Thứ 7, 27/04/2024, 18:06[GMT+7]

Khi nông dân làm du lịch

Thứ 6, 15/09/2023 | 08:55:59
3,672 lượt xem
Du lịch trải nghiệm ở nông thôn đang là hướng đi mới góp phần phát huy lợi thế, giá trị của nông nghiệp, nông thôn và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn đang gặp khó trong quá trình “lấn sân” sang làm du lịch.

Gia đình anh Trịnh Văn Lực, xã Bách Thuận giữ gìn ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi.

Phát huy lợi thế của nông dân trẻ, anh Vũ Thanh Toàn, xã Xuân Hòa (Vũ Thư) đã mạnh dạn học hỏi và đầu tư xây dựng vườn sen Vũ Toàn rộng khoảng 3.000m2 theo hướng du lịch sinh thái. Theo anh Toàn, thời gian đầu triển khai quảng bá thông qua các trang mạng xã hội, vườn sen của anh thu hút khá đông khách trong và ngoài tỉnh tới chụp ảnh, trải nghiệm trồng, hái hoa sen và mua các sản phẩm làm từ sen. Trung bình mỗi tháng vườn sen đón khoảng 200 - 300 khách. Vào mùa hoa sen nở rộ, lượng khách đến vườn tăng gấp 2 - 3 lần. Ngoài thu nhập từ bán sen trong chậu, anh còn thu lãi nhờ bán hoa sen cắm lọ, các loại trà và dịch vụ giải khát. 

Chia sẻ về khó khăn khi “lấn sân” làm du lịch sinh thái, anh Toàn cho biết: Việc phát triển du lịch sinh thái giúp tôi bán thêm được nhiều sản phẩm hơn, doanh thu cao hơn nhiều. Tuy nhiên, lượng khách đến tham quan, trải nghiệm chưa ổn định, các khoản chi phí trả lương công nhân, tu sửa cảnh quan cũng khá tốn kém. Cùng với đó, vườn sen nằm cạnh đường quốc lộ chưa có nhiều dịch vụ nên chưa thu hút được nhiều khách dừng chân. Hiện tại nguồn thu chính của vườn sen chủ yếu đến từ việc bán các loại hoa sen.

Những năm qua, cùng với vườn sen Vũ Toàn, nhiều mô hình du lịch sinh thái như: EPC Farm, vườn hoa cải xã Hồng Lý, Hồng Giang Garden... đã khai thác các tiềm năng, lợi thế nông nghiệp của địa phương để phục vụ cho hoạt động du lịch gắn với giáo dục trải nghiệm thực tế cho học sinh, du lịch cuối tuần cho các gia đình. Tuy nhiên, các mô hình vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ và manh mún. Một số mô hình không được đầu tư làm mới, chủ yếu vẫn dựa vào môi trường sinh thái tự nhiên, chưa khai thác các sản vật gắn liền với truyền thống và văn hóa bản địa đã làm giảm đi sức hấp dẫn du khách.

Anh Vũ Thanh Toàn, xã Xuân Hòa (Vũ Thư) tu sửa cảnh quan vườn sen để thu hút khách đến trải nghiệm. 

Còn với làng vườn Bách Thuận (Vũ Thư), theo quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định đây là điểm du lịch trong hệ thống các điểm du lịch địa phương của huyện Vũ Thư. 

Theo ông Trịnh Xuân Hiểu, Chủ tịch Hội Nông dân xã, địa phương có nhiều lợi thế thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp. Xã có vị trí địa lý thuận tiện, có nghề trồng cây cảnh truyền thống, nghề làm nem nắm, có chợ và nổi tiếng với 30 loại bánh. Ngoài ra, xã còn có 2 di tích lịch sử cấp quốc gia, nhiều cây cổ thụ trên 100 năm tuổi và có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thôn quê trù phú. 

Ông Hiểu cho biết thêm: Cùng địa phương hướng đến phát triển du lịch sinh thái, nhiều nông dân đang tiếp tục cải tạo cảnh quan, giữ gìn những ngôi nhà cổ trăm năm tuổi để trở thành điểm tham quan, trải nghiệm cho du khách. Toàn xã có 13 ngôi nhà cổ, phần lớn được xây dựng bằng gỗ nhưng đã bị bào mòn theo thời gian. Một số hộ đã trùng tu để bảo đảm cho việc sinh hoạt nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn nét cổ xưa.

Đặc biệt, gia đình ông Nguyễn Đình Thắng, thôn Trung Hòa còn mua ngôi nhà cổ từ Huế không chỉ thỏa mãn đam mê mà còn thu hút nhiều du khách ghé thăm.

“Những ngôi nhà cổ thường có giá cao khoảng vài tỷ đồng nhưng có vẻ đẹp độc đáo và được nhiều người yêu thích. Chúng tôi có thể tận dụng kỹ thuật trồng cây tạo cảnh quan phù hợp góp phần nâng giá trị ngôi nhà, qua đó có thể kết hợp bán các sản phẩm truyền thống của địa phương, nâng cao thu nhập” - ông Thắng chia sẻ. 

Ông Nguyễn Văn Luật, Bí thư Đảng ủy xã Bách Thuận cho biết: Xã đã liên kết với Trường Đại học Xây dựng Hà Nội để xây dựng đề án về phương án quy hoạch và lộ trình xây dựng làng vườn du lịch sinh thái cộng đồng. Tuy nhiên, địa phương vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, nhiều tuyến đường giao thông xuống cấp khó khăn trong việc di chuyển. Ngân sách đầu tư phát triển du lịch còn hạn hẹp và chưa đáp ứng các điều kiện để thu hút doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, cảnh quan nông thôn, vấn đề vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều tồn tại chưa được khắc phục triệt để. Người dân vẫn chưa hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng của du lịch nông nghiệp, nông thôn và còn thiếu kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động.

Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Cùng với sự phát triển du lịch nông nghiệp, người nông dân sẽ trở thành trung tâm khi vừa làm vai trò sản xuất vừa trở thành hướng dẫn viên phục vụ khách thập phương. Tuy nhiên, các hộ dân làm du lịch trong tỉnh chủ yếu là tự phát, quy mô nhỏ, chưa chuyên nghiệp, chưa hình thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Sản phẩm du lịch nông thôn của nhiều địa phương còn chưa đặc sắc. Nhiều nông dân vẫn đang gặp khó trong chuyển quy hoạch sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang loại hình khác. Thời gian tới, hy vọng các cấp chính quyền sẽ xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch nông thôn và hỗ trợ người dân tham gia các hoạt động phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP và chương trình xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, tổ chức các buổi tập huấn giúp nông dân nâng cao nhận thức trong việc phát triển du lich sinh thái, trải nghiệm, khai thác tối đa những tiềm năng vốn có từ mảnh đất của mình. Gắn kết du lịch trải nghiệm nông nghiệp với các hoạt động làng nghề; có chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng ở nông thôn, tập trung định hướng chuyển đổi nghề cho thanh niên tại các địa phương cùng tham gia làm kinh tế; kết nối giữa ngành du lịch và giáo dục để đẩy mạnh du lịch trải nghiệm, tạo nguồn khách ổn định cho các điểm du lịch nông nghiệp.


Nguyễn Triệu