Thứ 5, 16/01/2025, 00:43[GMT+7]

Người chăn nuôi gặp khó khi giá lợn hơi giảm sâu

Thứ 6, 10/03/2023 | 21:51:08
5,040 lượt xem
Tại khu vực miền Bắc trong đó có Thái Bình giá lợn hơi những ngày qua cao nhất từ 47.000 - 49.000 đồng/kg, dưới mức giá sản xuất gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi.

Giá lợn hơi xuống thấp, ông Lê Văn Tình chủ động cắt giảm đầu con khi tái đàn nhằm hạn chế thua lỗ.

Trang trại của anh Trần Xuân Thời, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) đang nuôi khoảng 1.000 con lợn thịt và 150 con lợn nái. Do nuôi gối lứa nên tháng nào gia đình anh cũng có lợn thịt xuất bán. Từ cuối năm 2022, giá lợn hơi xuống thấp, cách đây vài ngày giảm mạnh, hiện dao động mức 47.000 - 49.000 đồng/kg. Với giá này, anh Thời lỗ khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg, tương đương 360.000 - 600.000 đồng mỗi con. 

Anh Thời cho biết: Gần một tuần nay, giá lợn giảm mạnh xuống dưới 50.000 đồng/kg tùy loại lợn, lợn truyền thống của địa phương nuôi trong dân hay còn gọi là lợn cỏ giá còn dưới 40.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong khoảng 2 năm qua. Do giá thức ăn cao, dịch bệnh phức tạp khiến chi phí cho thuốc thú y tăng, người chăn nuôi đang phải chịu mức chi phí từ 58.000 - 60.000 đồng cho 1kg lợn hơi khi phải mua con giống. Với giá bán như hiện nay, người chăn nuôi đang chịu lỗ cả tiền triệu đồng/con. Do dự báo được giá lợn hơi xuống thấp nên ngay từ dịp cuối năm 2022, tôi đã chủ động giảm đầu con, duy trì nuôi khoảng 70% công suất trại để hạn chế thua lỗ.

Theo anh Thời, nguyên nhân giá thịt lợn thấp như hiện nay do nguồn cung tăng cao trong khi sức mua của người dân giảm mạnh do ảnh hưởng bởi lạm phát. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải giảm quy mô sản xuất, buộc phải giảm lao động, sức tiêu thụ thịt lợn của các khu công nghiệp, nhà hàng, quán ăn giảm theo. Chưa kể, xu hướng của người tiêu dùng chuyển dần từ giảm ăn thịt lợn, tăng ăn thịt gà, thịt bò, thủy sản...

Với nhiều năm chăn nuôi, trải qua nhiều biến động nhưng ông Lê Văn Tình, xã Bách Thuận (Vũ Thư) đánh giá chưa bao giờ người chăn nuôi gặp “khó khăn kép” như hiện nay khi giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh trong khi giá thịt lợn, thịt gia cầm ngược chiều lao dốc. 

Ông Tình cho biết: Chuồng trại của gia đình tôi xây dựng quy mô nuôi từ 800 - 1.000 con lợn. Thế nhưng, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá lợn thịt giảm sâu buộc tôi phải tính đến việc giảm đàn bởi nuôi càng nhiều thì càng lỗ. Đợt này tôi chỉ vào 200 lợn con, nâng tổng đàn lợn trong trang trại khoảng 500 con. Nhiều hộ cố gắng nuôi cầm chừng đợi giá nhỉnh lên dù lợn đã đến kỳ xuất bán với trọng lượng 1,4 - 1,5 tạ/con.

Nhìn lại khoảng thời gian 2 năm qua, giá lợn hơi đã có biến động theo chiều hướng giảm và gây nhiều bất lợi cho người chăn nuôi. Những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, giá lợn hơi duy trì ở mức rất cao, từ 80.000 - 85.000 đồng/kg giúp người chăn nuôi đạt mức lợi nhuận rất hấp dẫn. Tuy nhiên, từ quý II/2021, giá lợn hơi đã liên tục giảm mạnh và nhanh chóng giảm sâu xuống dưới mức giá thành sản xuất, người chăn nuôi bị thua lỗ nặng. 

Trong 2 tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, giá lợn hơi đã có sự phục hồi trở lại nhờ nguồn cung giảm và nhu cầu tiêu thụ tăng, nhất là khi nước ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. 

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá lợn hơi tuy có nhiều biến động song mức giá không quá 60.000 đồng/kg và có chiều hướng giảm trở lại trong những tháng qua và hiện đang ở mức rất thấp. Trong khi đó, giá thức ăn và nhiều chi phí đầu vào phục vụ chăn nuôi lại liên tục tăng và duy trì ở mức rất cao.

Năm 2023, ngành nông nghiệp phấn đấu khôi phục tổng đàn lợn đạt trên 1 triệu con. Tuy nhiên, những khó khăn hiện tại đòi hỏi phải có giải pháp thích ứng duy trì chăn nuôi ổn định, hiệu quả. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân theo dõi sát diễn biến thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp, hạn chế thua lỗ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, tiêm phòng vắc-xin theo quy định nhằm giảm thiểu thiệt hại trong chăn nuôi.

Nhiều hộ chăn nuôi có tâm lý nuôi cầm chừng chờ giá lên.

Ngân Huyền