Thứ 7, 27/04/2024, 08:07[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Người trồng ớt thấp thỏm chờ thương lái

Thứ 2, 17/01/2022 | 09:03:21
5,183 lượt xem
Hiện nay, tại một số xã như Quỳnh Hội, An Ấp, An Cầu, Quỳnh Minh... của huyện Quỳnh Phụ, ớt đang vào thời kỳ chín rộ. Tuy nhiên, năm nay thời tiết bất thường, năng suất ớt giảm mạnh, đồng thời do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến ớt bị rớt giá. Tác động kép làm người trồng ớt thấp thỏm.

Ớt chín rộ nhưng không có thương lái đến thu mua khiến gia đình bà Nguyễn Thị Khuyên, thôn Tân Hóa và nhiều gia đình trồng ớt ở xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ) thấp thỏm.

Xã Quỳnh Hội có diện tích trồng ớt nhiều của huyện Quỳnh Phụ với 100ha. Nhiều năm qua, ớt là cây trồng chủ lực của địa phương, đến vụ thu hoạch thương lái đến tận ruộng để thu mua, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Trung bình mỗi vụ toàn xã thu hoạch 1.500 tấn ớt với mức giá trung bình 50.000 đồng/kg, người trồng ớt rất phấn khởi. 

Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2021, bão số 7, số 8 và mưa lớn kéo dài trong tháng 9, tháng 10 khi cây ớt đang sinh trưởng và phát triển khiến nhiều diện tích ớt bị ngập úng, cây thối rễ. Đầu tháng 11, khi ớt bắt đầu cho thu hoạch thì dịch Covid-19 lại diễn biến phức tạp, nhiều hàng hóa, củ, quả bị ùn ứ ở cửa khẩu không xuất sang được Trung Quốc. Từ tháng 12/2021 đến nay, ớt vào độ chín rộ song rất ít thương lái đến thu mua. Lượng ớt thu hoạch chủ yếu bán cho các doanh nghiệp, cơ sở làm tương ớt nên không nhiều, giá thấp. Hiện tại ớt đang thu mua tại ruộng ở mức 10.000 -12.000 đồng/kg.

Trên cánh đồng thôn Tân Hóa, xã Quỳnh Hội, mặc dù ớt đang chín rộ nhưng rất ít người dân thu hoạch. Năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Khuyên trồng 4 sào ớt, vất vả chăm sóc khắc phục 2 trận bão và mưa lớn kéo dài, đến lúc thu hoạch thì giá ớt thấp, khó bán khiến bà lo lắng. 

Bà Khuyên chia sẻ: Mọi năm, thời điểm này ngày nào tôi cũng thuê vài người ra đồng hái ớt, ớt thu hoạch đến đâu thương lái mua đến đó. Mỗi ngày thu hoạch được vài tạ ớt, bán giá khoảng 50.000 đồng/kg, có thời điểm 90.000 đồng/kg, trừ chi phí cả vụ cho thu lãi trên 40 triệu đồng. Năm nay thời tiết mưa nhiều, một số diện tích cây bị chết do ngập úng phải trồng lại đã ảnh hưởng tới năng suất. Khi ớt chín rộ, thương lái không đến mua, giá bán thấp, có thời điểm chỉ 8.000 đồng/kg, gia đình cũng không đủ tiền để thuê người mà tự thu hoạch, mỗi ngày được khoảng 20kg. Năng suất giảm, giá thấp, trừ chi phí và công chăm sóc tính ra không có lãi.

Cũng như gia đình bà Khuyên, gia đình bà Nguyễn Thị Hân, thôn An Ấp và nhiều gia đình trồng ớt ở xã An Ấp những ngày này đang thấp thỏm chờ thương lái đến thu mua. Với 2,5 sào ớt đang cho thu hoạch, giá bán khoảng 10.000 đồng/kg như hiện nay, theo bà, trừ chi phí, công chăm sóc thì khả năng người trồng ớt không có lãi. 

“Nhiều năm trồng ớt, chưa năm nào tôi thấy giá ớt thấp như năm nay, đã thế lại không có người thu mua, nhiều diện tích ớt chín đến ngày thu hoạch, chín rũ không muốn thu” - bà Hân buồn bã tâm sự.

Huyện Quỳnh Phụ có diện tích trồng ớt nhiều nhất tỉnh với khoảng 1.100ha. Theo đánh giá của nhiều gia đình, giá trị kinh tế từ cây ớt cao gấp 2 - 3 lần cây màu vụ đông khác và gấp 4 lần cấy lúa. Tuy nhiên, để hình thành các vùng sản xuất ớt hàng hóa, quy mô lớn nhằm nâng cao hơn nữa giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác, cần có những hướng đi bền vững hơn, trong đó phải có sự tham gia tích cực, sự liên kết chặt chẽ giữa các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người nông dân. Tháng 10/2021, đại diện Tập đoàn TH True Milk có buổi làm việc với UBND tỉnh về triển khai dự án nhà máy thực phẩm Thái Bình tại huyện Quỳnh Phụ. Đây là dự án công nghệ cao với các dây chuyền sản xuất quy mô lớn, trong đó có dây chuyền sản xuất tương ớt, tương cà công suất dự kiến 7.300 tấn sản phẩm/năm sẽ là cơ sở để người dân gắn bó lâu dài với cây ớt. Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng được huyện Quỳnh Phụ quyết liệt triển khai, về cơ bản đến nay đã hoàn thành, dự kiến trong quý I/2022 dự án sẽ được khởi công. Cùng với tín hiệu vui từ dự án, thời điểm này người trồng ớt mong muốn dịch Covid-19 sớm được kiểm soát, giao thương thuận lợi, thương lái tìm đến thu mua để người trồng ớt không phải băn khoăn với điệp khúc “được mùa rớt giá”.


Nguyễn Cường