Thứ 5, 16/01/2025, 03:57[GMT+7]

Xúc động những hành trình về lại vùng đất lửa Kỳ 1: Về vùng đất lửa linh thiêng, huyền thoại

Thứ 3, 26/07/2022 | 11:28:32
3,689 lượt xem
Cứ tháng 7 về, trong lòng mỗi người con Việt Nam lại dâng trào niềm xúc động, tưởng nhớ, tri ân những người đã anh dũng ngã xuống cho đất mẹ nở hoa hôm nay. Đoàn nối đoàn, hành trình trở về những vùng đất từng là nơi lửa bom một thời tưởng như kéo dài mãi. Trong hành trình ấy có những đoàn đại biểu của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương và nhân dân Thái Bình.

Thành cổ Quảng Trị nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị. Giữa đài dựng một biểu tượng cây đèn thờ cao 8,1m, mang ý nghĩa tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu oanh liệt tại Thành cổ của quân và dân ta.

Như thông lệ hàng năm, năm nay vào các ngày 15-16/7, Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Bình do đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã trở về với mảnh đất lửa linh thiêng, huyền thoại Quảng trị để dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn...  

Cả đoàn đến Thành cổ khi trời đã chạng vạng tối. Sau một hành trình tương đối dài nhưng không ai cảm thấy mệt mỏi bởi khi đặt chân đến đây, ai cũng thấy bồi hồi, xúc động, lắng đọng trong không gian linh thiêng và dường như bất tử. Tại nơi đây, 50 năm về trước, ta và địch đã giằng co từng mét đất, từng ngôi nhà. Hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống trong những trận chiến khốc liệt. Máu xương của các anh đã tan vào đất mẹ. Có lẽ cũng bởi linh hồn các anh đã hòa quyện với đất trời nên Thành cổ được ví như một nghĩa trang không có nấm mồ, chỉ có một đài tưởng niệm trung tâm được mô hình hóa thành ngôi mộ chung cho những người con đã anh dũng hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc. 

Trong không khí trang nghiêm và xúc động, đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình đã đặt vòng hoa, dâng hương và dành phút mặc niệm tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Giữa làn khói nghi ngút, từng người lặng lẽ thắp nén hương thơm thành kính dâng lên các anh hùng liệt sĩ. Để có được ngày hòa bình, hạnh phúc hôm nay, biết bao máu xương của các lớp cha anh đã phải đánh đổi và mãi mãi nằm lại trên mảnh đất này.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thả vòng hoa bên bờ nam sông Thạch Hãn để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. 

Rời Thành cổ, chúng tôi đến với dòng sông Thạch Hãn, dòng sông đã đi vào huyền thoại gắn liền với chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị. Nơi đây, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng đã ngã xuống. Ngày 16/9/1972, ngày cuối cùng của 81 ngày đêm, sau khi nhận lệnh cấp trên rút toàn bộ quân sang bờ Bắc của sông để bảo toàn lực lượng, hàng trăm chiến sĩ và thương binh sau nhiều ngày ngâm mình trong nước cộng với đói rét đã không còn đủ sức để chống chọi với dòng nước lũ. Sông Thạch Hãn một lần nữa trở thành nơi an nghỉ vĩnh hằng của các chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị anh hùng.

"Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm".


Trên mảnh đất Quảng Trị kiên trung bất khuất, trên dòng sông Thạch Hãn linh thiêng, bất tử, mỗi thế hệ người dân Việt Nam luôn nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc. Sự hy sinh cao cả ấy đã tô thắm trang sử vàng chói lọi về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc, giữ cho non sông gấm vóc mãi trường tồn. Các anh đã đi xa, nhưng linh hồn vẫn còn mãi ngàn năm. Các anh vẫn còn mãi như “sóng nước” không ngừng nghỉ trên sông, “vỗ yên bờ bãi” quê hương.

Bên dòng Thạch Hãn linh thiêng, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng các thành viên trong đoàn, ai cũng xúc động, nghẹn ngào. Trong khúc nhạc trầm hùng “Hồn tử sĩ”, mọi người kính cẩn, nghiêng mình bày tỏ lòng biết ơn vô hạn trước sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Hiện còn hàng nghìn người con quê hương Thái Bình đã hóa mình vào mảnh đất Quảng Trị kiên trung, vào dòng nước linh thiêng của sông Thạch Hãn đến nay vẫn chưa biết rõ thông tin. Đây là nỗi day dứt khôn nguôi của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Thái Bình. Quê hương Thái Bình luôn tưởng nhớ và ghi công ơn to lớn của các anh hùng liệt sĩ.

Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh dành phút mặc niệm bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9.

Tiếp tục hành trình trên miền đất lửa, đoàn đến với Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, đây là những nơi quy tụ hài cốt của hàng vạn liệt sĩ đến từ nhiều vùng quê đất Việt. 

Dẫu đã được nghe nhưng khi đặt chân đến đây mới thấy nơi này rộng lớn, mênh mông quá. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương và mất mát để lại vẫn chưa thể xóa nhòa bởi bạt ngàn những ngôi mộ liệt sĩ trải dài hun hút tưởng chừng như vô tận. Cả khu nghĩa trang là một màu trắng, màu trắng của những ngôi mộ, của nắng, của khói hương nghi ngút càng khiến lòng người không khỏi nghẹn ngào. Thế mới càng hiểu thêm về giá trị của hòa bình, của độc lập, tự do. 

Đứng trước  hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ san sát, trải dài trên đồi núi mênh mông, mỗi thành viên trong đoàn đều thành kính thắp hương, tưởng nhớ sự hy sinh lớn lao của cha anh để giành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất non sông. Không xúc động sao được khi các lớp cha anh đã không quản máu xương, tuổi trẻ để đổi lấy hòa bình, giành lại tự do cho đất nước. Họ ngã xuống khi mới bước vào tuổi mười tám, đôi mươi. Máu của các anh, các chị đã tô thắm thêm những trang sử hào hùng của dân tộc.

Chiến tranh đã qua đi gần 50 năm nhưng những giọt nước mắt biết ơn của thế hệ hôm nay vẫn không ngừng rơi trước đài liệt sĩ. Khi về với đất thiêng Quảng Trị, mỗi chúng ta sẽ hiểu hơn những gì chúng ta đã từng biết về quá khứ. Đến nơi đây sẽ giúp ta nhận ra giá trị của hiện tại, hình dung về tương lai và biết sẽ phải làm gì cho xứng đáng với ngày hôm qua.

Đỗ Hồng Gia