Thứ 4, 15/01/2025, 15:52[GMT+7]

Vũ Vân: Thấp thỏm lo đê mùa bão

Thứ 4, 02/08/2023 | 08:22:09
5,010 lượt xem
Với trên 50% diện tích và dân số nằm ngoài đê quốc gia, hệ thống đê dài và phức tạp, xã Vũ Vân (Vũ Thư) thường xuyên bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề về tài sản do thiên tai, mưa lũ gây ra. Với các tuyến đê bối dân cư, đê bao vùng màu chưa thực sự vững chãi, an toàn, người dân Vũ Vân không tránh khỏi tâm lý lo lắng mỗi mùa mưa bão đến.

Xã Vũ Vân tiến hành tu bổ, gia cố đê bao vùng màu ở các đoạn xung yếu trong mùa mưa bão năm 2023.

Hệ thống đê ở Vũ Vân hiện nay gồm 3 cấp: tuyến đê quốc gia (đê tả Hồng Hà II) có chiều dài 3,5km chạy dọc xã, chia xã làm 2 phần, một phần trong nội đồng và một phần ở vùng bãi; tuyến đê bối dân cư dài 5,3km có nhiệm vụ bảo vệ dân cư vùng bãi; tuyến đê bao bảo vệ đồng màu dài 7,5km. Vào mùa mưa bão năm 2023, trên địa bàn xã còn 1,1km đê quốc gia chưa được nâng cấp, trên 2km đê bối dân cư chưa được cứng hóa mặt đê. Đặc biệt, tuyến đê bao bảo vệ vùng sản xuất hiện có cao trình thấp, chưa bảo đảm, không được tu bổ thường xuyên, nhiều vị trí đê bao như đoạn Đồng Mới, Vĩ Tiêm, Giang Ngạn đã bị sạt lở sát chân đê, đê có nguy cơ lở xuống sông Hồng. Toàn xã có 9 cống qua đê, trong đó một số cống gặp sự cố rò rỉ nước. Khi xuất hiện lũ cao hoặc mưa bão kết hợp nước biển dâng sẽ dễ dàng xảy ra nguy cơ nước tràn qua toàn bộ tuyến đê bao gây ngập úng toàn bộ cánh đồng bãi sản xuất rau màu, chăn nuôi thủy sản có diện tích hơn 115ha của xã và ảnh hưởng đến an toàn của 19 hộ sống ngoài đê bối dân cư.

“Tại vùng bãi, nông dân sản xuất bắp cải và rau màu, năng suất đạt 100 tấn rau/ha/năm, tương đương với giá trị sản xuất trung bình 500 triệu đồng/ha/năm. 70 hộ với 21ha chăn nuôi thủy sản trên vùng bãi có nguồn thu hàng trăm triệu đồng/năm. Vì vậy, nếu xảy ra sự cố thiên tai đối với tuyến đê bao, ngoài ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của 19 hộ dân, thiệt hại tài sản của nhân dân rất lớn. Đơn cử như trận lũ lịch sử giữa tháng 9/2017 làm ngập trắng toàn bộ vùng bãi, toàn xã thiệt hại hơn 10 tỷ đồng, hộ ít thiệt hại vài triệu đồng, hộ nhiều thiệt hại hàng trăm triệu đồng, thậm chí nhiều hộ trắng tay sau lũ” - ông Bùi Ngọc Trường, Giám đốc HTXNN xã Vũ Vân cho biết.

Thôn Thái Sa, xã Vũ Vân hiện có trên 300 hộ với trên 500 nhân khẩu, 100% số hộ sinh sống, sản xuất ở ngoài đê quốc gia. Ông Bùi Đức Hoài, Trưởng thôn Thái Sa cho biết: Thôn có 70ha chuyên sản xuất rau màu, 17 hộ nuôi trồng thủy sản. Năm 2017, bà con đã từng gánh chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ nên đến nay nhân dân có tinh thần cảnh giác rất cao. Trước mùa mưa bão, các hộ đều chủ động kê cao thóc lúa, tài sản; chuẩn bị cuốc, xẻng, bao bì, đất cát... để sẵn sàng ứng cứu, hộ đê khi có tình huống xảy ra. Tuy nhiên, đối với thiên tai không thể nói trước được điều gì nên chúng tôi vẫn rất lo lắng mỗi khi nghe tin mưa bão. Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành quan tâm đầu tư hỗ trợ nâng cấp các tuyến đê trên địa bàn, đặc biệt là tuyến đê bao để chúng tôi yên tâm sinh sống, sản xuất.   

Ông Bùi Đình Bằng, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Vũ Vân cho biết: Do tuyến đê dài, nhiều loại, trong khi nguồn lực đầu tư tu bổ, nâng cấp đê còn hạn chế, những năm gần đây xã thường xảy ra thiệt hại, sự cố đê vào mùa mưa bão. Điển hình như sự cố lũ dâng tràn đê bao tháng 9/2017; sự cố sạt trượt hơn 100m mái kè đê bối dân cư vào tháng 5/2022; sự cố tràn, rò rỉ nước qua đê bao trong đợt lũ kết hợp triều cường dâng vào tháng 6/2022... Khi xảy ra các sự cố trên, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, xã đã khẩn trương huy động nhân lực, phương tiện, vật tư cứu hộ kịp thời, không để xảy ra vỡ đê. Năm 2022, huyện Vũ Thư đầu tư trên 1 tỷ đồng giúp Vũ Vân khắc phục sự cố, tu bổ kè tại đê bối dân cư bị sạt trượt. Hàng năm, huyện và xã dành kinh phí hơn 100 triệu đồng nâng cấp, tu bổ, xử lý sự cố rò rỉ tại các điểm xung yếu của tuyến đê bao, đê bối dân cư. Xã đã chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư như cuốc, xẻng, bao bì, đất, đá, cánh phai thay thế các cống qua đê để sẵn sàng hộ đê khi có sự cố. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là các giải pháp tạm thời, để tuyến đê bối dân cư, đê bao của địa phương bảo đảm an toàn và phát huy tác dụng ngăn lũ hiệu quả cần đầu tư nguồn kinh phí lớn để nâng cấp, tu bổ toàn bộ 2 tuyến đê này. Trong điều kiện kinh phí còn khó khăn, buộc phải làm theo kiểu “chắp vá” thì mỗi mùa mưa bão người dân Vũ Vân vẫn thấp thỏm lo đê vỡ, tràn đê, ngập lụt, thiệt hại tài sản. Xã kiến nghị tỉnh, huyện quan tâm bố trí kinh phí, đầu tư tu bổ, gia cố, nâng cấp hệ thống đê, kè, cống tại Vũ Vân để bảo vệ an toàn đê, từ đó bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân địa phương khi có mưa, bão, lũ xảy ra.

Huyện Vũ Thư tổ chức diễn tập xử lý tình huống sạt trượt kè đê bao tại cống Cù Là, xã Vũ Vân. 

Quỳnh Lưu