Thứ 4, 15/01/2025, 21:58[GMT+7]

Phòng, chống xâm hại trẻ em: Hãy lên tiếng và hành động Kỳ 2: Đừng im lặng, hãy lên tiếng

Thứ 3, 09/04/2024 | 09:59:41
3,894 lượt xem
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bị xâm hại như công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa hiệu quả; nhận thức, kỹ năng của cha mẹ, các thành viên trong gia đình và người dân về công tác bảo vệ trẻ em chưa đúng, chưa đầy đủ; nhiều trẻ em chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại.

Quan tâm chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Vỗ về những tâm hồn bị tổn thương

Trẻ em bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục phải gánh chịu nỗi đau lớn cả về thể chất và tinh thần. 

Bà Đoàn Thị Thanh Hằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh chia sẻ, trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, không ít lần hỗ trợ cho các cháu và gia đình các cháu, bà luôn bị ám ảnh bởi sự đau đớn về cả thể chất lẫn tình cảm, tâm hồn của các cháu; sự day dứt, khổ tâm của những người cha, người mẹ khi con rơi vào hoàn cảnh này. Bởi cơ thể chưa phát triển nên khi bị xâm hại các cháu đều bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến sức khỏe. Về tinh thần, hầu hết các cháu đều rơi vào trạng thái hoảng sợ, lo âu.

Có trẻ bị đe dọa, khống chế, xâm hại nhiều lần mà không được phát hiện kịp thời dẫn đến hậu quả vô cùng đáng tiếc như mang thai ngoài ý muốn, rơi vào trầm cảm, thậm chí là tự tìm đến cái chết. Bởi vậy, việc thường xuyên quan tâm đến trẻ em, phát hiện kịp thời mọi biểu hiện không bình thường về tâm sinh lý của trẻ là vô cùng quan trọng nhằm kịp thời giúp các cháu thoát ra khỏi tình huống nguy hiểm. Khi tình huống xảy ra, việc kịp thời hỗ trợ về y tế, tâm lý, pháp lý cho trẻ và gia đình trẻ cần được thực hiện bằng tất cả trách nhiệm, sự thấu hiểu, lòng nhân ái, đó là sự vỗ về cần thiết để xoa dịu nỗi đau mà các cháu phải gánh chịu, giúp các cháu sớm thoát ra khỏi ám ảnh để hòa nhập trở lại với cuộc sống bình thường.

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 441.183 trẻ em, chiếm khoảng 22,69% dân số, trong đó 5.478 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gần 15.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. 

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, Sở Tư pháp chia sẻ: Khi gia đình có trẻ em bị xâm hại thì cần tố giác kịp thời, chủ động lưu giữ và cung cấp các chứng cứ để tố cáo với cơ quan chức năng. Hoặc có thể tìm đến các cơ quan, tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, các đơn vị tư vấn pháp lý để được hỗ trợ về thủ tục pháp lý cũng như trợ giúp về tâm lý, y tế cho trẻ.

Hãy lên tiếng

Theo phân tích của Trung tá Phạm Văn Minh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh: Qua thực tế xử lý những vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em, đa số trẻ em bị xâm hại là những trường hợp gia đình chưa có sự quan tâm đầy đủ, chu đáo đối với các em. Nhiều bậc cha mẹ do bận mải công việc nên chưa dành nhiều thời gian quan tâm đến con cái; nhiều gia đình vì hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ phải đi làm ăn xa, phải gửi con cho người thân, họ hàng chăm sóc, trong khi những đối tượng xâm hại trẻ em nhiều khi lại chính là những người thân quen của gia đình. Vai trò, trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em của gia đình, nhà trường và cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức nên thiếu sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả trong việc quản lý, giáo dục và giúp đỡ trẻ em.

Bà Hoàng Thị Len, Trưởng phòng Trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng: Một số gia đình thiếu kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và hạn chế hiểu biết pháp luật về quyền trẻ em, chưa nhận thức được trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nên việc chăm sóc, giám sát, quản lý con cái, phòng, chống xâm hại trẻ em chưa được chú trọng. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một số cá nhân, các giá trị văn hóa truyền thống không được coi trọng. Do chưa nhận thức đầy đủ về những nguy hiểm tiềm ẩn từ các mối quan hệ xã hội, ảnh hưởng tiêu cực của mạng internet, sự biến đổi về tâm sinh lý lứa tuổi khiến một bộ phận trẻ em dễ bị tác động, kích động và thích thể hiện là nguyên nhân dẫn đến trẻ bị xâm hại. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các đoàn thể, chính quyền cơ sở trong quản lý, chăm sóc trẻ em ở một số nơi chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

Trong các vụ xâm hại trẻ em, nạn nhân thường có tâm lý e ngại, mặc cảm khi lên tiếng tố cáo với cơ quan chức năng. Nhiều gia đình mang tâm lý sợ ảnh hưởng đến tương lai của con cái mình hoặc sợ bị thủ phạm trả thù mà giữ im lặng hoặc tự gặp nhau thương lượng nên việc giải quyết gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân của sự im lặng là do mọi người thường ngại nói đến vấn đề tình dục, ngại nói đến việc liên quan đến bị xâm hại. 

Bà Đặng Thị Hiền, Trưởng phòng Dân số truyền thông, Trung tâm Y tế huyện Kiến Xương cho rằng: Có rất nhiều vụ việc xâm hại trẻ em nhưng do sự im lặng của gia đình nạn nhân, im lặng của cộng đồng và nhiều bên khác đã khiến vụ việc không được đưa ra ánh sáng. Chính vì điều đó, trong các buổi chia sẻ về giáo dục giới tính, phòng tránh xâm hại trẻ em tại các trường học trên địa bàn huyện, tôi thường nhấn mạnh tới các bậc phụ huynh về việc cần phải lên tiếng khi rơi vào hoàn cảnh có con bị xâm hại.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ dân số, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh nêu quan điểm: Im lặng là kẻ thù lớn nhất của phòng tránh xâm hại trẻ em, im lặng là đồng lõa với những kẻ xâm hại trẻ em. Bà Hà cho rằng, nếu không may gia đình nào có con bị xâm hại thì trước hết cần trấn an trẻ, sau đó lên tiếng với cơ quan chức năng để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời về y tế, sức khỏe cho trẻ. Các bậc phụ huynh hãy mạnh dạn lên tiếng khi con em mình bị xâm hại để cùng xây dựng xã hội tốt đẹp, chấm dứt tình trạng xâm hại trẻ em.

Quan tâm, chăm lo cho trẻ em là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

 
Đỗ Hồng Gia

(còn nữa)