Chất thải rắn sinh hoạt: Cần giải pháp xử lý bền vững Kỳ 2: Khi các bãi rác quá tải
Bãi rác quá tải
Bãi chứa chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) xã Vũ Hội (Vũ Thư) đang tồn đọng hàng nghìn tấn rác chưa được xử lý khiến người dân sống xung quanh lo lắng về vấn đề môi trường. Cuối năm 2014, từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường của tỉnh, huyện, xã Vũ Hội tiếp nhận lò đốt rác thải công suất 5 tấn/ngày. Do công suất của lò đốt nhỏ, lượng rác phát sinh ngày càng tăng nên rác tại đây luôn trong tình trạng ứ đọng, chồng chất ngày này qua ngày khác. Từ tháng 4/2018, lò đốt hư hỏng nặng, dừng hoạt động, tất cả CTRSH tuy vẫn được vận chuyển về khu xử lý nhưng không được đốt nên chất cao như núi.
Ông Trần Văn Hạnh, một người dân địa phương bức xúc: Bãi rác nằm ngay sát đường giao thông, gần khu dân cư, trường mầm non nên ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Nhiều năm nay, chúng tôi đã kiến nghị và chỉ có một nguyện vọng là bãi rác cần phải được chuyển đi nơi khác, quy hoạch cách xa khu dân cư nhưng chưa được thực hiện. 10 năm nay, người dân hàng ngày, hàng giờ phải hít thở không khí ô nhiễm, nhất là sau những ngày mưa to nắng lên thì mùi càng nồng nặc.
Bà Phạm Thị Hoa, thôn Năng An, xã Vũ Hội cho biết: Trong các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp, đông đảo người dân đã kiến nghị lên cơ quan chức năng về việc ô nhiễm môi trường từ bãi rác. Thế nhưng, thời gian cứ trôi, bãi rác vẫn tồn tại và ngày càng phình to. Rác tràn ra đường đi của người dân, rác xâm lấn cả ruộng đồng. Tuổi tôi đã cao, sức khỏe giảm sút, nay còn phải sống chung với ô nhiễm từ bãi rác. Nhưng thương nhất là trẻ nhỏ vì chúng đang tuổi ăn học và không biết đến khi nào không khí mới trong lành trở lại.
Gần hai năm qua, nhiều hộ dân thôn Nguyên Kinh 2, xã Minh Quang (Kiến Xương) phải hứng chịu cảnh ô nhiễm môi trường trầm trọng từ bãi rác xã Minh Tân.
Bà Đào Thị Hạnh, thôn Nguyên Kinh 2 bức xúc: Bãi rác xã Minh Tân chỉ cách khu vực nhà tôi hơn 100m. Rác để lộ thiên, mùi hôi lan tỏa trên diện rộng, các gia đình trong phạm vi bán kính 100 - 200m đều bị ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, gây tâm lý lo lắng bởi sự đe dọa của nhiều loại bệnh.
Còn bà Hoàng Thị Huế, thị trấn Hưng Hà (Hưng Hà) cũng rất lo lắng khi bãi rác của thị trấn xử lý CTRSH bằng phương pháp đốt cho thị trấn Hưng Hà và xã Tân Tiến đã dừng hoạt động. Rác thải đổ lộ thiên, ngày một nhiều, gây ô nhiễm môi trường trong khi chính quyền địa phương chưa có giải pháp triệt để nên người dân phải sống chung với rác.
Bao giờ hết ô nhiễm?
Những bãi rác đang quá tải và gây ô nhiễm môi trường nêu trên chỉ là những ví dụ điển hình trong rất nhiều bãi rác thải trên địa bàn tỉnh. Trung bình mỗi xã, thị trấn trong tỉnh đều có khu xử lý CTRSH bằn phương pháp đốt hoặc chôn lấp. Tuy nhiên, những năm gần đây, lượng CTRSH tồn đọng tại các địa phương tăng đột biến.
Ông Mai Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Vũ Hội (Vũ Thư) cho biết: Việc ùn ứ rác ở bãi rác của địa phương diễn ra nhiều năm nay. Để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường từ bãi rác, xã đã có kế hoạch di dời bãi rác ra khu vực khác, nằm cách xa khu dân cư nhưng giải pháp này không khả thi do người dân chưa đồng thuận. Vì vậy, địa phương vừa ký hợp đồng với một đơn vị thí điểm xử lý CTRSH theo hình thức phân loại, tái chế thành hạt nhựa và phân bón. Trước mắt, UBND xã yêu cầu đội thu gom rác thường xuyên phun khử mùi, dọn vệ sinh, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.
Xã Vũ Lễ là một trong những địa phương của huyện Kiến Xương vẫn xử lý CTRSH bằng phương pháp chôn lấp. Toàn xã có 5 thôn, hơn 7.000 nhân khẩu, cả 5 thôn đều có một bãi rác lộ thiên.
