Thứ 5, 16/01/2025, 03:42[GMT+7]

Doanh nghiệp gốm sứ “tiến thoái lưỡng nan”

Thứ 3, 22/03/2022 | 09:08:07
8,367 lượt xem
Dịch bệnh, giá nguyên vật liệu leo thang đã đẩy các doanh nghiệp (DN) gốm sứ ở khu công nghiệp Tiền Hải vào thế khó, nguy cơ nhiều DN phải tạm dừng hoạt động, hàng nghìn công nhân thiếu, thậm chí mất việc làm.

Hàng nghìn công nhân của các doanh nghiệp gốm sứ ở Tiền Hải có nguy cơ thiếu việc làm do tác động tiêu cực của dịch bệnh và giá nguyên vật liệu leo thang.

Từ đầu tháng 2 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Trong bối cảnh chung đó, tại khu công nghiệp Tiền Hải, nhiều công nhân bị mắc Covid-19 và tiếp xúc gần với F0 phải nghỉ cách ly, điều trị khiến các DN thiếu hụt lao động cục bộ. Đơn cử như Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu có 600 công nhân thì có tới hơn 100 người thuộc diện F0 và F1 phải cách ly theo quy định. Công ty có 3 dây chuyền sản xuất với tổng công suất 3 triệu sản phẩm sứ dân dụng/tháng và 50.000 sản phẩm sứ vệ sinh/tháng. Do không đủ nhân lực làm việc, Công ty buộc phải tạm dừng 2 dây chuyền sản xuất, trong đó 1 dây chuyền dừng hoạt động 1 tuần và 1 dây chuyền dừng hoạt động từ ngày 26/2 đến nay. 

Ông Nguyễn Quốc Phòng, Phó Giám đốc Công ty chia sẻ: Những tháng đầu năm, thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước đều thuận lợi. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của Công ty bị đình trệ vì thiếu lao động do tác động của dịch Covid-19 nên không tận dụng được cơ hội để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Không chỉ có vậy, chi phí cho công tác phòng, chống dịch như dung dịch khử khuẩn, kit test nhanh sàng lọc SARS-CoV-2 cũng rất tốn kém.

Bài toán thiếu lao động chưa giải quyết xong, các DN lại đối mặt với khó khăn chi phí sản xuất tăng cao tới hơn 20%. Nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất như đất sét, men sứ, trường thạch, thạch cao, z-con, hóa chất, vật tư lò nung, phụ kiện của sản phẩm tăng từ 15 - 20%. Thêm vào đó, từ đầu năm đến nay, sau 6 lần điều chỉnh liên tục tăng, giá xăng dầu đã tăng hơn 25% kéo theo giá cước vận tải nguyên liệu, hàng hóa cũng tăng tương ứng. 

Ông Tô Xuân Cảnh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh sứ Hảo Cảnh cho biết: Giá nguyên liệu, nhiên liệu thi nhau tăng giá khiến DN không kịp thích ứng để gượng dậy sau quãng thời gian hoạt động sản xuất, kinh doanh gần như bị “tê liệt”, hàng hóa tồn kho vì thị trường tiêu thụ bị thu hẹp bởi tác động tiêu cực của dịch Covid-19 trong năm 2021.

Theo các DN gốm sứ tại khu công nghiệp Tiền Hải, chưa bao giờ khó khăn lại ập đến cùng một lúc như hiện nay. Theo đà leo thang giá cả các mặt hàng xăng dầu, nguyên vật liệu sản xuất, giá khí đốt - nhiên liệu phục vụ sản xuất chiếm khoảng 25% tổng chi phí sản xuất cấu thành sản phẩm cũng tăng. 

Ông Nguyễn Quốc Phòng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu cho biết thêm: Nếu như quý IV/2021, giá khí bán cho doanh nghiệp ở khu công nghiệp Tiền Hải ở mức 10.590 đồng/m3 thì đến đầu quý I/2022 đã tăng lên 11.128 đồng/m3. Đến ngày 15/3/2022, giá khí tiếp tục tăng lên 12.046 đồng/m3 và dường như nó sẽ còn tăng trong thời gian tới. Giá khí liên tục tăng đã đẩy chi phí nhiên liệu sản xuất lên chiếm 30 - 33% giá thành sản xuất, vượt ngưỡng chịu đựng của DN.

Mỗi tháng, các DN gốm sứ trong khu công nghiệp Tiền Hải sử dụng khoảng 200.000mmBTU khí đốt với chi phí tương đương khoảng 60 tỷ đồng. 

Ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Gạch men sứ Thanh Hải, Hội trưởng Hội Gốm sứ Tiền Hải cho biết: Hiện giá khí đốt ở miền Nam thấp hơn so với miền Bắc và có nhiều DN gốm sứ trong nước sử dụng công nghệ than hóa khí, chi phí chỉ bằng 60 - 65% so với sử dụng khí đốt nên giá thành sản phẩm của họ thấp, chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ tốt hơn, nguy cơ chúng tôi thua ngay trên “sân nhà” chứ chưa nói đến cạnh tranh thị trường xuất khẩu.

Giá nguyên liệu, nhiên liệu, phụ liệu đầu vào thi nhau tăng đã tạo áp lực rất lớn cho các DN gốm sứ trong việc duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm, thu nhập cho hàng nghìn lao động. Để tồn tại, các DN gốm sứ ở Tiền Hải đã nhóm họp và đưa ra quyết định tăng giá bán sản phẩm vào đầu tháng 4 lên khoảng 5% so với hiện tại. Theo nhiều DN, việc tăng giá bán vào thời điểm này là giải pháp tình thế, việc “cực chẳng đã” để doanh nghiệp tránh rơi vào cảnh làm ăn thua lỗ. Tuy nhiên, ngay cả việc tăng giá sản phẩm cũng dự báo sẽ đối mặt với khó khăn khác đó là sức tiêu thụ sẽ giảm bởi giá cả tất cả các mặt hàng đều tăng, thiếu việc làm, thu nhập giảm do dịch Covid-19 nên người dân sẽ phải cân nhắc cắt giảm chi tiêu. Quả thực, các DN gốm sứ ở Tiền Hải hiện đang rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Bên cạnh đòi hỏi DN phải năng động, sáng tạo, nỗ lực vươn lên thì rất cần các cấp, ngành chức năng sớm quan tâm, hỗ trợ để DN duy trì ổn định sản xuất.

Đầu tư máy móc, công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất là một trong những giải pháp để doanh nghiệp gốm sứ tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm và không quá phụ thuộc vào nguồn lao động. 

Khắc Duẩn