Thứ 5, 25/04/2024, 08:54[GMT+7]

Ngư dân vượt khó vươn khơi bám biển

Thứ 5, 17/03/2022 | 07:02:40
2,608 lượt xem
Từ đầu năm đến nay, ngư dân huyện Tiền Hải gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức mua hải sản giảm, giá cả hàng hóa xuống thấp, cùng với đó hiện nay chi phí vật tư phục vụ sản xuất như xăng, dầu và giá nhân công tăng cao dẫn đến hiệu quả đánh bắt hải sản của ngư dân giảm mạnh.

Thu mua hải sản của ngư dân tại cảng cá Cửa Lân (Tiền Hải).

Cảng cá Cửa Lân của huyện Tiền Hải vào mùa cao điểm đánh bắt hải sản, mỗi ngày cảng đón trên 40 tàu thuyền của ngư dân cập bến vào bán hải sản. Tuy nhiên, hiện chỉ còn khoảng 15 - 20 tàu cập bến, thương lái đến mua hải sản thưa thớt. 

Ông Bùi Văn Tỵ, thôn Đồng Lạc, xã Nam Thịnh cho biết: Gia đình đã đầu tư đóng một tàu có công suất 155CV với số vốn trên 2 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay tôi mới tổ chức 3 lần ra khơi đánh bắt hải sản. Chuyến biển vừa rồi tàu của tôi không có lãi, hải sản khai thác được nhưng giá thấp và do chi phí nhân công, giá dầu tăng cao dẫn đến không đủ trả lãi ngân hàng và duy trì các chuyến đi biển kéo dài. 

Khi dịch Covid-19 sau tết Nguyên đán diễn biến phức tạp, việc đánh bắt, kinh doanh các mặt hàng hải sản tại Tiền Hải đều gặp khó khăn, đồng thời cùng với giá dầu hiện nay tăng cao tạo nên khó khăn kép cho nhiều ngư dân có tàu đánh bắt hải sản. Theo các ngư dân, giá nhiên liệu, vật tư tăng cao khiến tổng chi phí cho mỗi chuyến đi biển tăng thêm 20 - 30% dẫn đến ngư dân đối diện với nguy cơ thua lỗ nặng. 

Ông Nguyễn Văn Phong, xã Nam Phú cho biết: Hiện nay, lượng tiêu thụ hải sản của người tiêu dùng giảm vì dịch Covid-19, giá hải sản thời điểm hiện tại giảm hơn so với thời điểm trong tết. Để giảm chi phí sản xuất, tàu của chúng tôi chỉ đánh bắt gần bờ, vì thế đánh bắt được không nhiều. Chúng tôi chuyển sang đánh bắt sứa, tuy nhiên giá sứa bị tư thương ép giá chỉ còn 8.000 - 10.000 đồng/con. Nếu giá dầu diesel tiếp tục tăng thì có lẽ không chỉ tôi mà nhiều ngư dân đi biển phải tìm hướng sinh nhai khác. 

Ông Phạm Văn Vụ, xã Nam Thịnh chia sẻ: Chi phí mua dầu diesel, nước đá, chi phí sửa chữa ngư cụ, thuê lao động, mua lương thực, thực phẩm, thuê nhân công tăng... Vì vậy, giá dầu tăng làm hoạt động sản xuất của ngư dân chúng tôi thêm gánh nặng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 và giá nhiên liệu tăng cao, tuy nhiên làm ngư dân không đi biển thì không có kinh phí trang trải cuộc sống và trả lãi suất ngân hàng, do vậy tôi vẫn quyết tâm bám biển. Vươn khơi bám biển thời điểm này, ngư dân chúng tôi phải áp dụng một số biện pháp giúp giảm chi phí. Tàu của chúng tôi sẽ giảm thời gian khai thác xa bờ, tập trung đánh bắt gần bờ và giảm thời gian đi biển. 

Hiện nay, số lượng tàu, thuyền của huyện Tiền Hải có trên 400 chiếc, trong đó có 310 chiếc khai thác trung bờ và xa bờ. Để giảm chi phí sản xuất, huyện khuyến cáo ngư dân khai thác hải sản theo nhóm hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt; bảo quản nâng cao chất lượng hải sản; thuê mướn nhân công phù hợp với công suất đánh bắt của tàu. Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, các chủ tàu đều rất cần được sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước, nhất là có chính sách đối với việc vay vốn từ ngân hàng kịp thời giúp ngư dân vơi bớt khó khăn. 

Thời gian gần đây, giá xăng dầu liên tục tăng cao khiến hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân huyện Thái Thụy gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm vượt khó, vươn khơi bám biển, nhiều ngư dân, chủ tàu cá đang tìm mọi cách để tiết kiệm chi phí, đánh bắt hiệu quả nhằm bù lại phần chi phí nhiên liệu tăng cao. 

Vận chuyển cá từ tàu lên bờ tại bến cá Vĩnh Trà (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy).

Thái Thụy là huyện có số lượng tàu thuyền khai thác thủy sản lớn nhất tỉnh với tổng số 469 phương tiện, tổng công suất 98.859CV. Từ sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng cao khiến hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân trong huyện gặp rất nhiều khó khăn. 

