Thứ 5, 16/01/2025, 03:51[GMT+7]

Xúc động những hành trình về lại vùng đất lửa Kỳ 3: Điện Biên tháng 7 nghĩa tình

Thứ 5, 28/07/2022 | 11:16:01
2,923 lượt xem
Tôi rất háo hức khi lần đầu được đặt chân lên mảnh đất Điện Biên bởi những gì đã nghe và tìm hiểu về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Đến khi đứng trước hàng nghìn ngôi mộ chưa xác định được thông tin, danh tính tại các nghĩa trang liệt sĩ ở thành phố Điện Biên Phủ trong tôi lại trào dâng cảm xúc nghẹn ngào, xót xa, xen lẫn lòng biết ơn vô hạn đối với các anh hùng liệt sĩ, những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình dâng vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1.

Đường lên Điện Biên

Tuyến đường từ Thái Bình đến thành phố Điện Biên Phủ dài gần 600 cây số, thời gian đi mất 1 ngày, do vậy xe chở cán bộ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình và anh em phóng viên phải xuất phát từ 4 giờ sáng để kịp đến nơi trong ngày. Qua lời giới thiệu của bác Nguyễn Văn Mười là lái xe, tôi phần nào mường tượng được về cung đường lên Điện Biên mùa này. Nhưng rồi vẫn cứ phải sởn gai ốc về những cung đường đèo bên núi cao, bên vực thẳm, lúc chìm khuất giữa trời mây, lúc mập mờ trong sương núi. Trong đó, hiểm trở nhất phải kể đến đèo Pha Đin với chiều dài 32km nằm trên quốc lộ 6, một phần huyện Thuận Châu (Sơn La) và một phần thuộc huyện Tuần Giáo (Điện Biên).

Đèo Pha Đin là nơi gặp nhau giữa trời và đất, điểm cao nhất của đèo là 1.648 mét so với mực nước biển. Địa thế đèo rất hiểm trở, chênh vênh, một bên là vách núi và một bên là vực sâu hun hút, lúc lên dốc và xuống dốc, con đường đèo ngoằn ngoèo rất nguy hiểm với vô số các khúc cua tay áo, cua chữ A, chữ Z, đặc biệt có nhiều đoạn chỉ đủ cho một ô tô đi qua. Trên lưng chừng đèo Pha Đin thường mịt mờ mây phủ, dưới chân đèo lác đác những bản làng. Đứng trên dốc đèo nhìn về phía tỉnh Điện Biên thấy thấp thoáng những làng bản đầu tiên của huyện Tuần Giáo. Trong kháng chiến chống Pháp, đèo Pha Đin là một trong những tuyến huyết mạch quan trọng để tiếp vận vũ khí, đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Đèo Pha Đin đã trở thành một biểu tượng của tinh thần gan dạ, ý chí quả cảm của hơn 8.000 thanh niên xung phong "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Năm 1954, nhằm chặn đứng tuyến tiếp vận này của Việt Minh, suốt 48 ngày đêm ròng rã, tướng Pháp Christian de Castries đã cho máy bay oanh tạc đường 6, trong đó đèo Pha Đin và ngã ba Cò Nòi (thuộc huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) là hai nơi hứng chịu nhiều nhất lượng bom đạn đổ xuống...

Đền thờ Liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ. 

Có đến và đi trên những con đường ôm núi, vắt ngang lưng trời nơi núi rừng Tây Bắc mới hiểu thấu sự gian nan, nguy hiểm mà thế hệ cha ông đã vượt qua trên con đường hành quân, tải vận lương thực, vũ khí lên chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Vượt qua cung đường đèo Pha Đin, xe của chúng tôi lên đến thành phố Điện Biên Phủ lúc chiều muộn. Mặc dù đường đi xa, vất vả nhưng khi tới nơi, những đồng chí cán bộ của Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội không nghỉ ngơi mà lại tiếp tục đi làm công tác hậu cần, chuẩn bị hương hoa để cho đoàn tổ chức nghi lễ dâng hương vào sáng hôm sau.

