Thứ 6, 15/11/2024, 14:25[GMT+7]

Gỡ “nút thắt” hạ tầng lưới điện tại các dự án giao thông Kỳ 2: Lời giải nào cho bài toán “đường - điện”

Thứ 4, 21/06/2023 | 08:16:19
8,372 lượt xem
Để hoàn thành được mục tiêu đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế vùng duyên hải Bắc Bộ theo 3 đột phá phát triển của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, tỉnh đang quyết tâm tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về GPMB để đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân các dự án giao thông trên toàn tỉnh. Một trong những nút thắt, điểm nghẽn đó chính là hạ tầng lưới điện tại các dự án.

Tuyến đường ĐH.90 xã Thụy Việt – Thụy Hưng (Thái Thụy) còn vướng mắc nhiều cột điện chưa dịch chuyển.

Chỉ đạo quyết liệt của tỉnh

Trong nhiều lần đi kiểm tra tiến độ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt bằng cho các dự án giao thông, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã không ít lần yêu cầu ngành điện phối hợp với đơn vị thi công và chính quyền địa phương khẩn trương di dời các cột điện ra khỏi phạm vi của các dự án, song việc di dời rất chậm, khiến một số dự án chưa thể hoàn thành theo kế hoạch. 

Mới đây nhất, trong lần kiểm tra, chỉ đạo công tác GPMB tại tuyến đường tỉnh ĐT.454, đoạn từ thành phố Thái Bình đến cầu Sa Cao ngày 10/5/2023, đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo tại công trường và sau đó UBND tỉnh đã có Công văn số 1520/UBND-CTXDGT ngày 16/5/2023 về việc đẩy nhanh tiến độ GPMB phục vụ thi công dự án tuyến đường tỉnh ĐT.454, đoạn từ thành phố Thái Bình đến cầu Sa Cao. Trong đó, yêu cầu Công ty Điện lực Thái Bình có trách nhiệm khẩn trương di chuyển toàn bộ hệ thống đường điện ra khỏi phạm vi thi công dự án, hoàn thành trong tháng 5/2023; trường hợp khó khăn, vướng mắc khi thực hiện phê duyệt phương án di chuyển thì Công ty Điện lực Thái Bình đề xuất với UBND huyện, thành phố xem xét để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật, bảo đảm việc di chuyển các công trình đường điện.

Quá thời hạn chỉ đạo của tỉnh, ngành điện nói gì?

Trong Công văn số 1520/UBND-CTXDGT ngày 16/5/2023, UBND tỉnh yêu cầu Công ty Điện lực Thái Bình phải hoàn thành di chuyển toàn bộ hệ thống đường điện ra khỏi phạm vi thi công dự án trong tháng 5/2023. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc triển khai vẫn “dậm chân tại chỗ”. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thái Bình cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Công ty Điện lực Thái Bình đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát và lập khái toán khối lượng đường dây, trạm biến áp còn lại cần phải dịch chuyển. Tuy nhiên, do khối lượng dịch chuyển nhiều và không nằm trong hạng mục đầu tư của Tổng công ty Điện lực miền Bắc nên việc đơn vị bố trí nguồn vốn để thực hiện gặp nhiều khó khăn và rất khó thực hiện. Mặt khác, các công trình hạ tầng kỹ thuật đường điện trung, hạ áp, trạm biến áp nằm cạnh tuyến đường tỉnh ĐT.454, đoạn từ thành phố Thái Bình đến cầu Sa Cao đều được xây dựng từ trước năm 1995 do địa phương tự đầu tư xây dựng và bàn giao cho Công ty Điện lực Thái Bình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của UBND tỉnh trên cơ sở tự nguyện bàn giao của các địa phương, với hình thức giao nhận là “hoàn trả hoặc không hoàn trả giá trị còn lại của tài sản bàn giao”, do đó không đủ điều kiện, hồ sơ để thực hiện đền bù theo hướng dẫn của UBND tỉnh tại Văn bản số 2788/UBND-CTXDGT ngày 6/7/2021, vì vậy đến thời điểm hiện tại việc triển khai di dời hạ tầng lưới điện gặp nhiều khó khăn và kéo dài thời gian.

Lời giải nào cho bài toán “đường - điện”

Sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Quản lý dự án, ngành điện và các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã họp bàn giải quyết vướng mắc về di dời cột điện tại dự án đường tỉnh ĐT.454, đoạn từ thành phố Thái Bình đến cầu Sa Cao. Tuy nhiên, vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, do đó bài toán “đường - điện” tại dự án này vẫn chưa có lời giải. Ngành điện vẫn đề nghị các sở, ban, ngành nghiên cứu, báo cáo tỉnh cho phép đưa hạng mục nêu trên vào phương án hỗ trợ kinh phí GPMB của dự án và cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong quá trình khảo sát, lập phương án dịch chuyển đường điện. Trong khi các sở, ban, ngành vẫn yêu cầu thực hiện theo đúng hướng dẫn của UBND tỉnh tại Văn bản số 2788/UBND-CTXDGT, ngày 6/7/2021. Và đây cũng vẫn đang là “nút thắt” chung của việc di dời hạ tầng lưới điện tại các dự án giao thông đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

Việc chậm di dời các cột điện ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, hiệu quả vốn đầu tư các dự án. Do đó, để bảo đảm tiến độ thi công các công trình theo đúng kế hoạch, cũng như bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông khi di chuyển qua các công trình, dự án đang được thi công... các sở, ngành, chính quyền địa phương và đặc biệt là ngành điện cần chủ động, tích cực hơn nữa, sớm tham mưu cho tỉnh các phương án phù hợp nhất theo quy định của pháp luật, bảo đảm trách nhiệm, quyền lợi của các bên liên quan cũng như bảo đảm tiến độ việc di dời các cột điện còn vướng mắc trên các dự án giao thông. Ngoài ra, khi chưa thực hiện được việc di dời, chủ đầu tư cần chỉ đạo đơn vị thi công có phương án bố trí biển báo tạm thời và hệ thống đèn chiếu sáng phù hợp vào ban đêm tại các điểm có cột điện chưa di dời được để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Tuyến đường Lê Đại Hành đoạn từ đường Lê Quý Đôn đến đường Lý Bôn cũng vướng mắc một số cột điện.

Nguyễn Thơi

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày