên truyền, vận động các hộ nuôi trồng thủy sản đa dạng đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao phục vụ tiêu dùng; làm tốt công tác quản lý và cung ứng giống thủy sản... giúp người dân yên tâm tiếp tục làm giàu trên sông.

Nuôi cá lồng ở Điệp Nông (Hưng Hà).

Nghề nuôi cá lồng trên sông đã góp phần không nhỏ trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở địa phương, giúp hàng trăm hộ dân của huyện tăng thu nhập, tạo sự đa dạng ngành nghề ở nông thôn. Tuy còn đó những khó khăn nhưng nghề nuôi cá lồng vẫn đang trên đà phát triển, tạo ra nguồn thực phẩm sạch, ngon, được ưa chuộng, nhất là trong dịp tết Nguyên đán.

Thanh Thủy