Thứ 5, 16/01/2025, 01:00[GMT+7]

Hồng An: Mùa gom mật

Thứ 6, 31/03/2023 | 16:30:02
5,923 lượt xem
Mùa xuân, khi những vườn nhãn ở Hồng An (Hưng Hà) đơm hoa cũng là lúc những người nuôi ong mật (ong ngoại) ở các tỉnh đổ về đặt các thùng ong để đánh mật. Mật ong từ hoa nhãn luôn được xem là thứ mật sánh quyện, cho vị ngọt, mùi thơm đặc trưng nhất.

Là địa phương đi đầu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Hồng An hiện có khoảng trên 200ha trồng nhãn các loại. Để nâng cao giá trị từ cây nhãn, ngoài bán quả tươi, người dân trong xã đã phát triển nghề làm long nhãn. Vài năm trở lại đây, những người nuôi ong di cư đã tìm về Hồng An với hàng nghìn thùng ong để khai thác mật bởi theo họ, mật từ hoa nhãn cho giá trị kinh tế cao nhất trong các loại hoa. Mùa hoa năm nay, Hồng An đón khoảng 25 người nuôi ong với trên 3.000 thùng ong về lấy mật.

Hơn 7 năm gắn bó với nghề nuôi ong là từng ấy thời gian anh Nguyễn Văn Triều, tỉnh Đắk Lắk rong ruổi, mải miết với đàn ong theo những mùa hoa nở. Anh Triều cũng đã nằm lòng những mùa hoa nào cho mật thơm ngon, những mùa hoa nở, những vùng đất nào có thể đến… 

Theo anh Triều, cuộc sống của người làm nghề nuôi ong không khác gì những người du mục. Hoa ở đâu thì người và ong ở đó. Nuôi ong đòi hỏi sự cầu kỳ nếu không cẩn thận, tỉ mỉ ong rất dễ bỏ tổ. Nghề nuôi ong cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu mưa nắng thất thường thì sản lượng mật giảm, thậm chí có những năm còn bị mất mùa. Vì thế năm nào rét quá thì phải ủ ấm, mùa hè nóng bức thì phải tạo cho không gian thoáng mát. Tuy nhiên, vốn đầu tư để nuôi ong mật không quá cao, lại không mất nhiều diện tích đất, nguồn thức ăn chủ yếu sẵn có nên nuôi ong trong điều kiện “mưa thuận, gió hòa” là hướng phát triển kinh tế thiết thực và hiệu quả.

Cẩn thận nhấc một cầu ong lên kiểm tra, anh Triều chia sẻ: Ong ngoại có khả năng khai thác mật cao hơn hẳn ong nội, tuy nhiên đòi hỏi người nuôi phải liên tục di chuyển đàn ong theo mùa hoa. Đây là mùa hoa thứ hai tôi đưa ong về Hồng An khai thác mật, với 600 thùng, tôi đặt ở nhiều vườn khác nhau để thu được lượng mật tối đa. Với kinh nghiệm nuôi ong lấy mật nhiều năm lại di chuyển qua nhiều vùng, tôi thấy hoa nhãn cho mật màu vàng óng, dẻo quánh, không ngọt gắt như các loại mật khác. Mật ong hoa nhãn cũng không bị ngả màu, đóng đường, đặc biệt, chất lượng cũng tốt hơn nhiều so với mật từ hoa khác.

Năm nay, thời tiết thuận lợi, nhãn sai hoa, người nuôi ong thu được mật nhiều hơn.

Cũng như anh Triều, anh Hà Văn Huy đã bỏ vụ hoa cà phê tại Đắk Lắk đưa ong về Hồng An khai thác mật hoa nhãn bởi giá trị kinh tế cao hơn hẳn. Anh Huy cho biết: Tùy theo từng thời điểm, tuổi ong mà thời gian khai thác mật ong thay đổi. Trời nắng nhiều thì khoảng 7 ngày có thể thu hoạch, mưa nhiều thì thời gian được quay mật sẽ lâu hơn. Sau khi ong lấy mật về luyện chín (đủ để thu hoạch, mật không non) và sáp phủ kín khoảng 2/3 cầu (khay), người nuôi xông khói để đuổi ong đi và lấy cầu ong đưa ra thùng để quay mật. Năm nay, thời tiết thuận lợi, nhãn rất sai hoa. Dự kiến, lượng mật thu được gấp đôi mua hoa năm ngoái. Mùa hoa chỉ kéo dài hơn một tháng nhưng dự kiến, tôi thu khoảng 4 tấn mật ong nhãn tại Hồng An. Nghề nuôi ong di cư không cơ cực, chỉ vất vả lúc di chuyển đàn ong. Đến với Hồng An, chúng tôi cảm nhận được sự chất phác, nồng hậu của người dân nơi đây. Không chỉ cho chúng tôi đặt thùng ong miễn phí, người dân còn hỗ trợ, tạo điều kiện về nơi ăn nghỉ, an ninh trật tự được bảo đảm khiến chúng tôi cảm thấy gần gũi như đang ở nhà mình.

Ông Lê Nguyên Tân, thôn Việt Thắng, xã Hồng An cho biết: Cứ đến mùa hoa nhãn, nhiều người nuôi ong từ các tỉnh đưa ong về lấy mật. Như mối quan hệ cộng sinh, vườn nhãn cho ong mật ngọt và những con ong chăm chỉ hút mật, thụ phấn để giúp cây đơm hoa, kết trái thuận lợi, tăng năng suất quả. Với trên 2.000m2 trồng nhãn, gia đình tôi luôn chào đón, tạo điều kiện cho họ đặt đàn ong tại vườn.

Không chỉ những người nuôi ong di cư, ngay tại Hồng An, nghề nuôi ong lấy mật được người dân phát triển từ khá lâu. Tuy nhiên, do không có điều kiện di cư theo mùa hoa, người dân địa phương chủ yếu nuôi ong nội, thu hoạch mật từ nhãn, táo. Hết vụ hoa, người dân bổ sung thức ăn cho ong bằng nước đường. Bởi vậy, số lượng hộ nuôi không nhiều và chỉ dừng ở quy mô nhỏ lẻ.

Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh có khoảng trên 8.000 đàn ong (tính cả đàn ong của người dân trong tỉnh và số lượng đàn ong hàng năm từ các địa phương khác gửi đến vào mùa hoa), chủ yếu tập trung tại các huyện: Thái Thụy, Tiền Hải và Hưng Hà. Thái Bình có thành phần cây nguồn mật, phấn khá đa dạng, với diện tích rừng ngập mặn khoảng 4.000ha (sú, vẹt, trang) mùa hoa nở khoảng tháng 4 đến tháng 8; mùa hoa nhãn, hoa vải từ tháng 2 đến tháng 3. Ngoài ra, còn có các loại cây lương thực là nguồn cung cấp phấn hoa như lúa, ngô, khoai lang và nhiều cây trồng đa dạng khác có tiềm năng nhân rộng và phát triển nghề nuôi ong.

Ngân Huyền