Những ngôi mộ liệt sĩ chưa có tên

Trong hành trình về Điện Biên lần này, đoàn đại biểu của tỉnh Thái Bình đã đến dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại một số đền thờ, nghĩa trang liệt sĩ tại thành phố Điện Biên. Điểm đầu tiên đoàn đến dâng hương là Đền thờ Liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ. Công trình nằm tọa lạc trên đồi F, phường Mường Thanh được khởi công vào ngày 13/3/2021 (kỷ niệm 67 năm ngày mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ); khánh thành vào dịp kỷ niệm 68 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2022). Nằm cách Đền thờ Liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ khoảng 1km là Nghĩa trang Liệt sĩ A1. Trong tiếng chuông ngân vang từng hồi, các đại biểu trong đoàn chầm chậm bước vào Nghĩa trang Liệt sĩ A1 đi giữa những hàng, lớp mộ bên con đường mang tên vị tướng tài ba của dân tộc - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nghĩa trang có 644 ngôi mộ liệt sĩ, nhưng chỉ có 4 ngôi mộ lớn có tên là của các anh hùng Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn và Trần Can. Còn lại hầu hết là các ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định thông tin. Đúng với đôi câu đối khắc trong Đền thờ Liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia”.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Him Lam.

Rời Nghĩa trang Liệt sĩ A1, đoàn tiếp tục đến dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại 3 nghĩa trang liệt sĩ: Him Lam, Độc Lập, Tông Khao. Tại 3 nghĩa trang này có hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ nhưng rất ít mộ xác định được thông tin, trong đó, có nhiều ngôi mộ là người con Thái Bình. Nhìn những tấm bia “không xác định thông tin” nghi ngút khói hương hoà quyện trong nắng sớm khiến lòng ai cũng rưng rưng xúc động, nghẹn ngào. Những xúc cảm đó không chỉ là sự biết ơn, niềm tự hào, mà còn là sự trăn trở khi nhiều phần mộ liệt sĩ vẫn chưa xác định được thông tin, danh tính.

Bà Nguyễn Thị Mơ, tỉnh Nam Định chia sẻ: Đây là lần thứ hai tôi đến dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Him Lam và các nghĩa trang liệt sĩ khác tại thành phố Điện Biên. Mỗi lần đến đây tôi đều cảm thấy rất xúc động, nghẹn ngào khi thấy nhiều liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Tôi mong muốn một ngày nào đó, các liệt sĩ có thể có thể có được thông tin và sẽ trở về với quê hương với tên tuổi của mình.

Người dân đến dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1. 

Tỉnh Điện Biên hiện đang quản lý 8 nghĩa trang các liệt sĩ hy sinh trong các thời kỳ kháng chiến, với tổng số hơn 6.600 phần mộ. Hiện mới có hơn 700 phần mộ đầy đủ thông tin, hơn 650 phần mộ có một phần thông tin, còn lại là không có thông tin. Điều này thực sự là trăn trở lớn với những ai đã từng một lần được đến thắp hương lên những phần mộ ở đây.

Đồng chí Mai Hoàng Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên cho biết: Những năm qua, việc quy tập hài cốt liệt sĩ, cũng như kiếm tìm, xác định thông tin liệt sĩ luôn được tỉnh Điện Biên quan tâm phối hợp thực hiện, song công tác này hiện cũng đang gặp không ít khó khăn, từ việc lưu trữ hồ sơ, sơ đồ mộ, vị trí không đầy đủ, đến việc ngày càng ít nhân chứng biết thông tin về mộ liệt sĩ; địa hình có nhiều thay đổi theo thời gian… Do đó, trong thời gian tới, để làm tốt công tác khớp nối thông tin về liệt sĩ; cũng như hoàn thành việc lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ và mẫu phẩm thân nhân liệt sĩ phục vụ công tác đối chiếu đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị và sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân.

Chia tay mảnh đất Điện Biên anh hùng, mỗi người chúng tôi thêm tự hào, hãnh diện về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, ý chí kiên cường, bất khuất của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc. Thế hệ trẻ chúng tôi mãi mãi ghi nhớ, tri ân công lao các anh hùng liệt sĩ, nguyện một lòng đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Trần Tuấn