Thứ 5, 05/12/2024, 09:43[GMT+7]

Rộn ràng mùa gặt

Thứ 3, 06/06/2023 | 20:25:13
5,714 lượt xem
Vụ lúa xuân 2023 đang bước vào thu hoạch rộ trong niềm hân hoan của nông dân khi lúa đạt năng suất cao, được giá. Và quan trọng hơn, kết quả của quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất đang dần thay đổi nếp nghĩ, tập quán canh tác và tư duy sản xuất của nông dân.

Đi giữa mùa vàng

Trong cái nắng oi ả đầu hè, không khí thu hoạch lúa xuân vẫn tất bật, rộn ràng. Không để lúa chín đợi trên đồng, những chiếc máy gặt miệt mài, khẩn trương chạy từ sáng sớm tới tận tối khuya, từ thửa ruộng này sang mảnh ruộng khác giúp người dân giảm bớt khâu lao động nặng nhọc.

Đã đi qua biết bao mùa lúa chín nhưng với ông Nguyễn Văn Hoạt, xã Liên Giang (Đông Hưng), từ sự thấp thỏm, hồi hộp mong chờ cây lúa phát triển đến niềm hạnh phúc khi nhìn mồ hôi, công sức kết thành bông lúa trĩu nặng trên tay không mùa nào giống mùa nào. Ông Hoạt chia sẻ: Phấn khởi lắm, lúa năm nay ít sâu bệnh hại, giảm hẳn chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật mà năng suất lại cao, ước đạt khoảng 2,3 tạ/sào.

Còn trên cánh đồng xã Phú Lương (Đông Hưng), máy gặt tới đâu, người dân túc trực tới đó chở lúa về. 100% diện tích gặt bằng máy nên dự tính đến ngày 7/6 địa phương này sẽ thu hoạch xong. Điều đáng mừng nhất là tất cả các giống lúa năng suất đều duy trì ở mức cao. Năm nay, một số đơn vị về tận ruộng thu mua thóc tươi, gặt đến đâu cân luôn đến đó, rất thuận lợi, bà con ai nấy đều phấn khởi. 

Ông Nguyễn Xuân Dũng, xã Phú Lương (Đông Hưng) cho biết: Vụ này, tôi cấy 8 mẫu ruộng, đến nay đã thu hoạch được trên 5 mẫu. Lúa thu hoạch đến đâu bán tươi tại ruộng đến đó, không mất công phơi phóng, giá thu mua cũng cao hơn năm ngoái nên chúng tôi rất phấn khởi.

Nông dân huyện Đông Hưng thu hoạch lúa xuân.

Vụ xuân năm 2023, toàn tỉnh gieo cấy 75.019ha lúa. Đến ngày 3/6, toàn tỉnh đã thu hoạch được trên 20.000ha. Qua kiểm tra thực tế và đánh giá của các địa phương cho thấy, vụ xuân năm nay được mùa ở cả 2 trà xuân sớm và đại trà, năng suất ước tính tương đương hoặc cao hơn vụ xuân năm 2022. Có được thắng lợi này, ngoài yếu tố thời tiết thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng, phát triển còn là kết quả của việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác sản xuất. Đặc biệt, có sự chỉ đạo tập trung, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở trong thực hiện kế hoạch sản xuất, nhất là lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa, các biện pháp kỹ thuật ứng phó với biến động của thiên tai, dịch hại.

Thắng lợi toàn diện

Theo nhận định của ngành nông nghiệp, thắng lợi của vụ xuân năm nay không chỉ thể hiện ở năng suất mà còn ở nội tại quá trình sản xuất. Cụ thể, vụ xuân năm 2023 ghi nhận sự gia tăng đáng kể của diện tích lúa chất lượng cao theo hướng sản xuất gắn với liên kết, sản xuất theo hướng hữu cơ với trên 40.400ha (chiếm trên 53% tổng diện tích gieo cấy). 

