Hiện thực hóa giấc mơ đại điền
Điểm sáng nông nghiệp đại điền
Thực hiện chủ trương tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ; đặc biệt, trong năm 2021 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 40 và Nghị quyết số 29 nhằm hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm, cơ giới hóa và tích tụ ruộng đất giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, các địa phương chỉ đạo, vận động nông dân cho người khác thuê ruộng được hỗ trợ 1 triệu đồng/ha; người cho thuê ruộng được hỗ trợ 20kg thóc/sào/năm; tổ chức, cá nhân chủ trì liên kết được hỗ trợ 1 triệu đồng/ha; hộ gia đình, cá nhân tham gia liên kết được hỗ trợ 10kg thóc/sào/năm. Sau khi có chính sách mang tính “kích cầu”, diện tích, số hộ tích tụ tăng hơn so với trước.
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020 diện tích tích tụ, tập trung ruộng đất là 4.348ha với trên 600 tổ chức, cá nhân tích tụ từ 2ha, trên 100 tổ chức, cá nhân tích tụ từ 5ha trở lên và có khoảng 50 tổ chức, cá nhân tích tụ từ 10ha trở lên. Chỉ trong vòng 3 năm, con số (cả diện tích và số hộ tham gia) tích tụ ruộng đất đã tăng lên đáng kể. Hiện có hơn 1.700 hộ dân tích tụ ruộng đất để sản xuất với tổng diện tích gần 6.000ha. Trong đó, hộ tích tụ từ 5ha có 140 hộ, từ 7ha có 120 hộ.
Mô hình tích tụ ruộng đất trồng hẹ Đài Loan tại xã An Đồng (Quỳnh Phụ) mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần cấy lúa.
Đặc biệt, Câu lạc bộ (CLB) đại điền Thái Bình được hình thành, quy tụ 240 thành viên là những hộ tích từ 5ha trở lên. Bằng cách liên kết, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ máy móc, tiêu thụ sản phẩm, các thành viên CLB từng bước vượt qua khó khăn, thực hiện khát vọng làm giàu từ nông nghiệp.
Bà Trần Thị Lanh, xã Bình Minh (Kiến Xương), Phó Chủ nhiệm CLB cho biết: Ngoài việc duy trì gặp mặt 2 lần/năm, CLB tạo lập nhóm facebook, zalo để kết nối, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. CLB cũng là cầu nối giữa thành viên với các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, doanh nghiệp thu mua lúa gạo, hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Lợi nhuận bình quân của thành viên CLB đạt khoảng 450 triệu đồng/năm, cá biệt có những hộ thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm.
CLB đại điền là tổ chức mới, việc ra đời và hoạt động hiệu quả của CLB thể hiện sự thay đổi trong tư duy từ sản xuất sang làm kinh tế nông nghiệp của nông dân Thái Bình. Trong lần về thăm CLB đại điền Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định: CLB đại điền Thái Bình là cách nghĩ mới. Theo đó, các địa phương cần kiến tạo không gian để người nông dân nuôi dưỡng những ý tưởng, chủ đề, sáng tạo trong nông nghiệp.
Cần có cơ chế, chính sách đặc thù
Là địa phương đi đầu trong phong trào tích tụ, tập trung ruộng đất, huyện Đông Hưng hiện có hơn 500 hộ tích tụ với diện tích khoảng 1.200ha, trong đó 67 hộ tích tụ từ 5ha trở lên, 17 hộ tích tụ từ 10ha trở lên. Việc tích tụ ruộng đất đã giúp địa phương này sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai.
Ông Vương Đức Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đa số các hộ tích tụ ruộng đất đã đầu tư, ứng dụng máy móc vào sản xuất như máy cấy, máy gặt, máy sấy, máy làm đất, máy phun thuốc bảo vệ thực vật và các hộ này thực sự đã thay đổi cuộc sống của mình bằng chính nghề nông, góp phần giảm diện tích ruộng bỏ hoang trên địa bàn huyện. Nếu như năm 2018, toàn huyện có 400ha diện tích ruộng bỏ hoang thì đến năm 2023 giảm chỉ còn 35ha, chủ yếu ở những vị trí khó canh tác, cạnh khu công nghiệp, chuột bọ phá hại, nước thải ô nhiễm, khu trũng, khó khăn cơ giới hóa. Tuy nhiên, việc tích tụ vẫn mang tính tự phát, không thành vùng nên khó cho công tác quản lý, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa các khâu sản xuất. Những hộ tích tụ thiếu vốn đầu tư sản xuất, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn nhiều hạn chế.
