Thứ 5, 16/01/2025, 01:06[GMT+7]

Cần giải pháp xử lý triệt để rác thải sinh hoạt

Thứ 3, 11/04/2023 | 08:16:23
9,176 lượt xem
Rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn đang trở thành vấn đề rất được quan tâm khi phát sinh ngày càng nhiều, sẽ quá tải, ảnh hưởng tới môi trường và cuộc sống người dân nếu không có biện pháp xử lý triệt để.

Lò đốt rác thị trấn Kiến Xương sau gần 10 năm vận hành đã xuống cấp, thường xuyên hư hỏng.

Tại Thái Bình, lượng rác thải sinh hoạt (RTSH) tăng với tốc độ ước tính 5 - 8% mỗi năm (hiện nay khoảng trên 1.000 tấn/ngày đêm); mặc dù đã được thu gom, xử lý (chủ yếu bằng phương pháp đốt hoặc chôn lấp) nhưng vẫn tiềm ẩn mối nguy lớn ảnh hưởng tới môi trường và cuộc sống của người dân.

Đến nay, 100% địa phương trong tỉnh đã thành lập tổ, đội thu gom RTSH. RTSH được các hộ dân tập kết tại điểm tập kết chung, thường là ở ven đường; 2 - 3 lần/tuần, các tổ, đội tổ chức thu gom bằng xe đẩy tay, xe lôi, xe gắn máy, một số ít xã có ô tô chuyên dùng vận chuyển về khu xử lý. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đạt trên 93%. Phương pháp xử lý phổ biến là đốt hoặc chôn lấp. Tuy nhiên, sau thời gian dài sử dụng, nhiều lò đốt RTSH đã xuống cấp, hư hỏng, chưa được nâng cấp, tu sửa nên RTSH không được phân loại để đốt mà đổ thành đống, gây ô nhiễm môi trường.

Lò đốt RTSH xã Xuân Hòa (Vũ Thư) đi vào hoạt động từ tháng 6/2016, xử lý rác thải cho 3 xã: Xuân Hòa, Hiệp Hòa, Việt Hùng nhưng đã dừng hoạt động từ năm 2021. Hiện RTSH của địa phương nào chôn lấp tại địa phương đó. 

Ông Phạm Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: Sau khi lò đốt dừng hoạt động, việc xử lý RTSH tại địa phương gặp nhiều khó khăn, môi trường xung quanh bị ô nhiễm. Chúng tôi rất mong sớm có khu xử lý rác tập trung quy mô, công nghệ hiện đại để giải quyết triệt để bài toán rác thải nông thôn.

Bà Hoàng Thị Nhung, xã Xuân Hòa chia sẻ: Cùng với sự phát triển của xã hội, đời sống người dân được nâng lên nhưng đi kèm với đó cũng phát sinh một số vấn đề, trong đó có RTSH ngày càng nhiều, nguy cơ cao ảnh hưởng tới môi trường. Tôi mong nhà nước quan tâm đầu tư khu xử lý RTSH tập trung, hiện đại như nhiều tỉnh, thành phố đã làm, giúp người dân có môi trường sống tốt hơn.

Theo ông Hoàng Văn Đạo, Chủ tịch UBND xã Tân Lễ (Hưng Hà), mặc dù ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường ngày càng được nâng lên, RTSH không còn bị vứt bừa bãi ra đường, xuống sông nhưng việc xử lý rác thải chưa được triệt để. Xã Tân Lễ đã quy hoạch khu chôn lấp RTSH tập trung với diện tích 1ha, đến nay đã lấp đầy 2/3 diện tích, dự kiến đến năm 2025 sẽ đầy. Khi đó bài toán xử lý rác thải sẽ rất khó nếu không sớm có giải pháp.

Còn theo ông Nguyễn Văn Linh, tổ thu gom RTSH thị trấn Kiến Xương, RTSH thải ra ngày càng nhiều, trong khi lò đốt rác của thị trấn sau gần 10 năm vận hành đã xuống cấp, thường xuyên hư hỏng nên công suất đốt chỉ đáp ứng 50% lượng RTSH, số còn lại được chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Rác thải sinh hoạt nông thôn không được xử lý triệt để vừa mất mỹ quan vừa gây ô nhiễm môi trường.  Ảnh tư liệu

Để xử lý triệt để RTSH khu vực nông thôn, tỉnh Thái Bình đã thống nhất chủ trương quy hoạch, đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung theo công nghệ đốt rác phát điện là công nghệ tiên tiến, an toàn và mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội. 

Ông Hoàng Văn Ngoạn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện nay, phương pháp xử lý RTSH chủ yếu ở tỉnh ta là đốt thủ công kết hợp chôn lấp, phương pháp này không triệt để dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường nước và môi trường đất. Vì vậy, rất cần thiết phải áp dụng công nghệ xử lý rác thải tiên tiến để giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường. Chủ trương quy hoạch, đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung theo công nghệ đốt rác phát điện sẽ mang lại nhiều lợi ích, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở, ngành tích cực tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung. Đồng thời, tích cực vào cuộc tuyên truyền về tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ xử lý rác thải tiên tiến, an toàn, nhiều lợi ích, vừa xử lý triệt để RTSH vừa không gây ảnh hưởng đến môi trường, qua đó tạo sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình thực hiện dự án. Sở cũng đã tổ chức đoàn khảo sát, trao đổi kinh nghiệm xây dựng khu xử lý RTSH tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và huyện Lương Tài (Bắc Ninh).

Để môi trường sống thực sự xanh, sạch, đẹp cần sự chung tay của mỗi người trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành việc thu gom, phân loại rác thải tại nguồn và xử lý bằng công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đồng thời có chủ trương khuyến khích xã hội hóa, có cơ chế đặc thù huy động các nguồn lực đầu tư cho việc thu gom và xử lý RTSH.

Rác thải sinh hoạt được phơi trước khi đưa vào lò đốt.


Đức Dũng