Từ thành công của các mô hình sản xuất nông nghiệp, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, vụ xuân năm nay, ngành nông nghiệp tiếp tục xây dựng 2 mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại huyện Thái Thụy, Vũ Thư. Phong trào xóa bỏ bờ ngăn, từng bước bỏ bờ thửa được khuyến khích nhân rộng, qua đó tăng quy mô đồng ruộng, tiết kiệm đất, thuận lợi áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, thực hiện gieo cấy cùng một loại giống. Toàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp liên kết sản xuất tiêu thụ lúa với 115 HTX, hộ sản xuất với tổng diện tích gần 10.000ha, trong đó liên kết sản xuất lúa giống 3.000ha ở 25 xã, lúa thương phẩm trên 6.000ha ở 100 xã.

Đặc biệt, nhờ chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất, máy cấy theo Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 và Nghị quyết số 40/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh, nhiều HTX, hộ sản xuất đã mạnh dạn đăng ký áp dụng và mở rộng diện tích cấy bằng máy, đưa tỷ lệ lúa cấy bằng máy lên 18.500ha, vượt kế hoạch (15.000ha), qua đó giúp giảm đáng kể việc sử dụng thuốc trừ cỏ, giảm chi phí trong sản xuất; góp phần giải quyết áp lực lao động mùa vụ, giảm thiểu sự lây lan của lúa cỏ, nâng cao năng suất, chất lượng lúa.

Trên cánh đồng xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ), cây lúa được cấy bằng máy đều tăm tắp dệt nên tấm thảm vàng óng khổng lồ. Đây là địa phương có diện tích cấy bằng máy nhiều nhất của huyện Quỳnh Phụ với 190/268ha lúa cấy bằng máy. 

Ông Phạm Ngọc Sơn, nông dân xã Quỳnh Thọ cho biết: Sau một vài vụ cấy, bà con đánh giá cấy máy rất hiệu quả, không chỉ bảo đảm tiến độ thời vụ, lúa cấy bằng máy cây đẻ khỏe, năng suất cao hơn cấy tay từ 10 - 15%. Do cấy với mật độ phù hợp nên tỷ lệ sâu bệnh hại cũng ít hơn. 

Ông Nguyễn Văn Phát, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ cho biết: Vụ xuân này huyện Quỳnh Phụ gieo cấy trên 11.000ha lúa. Trong đó, cơ cấu giống lúa thuần chất lượng chiếm 40 - 50% diện tích, còn lại là lúa thuần và lúa lai có năng suất cao. Năm nay, với cơ chế hỗ trợ của tỉnh nên số lượng máy cấy trên địa bàn huyện tăng đáng kể với 180 máy cấy cỡ lớn, tăng 70 máy so với năm ngoái. Các địa phương hình thành các tổ dịch vụ đảm nhận cấy trọn gói cho nông dân với chi phí 250.000 đồng/sào, nhờ đó diện tích cấy bằng máy đạt trên 3.800ha, rút ngắn thời vụ gieo cấy, góp phần tạo nên thắng lợi cả về năng suất, sản lượng lúa xuân.

Ngành chuyên môn khuyến cáo

Những ngày qua, do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao nên lúa xuân chín nhanh hơn so với bình thường. Để đạt được mục tiêu sản xuất vụ xuân, bảo đảm năng suất, chất lượng lúa trước những diễn biến bất thường của thời tiết và chủ động các điều kiện tốt nhất cho sản xuất vụ mùa, vụ đông, ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương đánh giá, phân loại mức độ chín của các vùng sản xuất lúa, có kế hoạch phân bổ hợp lý máy gặt, nguồn nhân lực để thu hoạch gọn từng vùng theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, thu hoạch đến đâu làm đất ngay đến đó. Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân không đốt rơm rạ, triển khai vệ sinh đồng ruộng, cày vùi rơm rạ sớm kết hợp xử lý bằng các chế phẩm sinh học, vôi bột, phân bón hữu cơ để phân hủy nhanh rơm rạ, hạn chế ngộ độc hữu cơ đầu vụ và nguồn sâu bệnh lây lan cho vụ mùa, tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Tại các vùng bị nhiễm lúa cỏ, triển khai thu gom, tiêu hủy lúa cỏ tránh lây lan, tích luỹ mật độ gây hại cho vụ sau. Tiếp tục đẩy mạnh quy vùng sản xuất lúa hàng hóa; phá bỏ bờ ngăn, mở rộng vùng sản xuất cấy cùng một giống, cùng quy trình canh tác. Rà soát kế hoạch sản xuất để chủ động chuẩn bị đầy đủ vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, máy nông nghiệp...); xây dựng các phương án phòng, chống úng, lụt trong vụ mùa.