Phun thuốc trừ sâu bằng thiết bị bay không người lái tại Kiến Xương.
Chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, anh Nguyễn Duy Phiên, xã Thanh Tân (Kiến Xương), người đang có diện tích canh tác 50ha cho biết: Khi sản xuất quy mô lớn, chúng tôi phải đầu tư nhiều vốn trang bị máy móc. Tuy nhiên, với thời gian thuê hiện tại (5 năm), chúng tôi không yên tâm đầu tư phát triển sản xuất bởi tâm lý e ngại người dân có thể đòi lại ruộng bất cứ lúc nào. Cần phải có cơ chế, chính sách bảo đảm cho việc tích tụ ruộng đất lâu dài. Ngoài ra, cần tính đến việc quy hoạch lại đồng ruộng để người nông dân có thể canh tác thuận lợi trên vùng tập trung từ những diện tích người dân không có nhu cầu sản xuất.
Tích tụ ruộng đất được coi là bước thứ hai sau dồn điền đổi thửa nhằm thu hút các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vốn, đưa máy móc, thiết bị hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo điều kiện để thực hiện thành công đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, thực tiễn tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp của tỉnh còn gặp không ít khó khăn: Ruộng đất manh mún; còn có tâm lý giữ ruộng hoặc phá vỡ hợp đồng thuê, mượn ruộng ở một bộ phận nông dân; các HTX, doanh nghiệp thiếu sự liên kết với các hộ nông dân một cách bền vững để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị bền vững và hiệu quả. Các hộ sản xuất trồng trọt quy mô lớn về cơ bản vẫn thiếu kiến thức tổ chức sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bảo đảm an toàn, việc sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết, khí hậu, dịch bệnh, vì vậy đầu tư vào nông nghiệp thường có rủi ro lớn, cùng với đó là thời gian thu hồi vốn khá dài. Phần lớn diện tích đất thuê để sản xuất ở vùng đất xấu, trũng, xa khu dân cư, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất và năng suất, chất lượng sản phẩm.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa tiến trình tích tụ ruộng đất, thúc đẩy sản xuất lớn phát triển, thời gian tới, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương rà soát và thực hiện việc quy hoạch các vùng: Vùng sản xuất bảo đảm điều kiện thuận lợi nhất để ưu tiên cho nông dân sản xuất theo nông hộ, trong cánh đồng mẫu lớn, có sự hỗ trợ và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn; vùng sản xuất hàng hóa dành cho những nông dân có khả năng về vốn, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất, có khát vọng vươn lên làm giàu, tổ chức sản xuất trang trại với quy mô từ 2ha trở lên; vùng sản xuất hàng hóa liên thôn, liên xã, liên huyện thu hút các doanh nghiệp vào thuê đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc nhận góp cổ phần bằng đất, để tổ chức sản xuất quy mô lớn, mức độ tập trung cao, theo phương thức công nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ cao, làm đầu tàu dẫn dắt trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Ngân Huyền
Tin cùng chuyên mục
- Chợ dân sinh - sinh kế của người dânKỳ 1: Chợ - không chỉ là nơi buôn bán 25.11.2024 | 09:39 AM
- Phân loại rác thải tại nguồn: Khó trước mắt - lợi lâu dàiKỳ II: Còn nhiều lúng túng, bất cập 22.11.2024 | 08:43 AM
- Không cho đất nghỉ 07.11.2024 | 09:00 AM
- Xã Vũ Vân khẩn trương ứng phó với lũ dâng gây ngập lụt 11.09.2024 | 19:36 PM
- Tăng cường tuần tra, canh gác bảo vệ đê 08.08.2024 | 21:03 PM
- Nhân dân Thái Bình tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 25.07.2024 | 15:11 PM
- Chạy đua cùng thời vụ 10.07.2024 | 08:47 AM
- Hãy đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thôngKỳ 1: Một bộ phận người dân lơ là đội mũ bảo hiểm 27.05.2024 | 10:34 AM
- Limousine X.E Việt Nam Thái Bình vẫn ngang nhiên hoạt động tại Vincom Shophouse 08.05.2024 | 15:26 PM
- Nhân dân đồng thuận với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 24.03.2024 | 21:56 PM
Xem tin theo ngày
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Tiếp xúc cử tri tại huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Cử tri quan tâm đến việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực phát triển
- Trên 1,3 triệu đại biểu tham dự hội nghị triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
- Bế mạc kỳ họp thứ tám Quốc hội khoá XV
- Trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIX năm 2024 cho 36 thanh niên xuất sắc tiêu biểu
- Thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kết luận số 21-KL/TW