Ông Nguyễn Trọng Nền, chủ tàu cá tại xã Thụy Xuân cho biết: Vào thời điểm này, khi giá dầu diesel tăng vượt ngưỡng 25.000 đồng/lít thì trong mỗi chuyến đi biển, hai tàu cá có công suất 440CV/tàu của tôi phải tốn thêm 10 triệu đồng chi phí nhiên liệu. Vì thế, trước mỗi chuyến ra khơi tôi phải tính toán kỹ, cân đối các khoản chi phí nếu không sẽ bị lỗ. Để hạn chế việc sử dụng nhiên liệu, tôi thường cho tàu khai thác ngắn ngày trên biển, trung bình 3 ngày/chuyến thay cho việc kéo dài từ 7 - 10 ngày như trước đây. Trong bối cảnh giá dầu tăng cao như hiện nay, việc đi biển dài ngày để đánh bắt được nhiều cá không phải là phương án khả thi, vì chất lượng cá thấp sẽ phải bán với giá loại 2, loại 3 và không đủ bù vào chi phí. Ngoài việc giảm thiểu sử dụng nhiên liệu, tôi cũng tiết kiệm các chi phí sinh hoạt trong thời gian đi biển, sau mỗi chuyến đi cho anh em thuyền viên tự sửa chữa ngư lưới cụ để tiết kiệm chi phí. Nhờ vậy mà từ đầu năm đến nay, tàu cá của tôi vẫn duy trì hoạt động, ra khơi được 6 chuyến. Dù thu nhập sau mỗi chuyến đi biển không được cao như trước nhưng trong thời điểm này tàu của tôi vẫn vươn khơi để anh em có việc làm. 

Khu vực cửa sông Diêm Hộ, xã Thái Thượng tập trung nhiều phương tiện có công suất nhỏ, khai thác gần bờ. Tranh thủ thời tiết đang thuận lợi, nhiều ngư dân đã cho thuyền vươn khơi. 

Ngư dân Bùi Đình Quân chia sẻ: Giá xăng dầu tăng cao nên khai thác thủy sản vào thời điểm này sẽ kém hiệu quả so với trước đây rất nhiều. Như tàu của tôi có công suất nhỏ 30CV khai thác vùng ven bờ, trước đây khi giá nhiên liệu chưa tăng mỗi chuyến biển chỉ tốn 200.000 đồng tiền dầu. Bây giờ giá dầu tăng lên 25.000 đồng/lít, chi phí nhiên liệu mỗi chuyến biển đã tăng thêm 100.000 đồng. Hiện mỗi đêm tôi khai thác cá bán được 500.000 đồng trừ chi phí nhiên liệu thì tôi thu 200.000 đồng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do giá xăng dầu tăng cao nhưng làm ngư dân không đi biển thì không có kinh phí trang trải cuộc sống, do vậy tôi vẫn quyết tâm bám biển. 

Ngư dân xã Thụy Xuân (Thái Thụy) nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm giảm chi phí sản xuất, duy trì hoạt động khai thác.

Hoạt động khai thác thủy sản được xem là một trong những thế mạnh của Thái Thụy và mang lại thu nhập cao cho ngư dân cũng như đóng góp lớn vào phát triển kinh tế của huyện. Thời gian gần đây, các chủ tàu cá trong huyện đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm giảm chi phí sản xuất, duy trì hoạt động khai thác, tuy nhiên giá xăng dầu tăng cao như hiện nay đã có không ít tàu cá phải nằm bờ do không đủ chi phí nhiên liệu. 

Ông Nguyễn Văn Lang, đội trưởng đội tự quản tàu, thuyền thị trấn Diêm Điền cho biết: Bên cạnh những tàu cá khắc phục khó khăn để ra khơi duy trì hoạt động khai thác thủy sản thì hiện nay có nhiều tàu phải nằm bờ do chi phí nhiên liệu tăng cao. Việc tàu cá phải nằm bờ đã gây ra rất nhiều khó khăn về kinh tế, việc làm, thu nhập của ngư dân, nhất là đối với các chủ tàu cá đang phải vay vốn ngân hàng để đầu tư, nâng cấp phương tiện, ngư lưới cụ phục vụ khai thác thủy sản. Vì vậy, ngư dân trong huyện mong muốn nhà nước sớm có chính sách bình ổn giá xăng dầu, giảm lãi suất vốn vay ngân hàng và tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi để ngư dân nâng cấp, cải hoán phương tiện, từ đó giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, vừa phát triển kinh tế vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Năm 2022, Thái Thụy đặt mục tiêu phấn đấu tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt hơn 63.000 tấn, tăng 7,5% so với năm 2021. Trong tình cảnh nhiều tàu cá của ngư dân trong huyện phải nằm bờ do chi phí nhiên liệu tăng cao đã và đang ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành mục tiêu trên. Vì vậy, trước mắt, để giảm thiểu chi phí sản xuất, ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo ngư dân cần tăng cường hoạt động khai thác thủy sản theo tổ đội, nhóm hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt thủy sản, khai thác theo chuỗi liên kết, bảo quản nâng cao chất lượng, giá trị thủy sản khai thác được... Bên cạnh đó, huyện tiếp tục tạo điều kiện, cơ chế khuyến khích để ngư dân phát triển các đội tàu cá khai thác xa bờ, hiện đại hóa tàu cá để mở rộng ngư trường và nâng cao hiệu quả khai thác.

Mạnh Thắng - Trần Tuấn