Thứ 5, 05/12/2024, 09:32[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Trồng ấu trên chân ruộng trũng cho hiệu quả kinh tế cao

Thứ 2, 30/10/2023 | 14:49:09
21,830 lượt xem
Thay vì trồng 2 vụ lúa ở chân ruộng trũng năng suất thấp, vài năm gần đây nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân một số địa phương ở Quỳnh Phụ đã chuyển sang kết hợp mô hình trồng lúa, trồng ấu. Cách làm này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Xã Quỳnh Hội thử nghiệm trồng 3ha ấu trên chân ruộng trũng, hiệu quả mang lại cao hơn so với trồng lúa.

Gia đình ông Nguyễn Văn Khánh, thôn Hoàng Xá, xã Châu Sơn có 3 mẫu ruộng. Trước đây, ông cấy 2 vụ lúa nhưng năm nào vụ mùa cũng thất thu bởi ruộng trũng, lúa gặp mưa to bị đổ rạp, tiêu thoát nước chậm. Qua tìm hiểu thấy cây ấu thích hợp với vùng trũng, ông Khánh đưa về trồng thay thế lúa mùa. Luân canh lúa và ấu trên đất ruộng đã mang lại cho ông Khánh nguồn thu nhập khá. 

Ông Khánh chia sẻ: Ấu là loại cây dễ trồng, việc chăm sóc không vất vả, chi phí ít hơn cấy lúa, thời gian trồng ngắn, khoảng gần 3 tháng cho thu hoạch. Ấu trồng chủ yếu vào mùa lạnh sẽ ít sâu bệnh. Năm nay thời tiết thuận lợi, nguồn nước dồi dào nên cây ấu sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện gia đình tôi đã thu hoạch được 4 lứa ấu, trung bình mỗi vụ thu hoạch từ 5 - 7 lứa. Năm nay ấu sai củ, mỗi sào cho thu hoạch từ 6 - 7 tạ, hiện tại giá bán từ 12.000 - 15.000 đồng/kg. So với trồng lúa, trồng ấu cao gấp từ 4 - 6 lần. Trồng ấu vừa hiệu quả kinh tế lại cải tạo được chất đất. 

“Khi tôi thu hoạch ấu xong để nguyên ruộng như thế không phải cày, phân dùng cho cây ấu nằm dưới mặt đất là phân xanh, phân vi sinh. Cấy xuống không phải cày bừa. Cây lúa trồng trên ruộng ấu kháng bệnh, phát triển tốt. Năng suất  lúa vụ xuân trung bình 2,5 tạ/sào” - ông Khánh chia sẻ thêm.

Ấu trồng trên chân ruộng trũng ít gai, thơm ngậy được người dân ưa chuộng.

Từ thành công mô hình trồng ấu trên vùng đất trũng của gia đình ông Khánh, nhiều hộ gia đình, nhiều địa phương trong và ngoài xã đến học hỏi chuyển sang trồng ấu. Điển hình như xã Quỳnh Hội, vụ mùa năm nay cũng là năm đầu tiên một số hộ dân trong xã đưa cây ấu vào thực nghiệm trên vùng đất trũng. Hiện tại, cây ấu đang trong giai đoạn thu hoạch, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. 

Ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hội cho biết: Những năm qua, địa phương cũng đã đưa một số mô hình cây con để thực nghiệm, song với cây ấu canh tác trên vùng đất chua, trũng là rất phù hợp. Dù mới là vụ đầu tiên nhưng hiệu quả mang lại cao, gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa lại vẫn giữ mặt bằng đất canh tác, môi trường ổn định, đặc biệt tạo việc làm cho bà con. Năm nay, địa phương mới đưa vào thực nghiệm khoảng 3ha, với hiệu quả từ cây ấu, sang năm địa phương sẽ mở rộng thêm từ 15 - 20ha; đồng thời tổ chức khoanh vùng để bảo đảm yếu tố về môi trường, sinh trưởng và phát triển ổn định cho cây ấu nhưng không ảnh hưởng đến các cây trồng khác. Chưa kể, với nguồn phân hữu cơ trên cây ấu rất lớn sẽ là nguồn dinh dưỡng đối với trồng lúa vụ xuân, giảm chi phí phân bón, mang lại năng suất cao.

Ấu là loại cây dễ trồng, việc chăm sóc không vất vả, chi phí ít hơn cấy lúa, thời gian trồng ngắn khoảng gần 3 tháng cho thu hoạch.

Toàn huyện Quỳnh Phụ có khoảng 50ha trồng ấu tập trung ở các xã: Châu Sơn, An Quý, An Thái, Quỳnh Hội... Với quyết tâm không để đất hoang hóa, huyện Quỳnh Phụ đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương tận dụng nguồn đất để chuyển đổi cây trồng hợp lý, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Ông Đỗ Tiến Công, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Phụ cho biết: Từ mô hình trồng ấu trên vùng đất trũng mang lại hiệu quả kinh tế cao tại một số địa phương, thời gian tới Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ tham mưu UBND huyện tiếp tục mở rộng diện tích trồng ấu trên các vùng đất trũng tại các địa phương trong xã; đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trừ sâu bệnh để biến cây ấu trở thành cây chủ lực của địa phương, nâng cao thu nhập cho nông dân, qua đó nông dân sẽ gắn bó hơn với đồng ruộng, yên tâm lao động, sản xuất.

Nguyễn Cường