Thứ 4, 15/01/2025, 21:44[GMT+7]

Chăn nuôi vào vụ cuối năm

Thứ 4, 20/09/2023 | 08:49:01
11,584 lượt xem
Thời điểm này, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang rục rịch tái đàn để phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm. Tuy giá thịt gia súc, gia cầm đã tăng trở lại nhưng không ổn định cùng tâm lý e ngại dịch bệnh nên nhiều hộ chăn nuôi vẫn dè dặt đầu tư.

Lo ngại dịch bệnh, biến động thị trường nên nhiều người chăn nuôi dè dặt tái đàn quy mô lớn.

Ngại đầu tư lớn

Mặc dù xây dựng chuồng trại khép kín bài bản với quy mô chăn nuôi lên tới vài nghìn con gà/lứa nhưng hơn một năm trở lại đây, ông Vũ Hải Lý, xã Đông Trung (Tiền Hải) chỉ duy trì khoảng 2.000 con gà. Đầu tư hệ thống máy ấp nở, ông Lý vừa chăn nuôi gà đẻ trứng vừa ấp nở bán giống. Ông Lý chia sẻ: Giá gà giống bán xô khoảng 10.000 đồng/con, vịt từ 12.000 - 13.000 đồng/con, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022. Từ đầu năm 2023 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi cũng được điều chỉnh giảm 5 lần. Tuy vậy, không khí tái đàn không sôi động dù đã vào mùa chăn nuôi cuối năm tạo nguồn cung thực phẩm cho dịp tết.

Theo các hộ chăn nuôi, giá gà thịt đang ở mức khá cao, từ 50.000 - 85.000 đồng/kg tùy loại gà. Với giá bán như vậy, người chăn nuôi đã có lãi. Dù vậy, tâm lý lo sợ về giá bán ra có thể giảm bất cứ lúc nào, chăn nuôi cuối năm nhiều rủi ro nên nhiều người vẫn đắn đo đầu tư tái đàn.

Không riêng các hộ chăn nuôi gà, người nuôi lợn cũng đang dè dặt trong tái đàn quy mô lớn. Vừa xuất bán gần 10 tấn lợn hơi với giá 60.000 - 65.000 đồng/kg, thu lãi khoảng 100 triệu đồng, ông Phạm Văn Dương, xã Vũ Tiến (Vũ Thư) đang vệ sinh chuồng trại để tái đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao dịp cuối năm. Từ 200 - 300 con lợn thịt/lứa, sau nhiều lần giá lợn “chạm đáy”, ông chỉ nuôi cầm chừng 70 - 80 con lợn/lứa. Ông chia sẻ: Thời điểm này là phù hợp nhất để các hộ nuôi vụ mới, “đón” thị trường cuối năm. Tuy giá cám đã giảm nhẹ nhưng điều chúng tôi lo nhất là giá cả đầu ra không ổn định. Chỉ trong vài ngày, giá lợn từ 65.000 đồng/kg giảm xuống còn 60.000 đồng/kg, cùng lứa lợn xuất bán nhưng tôi phải chịu 2 mức giá nên không dám mạo hiểm đầu tư lớn.

Chú trọng công tác phòng dịch

Hiện đang là thời điểm người chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh chuẩn bị con giống, tái đàn phục vụ nhu cầu dịp tết. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thời tiết diễn biến bất lợi, sức đề kháng của đàn vật nuôi giảm, dễ cho các loại vi rút “tấn công”. Do đó, người chăn nuôi cần cẩn trọng trong phòng, chống dịch bệnh.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát. Các địa phương đang triển khai tổ chức thực hiện tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đợt 2 (từ ngày 15/9 - 15/10) đồng thời triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh vụ thu đông. Ngành nông nghiệp đã tiến hành lấy 1.176 mẫu giám sát chủ động giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm, bệnh dịch tả lợn châu Phi đồng thời lấy 560 mẫu huyết thanh lợn tại 15 trang trại chăn nuôi xét nghiệm lưu hành của vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi phục vụ công tác kiểm dịch động vật. Trạm Kiểm dịch động vật cầu Nghìn đã kiểm soát 661 phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, góp phần ngăn chặn và kiểm soát tình hình dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Qua tổng hợp kết quả tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân hè vừa qua cho thấy, tỷ lệ tiêm đạt cao, kể cả nhóm vắc-xin không được hỗ trợ của tỉnh. Qua đó cho thấy các hộ chăn nuôi đã nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo người chăn nuôi không nên tăng đàn ồ ạt, mà cần căn cứ thực tế chuồng trại, chú trọng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo đảm chất lượng và phát triển theo chuỗi liên kết từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Ngành chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi cần thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi. Các địa phương cần chủ động nguồn hóa chất, vôi bột, khuyến khích người chăn nuôi tự mua hóa chất, vôi bột để thực hiện khử trùng, tiêu độc chuồng trại và môi trường xung quanh khu vực chăn nuôi để phòng, chống dịch bệnh; thực hiện tốt việc kiểm soát vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật theo phân cấp quản lý. Ngành chức năng cũng khuyến cáo bà con khi phát hiện gia súc, gia cầm mắc bệnh cần báo cho cơ quan chuyên môn để kịp thời xử lý...

Tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh là giải pháp hữu hiệu phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Ngân Huyền