Thứ 5, 28/03/2024, 17:59[GMT+7]

Nơi giành giật sự sống cho trẻ sinh non

Thứ 2, 20/03/2023 | 08:53:00
3,593 lượt xem
Chăm sóc trẻ sơ sinh đã khó, với trẻ sinh non lại càng khó hơn nhiều lần bởi trẻ sinh non sức đề kháng yếu thường gặp các vấn đề về sức khỏe như: hô hấp, khó bú, nhiễm khuẩn, chậm tăng cân, hạ thân nhiệt, vàng da, xuất huyết, viêm ruột... Để giành giật sự sống, đưa các bé trở về bên vòng tay của bố mẹ là cả quá trình khó khăn mà đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Thái Bình phải đối mặt hàng ngày.

Bác sĩ Đinh Thị Én, Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Thái Bình kiểm tra sức khỏe của trẻ sinh non.

Cuộc chiến không dễ dàng

Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Thái Bình là nơi chăm sóc những em bé vừa mới chào đời, trong đó có trẻ sinh non. Nhìn những em bé mới sinh nằm trong lồng ấp với những ống thông, máy thở, máy theo dõi chỉ số sinh tồn, chằng chịt dây, kim truyền... mới phần nào thấu hiểu được sự vất vả của các bác sĩ, nhân viên y tế trong cuộc chiến giành giật lại sự sống cho trẻ.

Bác sĩ Đinh Thị Én, Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Thái Bình cho biết: Hàng năm, Khoa Sơ sinh chăm sóc rất nhiều trẻ sinh non, trong đó có bé mới được 800g. Với các trang thiết bị và nhân lực hiện tại, Bệnh viện có thể tập trung chăm sóc, nuôi dưỡng thành công trẻ sinh non từ 28 đến trước 37 tuần. Những trường hợp sinh trước 28 tuần, Bệnh viện sẽ phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi Thái Bình để can thiệp sớm cho bé. Tuy nhiên, cũng có một số chuyện buồn vì em bé quá non, cấu trúc cơ thể chưa hoàn thiện, không thể nuôi dưỡng được. Quá trình chăm sóc trẻ sinh non thường gặp rất nhiều khó khăn, trước tiên là cấp cứu sơ sinh ngay sau sinh. Để cấp cứu được đòi hỏi trang thiết bị máy móc hiện đại, bảo đảm các yếu tố tương tự như trong bào thai mẹ. Vì em bé sinh non thiệt thòi, do đang được ở trong môi trường lý tưởng là bào thai mẹ, khi ra bên ngoài bị cắt đứt cầu nối mẹ con, phụ thuộc hoàn toàn bên ngoài nên sự thích nghi sau sinh của bé rất kém. Các bé phải phụ thuộc lồng ấp để bảo đảm thân nhiệt, máy thở, oxy để duy trì chức năng sống; dung dịch truyền để nuôi dưỡng. Hệ miễn dịch rất kém, dễ bị nhiễm khuẩn cao. Vì thế, cán bộ, nhân viên y tế phải theo dõi sát sao các chỉ số sinh tồn, chăm sóc trẻ tỉ mỉ từ bữa ăn, lấy ven, bảo đảm dinh dưỡng, oxy, nhiệt độ lồng ấp... Ngoài chuyên môn, phải thật yêu thương trẻ mới có thể chăm sóc và gắn bó lâu dài với công việc này.

Tình yêu, sự tận tâm của những “người mẹ thứ hai”

Điều dưỡng trưởng Khoa Sơ sinh Đào Thị Việt Hà chia sẻ: 26 năm trong nghề, tôi thấy việc chăm sóc trẻ sinh non gặp rất nhiều khó khăn vì các bé có sức đề kháng kém dễ kèm theo nhiều bệnh lý. Do đó, nhân viên y tế luôn phải sát sao, chú trọng, thường xuyên, liên tục nắm bắt tình trạng của trẻ từng phút, từng giờ. Nếu không có tình yêu trẻ sẽ khó có thể gắn bó được. Cùng với máy móc, trang thiết bị mới, hiện đại, nhân viên y tế phải thường xuyên cập nhật kiến thức để có thể chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tốt nhất. Trẻ quá nhỏ nên khi chăm sóc, nuôi dưỡng phải có chiến lược bảo vệ từ chiếc ven nhỏ xíu đến làn da mong manh, tránh để nhiễm trùng, hăm loét. Có trẻ sinh non chưa hoàn thiện đường ruột, chúng tôi phải nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch với tỷ lệ đạm, đường, muối rất kỹ càng, tỉ mỉ. Khi em bé ổn định hơn, sữa mẹ là ưu tiên hàng đầu, chúng tôi nhỏ từng giọt sữa qua ống thông vào tận dạ dày. Đến lúc các bé có phản xạ bú cho bú bằng sữa mẹ và phải chia nhiều bữa nhỏ để em bé có thể hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất.

Chăm sóc trẻ sinh non là cả một quá trình không chỉ ở bệnh viện mà còn cả khi các bé xuất viện về nhà. Bố mẹ, người thân phải theo dõi sát quá trình phát triển của bé xem có giống những đứa trẻ bình thường. Do vậy, trước khi em bé về gia đình, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Thái Bình đã tận tình truyền đạt, trao đổi với người thân của các bé về những yếu tố nguy cơ trẻ sinh non có thể gặp phải liên quan đến vấn đề thể chất, tinh thần, vận động và cách chăm sóc trẻ...  

Chị Nguyễn Thị Nga, sản phụ tại Khoa Sơ sinh chia sẻ: Lúc đầu tôi rất lo lắng vì cháu sinh non nhưng khi được các bác sĩ chăm sóc tận tình, chu đáo tôi cũng yên tâm hơn. Nay cháu đã được xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh, gia đình tôi rất phấn khởi. Trước khi xuất viện, các bác sĩ cũng đã hướng dẫn, dặn dò tỉ mỉ khi chăm sóc cháu ở nhà.

Bác sĩ Đinh Thị Én, Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Thái Bình cho biết thêm: Di chứng trẻ sinh non thường để lại gánh nặng cho gia đình, xã hội. Do cấu trúc các chức năng chưa phát triển toàn diện. Tuy nhiên hiện nay, với sự phát triển hiện đại, sự phối hợp hiệu quả giữa sản nhi trong chăm sóc bà mẹ trước sinh đã góp phần giảm tỷ lệ sinh non. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ sinh non như: sức khỏe bà mẹ trong quá trình thai nghén không tốt, môi trường sống, làm việc căng thẳng, stress… Sinh non không phải vấn đề của nhi mà là vấn đề sản nhi, vì thế cần sự kết hợp giữa sản nhi. 

Đầu tiên là quản lý thai nghén tốt, trong quá trình mang thai, thai phụ nên đi khám thai định kỳ ở những cơ sở chuyên khoa. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai, người chồng phải trang bị kiến thức tốt, biết được các dấu hiệu dọa sinh non sớm để can thiệp kịp thời. Phụ nữ mang thai cần tránh stress, giảm cơn co, có môi trường sinh hoạt lành mạnh, cố gắng thư giãn, bổ sung vi chất. Khi em bé thoát được nguy cơ cao nhất là tử vong, trở về cộng đồng cần có sự tư vấn, hỗ trợ chăm sóc kịp thời từ đội ngũ y tế cơ sở và hơn hết là tình yêu, sự chăm sóc tận tình, chu đáo, sát sao của mỗi thành viên trong gia đình.

Trẻ sinh non được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Thái Bình.

Hoàng Lanh