Đẩy mạnh cơ giới hóa thu hoạch lúa

Những năm gần đây huyện Tiền Hải đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã giúp nông dân chủ động được thời gian, tăng hiệu quả sản xuất. Đây cũng là một trong những giải pháp hướng đến mục tiêu hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Lê Duy Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Lăng cho biết: Điều đáng ghi nhận trong việc thu hoạch lúa xuân năm nay của xã là phần lớn diện tích đều được thực hiện bằng máy gặt, do đó không chỉ giúp khắc phục được tình trạng thiếu lao động mà còn giảm bớt chi phí nhân công và nâng cao chất lượng lúa hàng hóa. Để bảo đảm 300ha lúa xuân của địa phương thu hoạch trong khung thời vụ an toàn, UBND xã đã chỉ đạo HTX tổ chức họp với các chủ máy trong và ngoài xã áp dụng giá gặt lúa không để tăng giá gây bức xúc trong nhân dân. Các máy gặt được phân bổ vùng thu hoạch lúa xuân nên dự kiến trong 9 ngày toàn bộ diện tích lúa xuân của Vũ Lăng được thu hoạch nhanh gọn.

Còn đối với gia đình anh Hoàng Văn Tương, xã Tây Lương, để bảo đảm thu hoạch lúa theo lịch thời vụ, anh đã đầu tư mua máy gặt. Anh Tương cho biết: Trước đây, mỗi khi vào vụ thu hoạch lúa, nông dân chúng tôi không khỏi lo lắng vì lượng máy gặt ít, không bảo đảm theo đúng thời vụ. Xác định trong sản xuất nông nghiệp để mang lại hiệu quả cao, giảm chi phí khi canh tác trên diện tích lớn cần phải đầu tư máy móc phục vụ sản xuất nên tôi đã mua máy gặt, trước tiên là thu hoạch lúa của gia đình và gặt thuê cho bà con trong xã.

Nông dân xã Đông Quý (Tiền Hải) thu hoạch lúa xuân.

Vụ xuân năm nay huyện Tiền Hải gieo cấy 9.840ha. Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa xuân trên địa bàn huyện đã bắt đầu chín và chín rộ. Trước thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu lao động trực tiếp trong sản xuất nông nghiệp do một bộ phận nông dân trong độ tuổi lao động phải thường xuyên đi làm ăn xa, hoặc chuyển đổi ngành nghề vào làm tại các khu, cụm công nghiệp, do đó việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở Tiền Hải những năm qua không chỉ là lời giải về thiếu lao động mà còn giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp. 

Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Ngoài khu công nghiệp Tiền Hải, trên địa bàn huyện còn có 5 cụm công nghiệp thu hút khoảng trên 20.000 lao động. Do đó, những năm gần đây, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở các địa phương rất thiếu lao động, đặc biệt trong khâu thu hoạch. Nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa, tỉnh đã có chính sách khuyến khích nông dân mua máy gặt. Nhờ vậy, việc cơ giới hóa nông nghiệp tại Tiền Hải phát triển nhanh. Năm 2019, toàn huyện mới có 150 máy gặt đập liên hợp, đến vụ xuân năm nay theo thống kê đã có 210 máy gặt đập liên hợp. Để bảo đảm thời vụ trong sản xuất nông nghiệp, nhất là thời điểm hiện nay đang tập trung thu hoạch lúa xuân, huyện triển khai tuyên truyền đến các địa phương tổ chức thống nhất với các chủ máy gặt, phân bổ vùng thu hoạch cho từng máy gặt, thống nhất mức giá chung. Khuyến khích các hộ nông dân mua máy gặt để sản xuất. Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa không những cho thấy hiệu quả rõ rệt, như giảm tổn thất, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, giảm hẳn giá dịch vụ so với gặt thủ công mà còn khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động.

Tiền Hải đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa.

Lưu Ngần - Mạnh Thắng