Ông Chu Ngọc Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Việc thu gom và đốt rác tại bãi rác, UBND xã giao chi ủy thôn quản lý và điều hành, rác của thôn nào chôn lấp tại bãi rác của thôn đó. Địa phương đã chủ động thuê máy xúc và huy động lực lượng thu gom, trám lấp khi rác ùn ứ nhưng sau gần 10 năm các bãi rác đều quá tải. Mọi giải pháp xử lý hiện tại chỉ là tình thế, tạm thời nên gây ô nhiễm môi trường. Do đó, địa phương rất mong tỉnh, huyện sớm quy hoạch khu xử lý tập trung, công nghệ cao để xử lý triệt để CTRSH trên địa bàn toàn tỉnh.
Công nhân phun thuốc khử mùi tại khu xử lý CTRSH thị trấn Kiến Xương.
Xã Vũ Thắng (Kiến Xương) có 8 thôn với 5.200 nhân khẩu, ước tính mỗi ngày có khoảng 3 tấn CTRSH thải ra môi trường. Năm 2016, xã đầu tư xây dựng khu xử lý CTRSH theo công nghệ lò đốt với diện tích 4.500m2, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, quy mô lò đốt chỉ phù hợp với thời điểm cách đây 6 - 7 năm khi lượng CTRSH sinh ít. Hơn nữa, sau một thời gian dài hoạt động, lò đốt rác đã xuống cấp, thường xuyên hư hỏng nên không xử lý triệt để được lượng CTRSH phát sinh trong ngày, lượng rác đốt chỉ đạt khoảng 20 - 30%, còn lại rác được đổ lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường.
Ông Đặng Xuân Thường, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm gần đây, lò đốt xuống cấp nghiêm trọng, kinh phí của địa phương khó khăn. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ và nhân dân đóng góp, mỗi năm xã chi hơn 50 triệu đồng cho công tác xử lý CTRSH. Đây là áp lực cho địa phương cả về ngân sách lẫn bài toán xử lý CTRSH. Rất mong các cơ quan chức năng sớm triển khai đầu tư khu xử lý CTRSH tập trung, công nghệ cao, xử lý triệt để rác thải.
Ông Phạm Hồng Vương, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳnh Phụ Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, rác thải sinh hoạt phát sinh nhiều, thành phần phức tạp. Vì vậy, các khu xử lý CTRSH quy mô nhỏ không còn phù hợp nên việc xử lý rác chưa bảo đảm, gây ô nhiễm không khí, nước ngầm, gây bức xúc trong nhân dân. Chính vì vậy, việc xây dựng khu xử lý rác thải công nghệ cao theo quy mô huyện hoặc liên huyện là rất cần thiết trong thời điểm này để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt. Ông Hoàng Văn Khánh, thôn Tân Ấp, xã Minh Tân, huyện Kiến Xương Từ khi triển khai xây dựng NTM, NTM nâng cao, làng quê ngày càng đổi thay, đường làng ngõ xóm khang trang, sạch đẹp. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường từ các khu xử lý CTRSH ngày một lớn. Nhà tôi cách khu xử lý CTRSH xã Bình Thanh gần 300m. Lò đốt rác của xã đã xuống cấp, rác đốt không triệt để, khói đen tỏa khắp khu vực. Người dân thôn Tân Ấp, xã Minh Tân chúng tôi thường xuyên phải hứng chịu mùi hôi thối từ việc đốt rác của xã Bình Thanh. |
(còn nữa)
Minh Nguyệt
Tin cùng chuyên mục
- Chợ dân sinh - sinh kế của người dânKỳ 1: Chợ - không chỉ là nơi buôn bán 25.11.2024 | 09:39 AM
- Phân loại rác thải tại nguồn: Khó trước mắt - lợi lâu dàiKỳ II: Còn nhiều lúng túng, bất cập 22.11.2024 | 08:43 AM
- Không cho đất nghỉ 07.11.2024 | 09:00 AM
- Xã Vũ Vân khẩn trương ứng phó với lũ dâng gây ngập lụt 11.09.2024 | 19:36 PM
- Tăng cường tuần tra, canh gác bảo vệ đê 08.08.2024 | 21:03 PM
- Nhân dân Thái Bình tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 25.07.2024 | 15:11 PM
- Chạy đua cùng thời vụ 10.07.2024 | 08:47 AM
- Hãy đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thôngKỳ 1: Một bộ phận người dân lơ là đội mũ bảo hiểm 27.05.2024 | 10:34 AM
- Limousine X.E Việt Nam Thái Bình vẫn ngang nhiên hoạt động tại Vincom Shophouse 08.05.2024 | 15:26 PM
- Nhân dân đồng thuận với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 24.03.2024 | 21:56 PM
Xem tin theo ngày
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Tiếp xúc cử tri tại huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Cử tri quan tâm đến việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực phát triển
- Trên 1,3 triệu đại biểu tham dự hội nghị triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
- Bế mạc kỳ họp thứ tám Quốc hội khoá XV
- Trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIX năm 2024 cho 36 thanh niên xuất sắc tiêu biểu
- Thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kết luận số 21-KL/TW