Thứ 4, 01/05/2024, 15:34[GMT+7]

Phòng, chống xâm hại trẻ em: Hãy lên tiếng và hành động Kỳ 3: Cần vào cuộc mạnh mẽ

Thứ 4, 10/04/2024 | 07:28:15
6,151 lượt xem
Để phòng, chống xâm hại trẻ em, thời gian qua công tác này đã được tăng cường thực hiện bằng nhiều giải pháp. Tuy nhiên, số vụ xâm hại chưa có chiều hướng giảm, tính chất vụ việc có phần trở nên phức tạp hơn. Để trẻ em có một môi trường sống thực sự an toàn, thân thiện, tốt đẹp thì rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, ngành.

Học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng (thành phố Thái Bình) học các kỹ năng phòng tránh xâm hại trẻ em.

Việc nhỏ nhưng là giải pháp lớn

Một giờ học kỹ năng sống của học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng (thành phố Thái Bình) diễn ra trong không khí vui vẻ, bổ ích. Tình huống đưa ra trong giờ học là một bé gái đi học về, đến đoạn đường vắng gặp một đối tượng có ý định xấu. Bé gái cương quyết không đi theo đối tượng mặc dù được dụ dỗ cho đồ ăn, đồ chơi bắt mắt. Khi đối tượng có ý định lại gần, khống chế, bé gái đã dũng cảm chống trả, la hét cầu cứu. Biết không thể dễ dàng dụ dỗ và khống chế bé gái, đối tượng đã phải từ bỏ ý định. Sau tình huống đưa ra, các em học sinh được sôi nổi thảo luận và được giáo viên phổ biến, hướng dẫn kỹ năng đối phó với các tình huống tương tự. 

Chị Lê Thị Hải, một phụ huynh học sinh của trường chia sẻ, về nhà nghe con kể về những tiết học như vậy, chị thấy yên tâm hơn. Thời gian gần đây, nhiều trường học đều tổ chức các giờ học kỹ năng sống, hướng dẫn cho các con kỹ năng từ chối, ứng phó với tệ nạn xã hội trong đó có kỹ năng ứng phó với nguy cơ bị xâm hại. Bản thân chị thường xuyên quan tâm dạy bảo, hướng dẫn cho con thoát khỏi các tình huống nguy hiểm, khi bất ngờ gặp, ứng phó thế nào. Nếu cả ở nhà và ở trường, các cháu đều được nhắc nhở, hướng dẫn thường xuyên thì các cháu sẽ có ý thức đề phòng, có kỹ năng ứng phó tốt hơn.

Bà Chu Thị Hồng Nhật, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng chia sẻ: Những kiến thức dạy về phòng tránh xâm hại trẻ em được chúng tôi tổ chức lồng ghép dưới giờ chào cờ, hoặc là trong những giờ học kỹ năng sống, bảo đảm 100% học sinh đều được nghe. Sau mỗi giờ học, chúng tôi thực hiện các cuộc khảo sát để đánh giá xem việc nhận thức của học sinh về vấn đề ra sao. Ở Trường Tiểu học Kim Đồng, nhận biết vấn đề phòng tránh xâm hại trẻ em rất tốt, gần như tất cả học sinh đều biết và nhớ số điện thoại trợ giúp khi gặp tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, chúng tôi đặt hòm thư “điều em muốn nói” ở các lớp để các em có thể bày tỏ tất cả những gì các em không tiện chia sẻ. Từ đó, chúng tôi hiểu được tâm lý, suy nghĩ của các em để hỗ trợ phù hợp.

Có 2 con gái đang ở lứa tuổi thiếu nhi nên việc để con nhận thức và hiểu dần về giới tính là điều chị Phạm Thị Nguyên ở huyện Kiến Xương rất quan tâm. Chị chia sẻ: Trong cuộc sống hàng ngày, cả hai vợ chồng tôi đều rèn kỹ năng giới tính cho con thông qua lời nói, sách, báo, các câu chuyện vợ chồng mình đã gặp. Mình có thể chỉ cho con bộ phận nào trên cơ thể con không được cho bất cứ ai chạm vào, rồi cách xử lý khi con đi một mình trên đoạn đường vắng, cách vệ sinh cá nhân. Dạy con cách ăn uống sạch để có cơ thể khỏe mạnh, chia sẻ với con về bạn trai, bạn gái trong lớp. Đồng thời, kết nối với bố mẹ của các bạn trong lớp và cô giáo thường xuyên để có thêm kinh nghiệm dạy con.

Bà Hoàng Thị Len, Trưởng phòng Trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phân tích, có những điều đối với người lớn tưởng như là chuyện nhỏ nhặt thì đối với con trẻ có thể đã là vấn đề lớn. Một sự sợ sệt, lo âu, im lặng, hay nổi cáu của con trẻ mà vì bận mải, cha mẹ, người chăm sóc, thầy cô có thể bỏ qua nhưng có thể đang ẩn chứa nỗi đau đớn, khổ tâm của con trẻ. Luôn quan tâm đến mọi biểu hiện của trẻ em, thường xuyên dạy bảo, hướng dẫn cho trẻ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày, những việc làm nhỏ nhưng có thể là giải pháp lớn để hạn chế và loại bỏ nạn xâm hại trẻ em ra khỏi cuộc sống của chúng ta.

Vào cuộc mạnh mẽ hơn

Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, làm cho trẻ em ngày càng có cuộc sống tốt đẹp. Thời gian qua, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em được triển khai rộng khắp, thu hút sự vào cuộc của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương. 

Ông Bùi Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Những năm gần đây, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm quan tâm, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; đặc biệt là các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống xâm hại trẻ em như Chỉ thị số 15/CT-UBND, ngày 14/8/2020 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng ngừa và phát hiện đấu tranh xử lý các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Công văn số 335/UBND-NC, ngày 28/1/2022 của UBND tỉnh về việc phòng ngừa và xử lý các hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em... Đây là cơ sở để các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị cùng chung tay chăm lo ngày càng tốt hơn cho trẻ em. Nhất là việc giáo dục, nâng cao nhận thức của chính bản thân các em trong việc phòng ngừa vấn nạn xâm hại.

Để phòng tránh xâm hại trẻ em, việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân là hết sức quan trọng nhằm tránh những sự việc đau lòng do tội phạm xâm hại gây nên. Các bậc cha mẹ cần thường xuyên để mắt, quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết; cha mẹ cũng cần phải trang bị cho con cái biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại. Cố gắng chia sẻ với con về giới tính, tình dục tuổi mới lớn. Phòng tránh xâm hại trẻ em giờ đây đã không còn là câu chuyện của riêng một gia đình mà đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và toàn xã hội. 

Ông Trần Sơn Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Quang Minh (Kiến Xương) cho biết: Việc nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại trẻ em được nhà trường rất quan tâm. Nhà trường thường phối hợp với các đơn vị có chuyên môn tổ chức các giờ học kỹ năng sống nhằm giáo dục giới tính và phòng tránh xâm hại trẻ em. Những tiết học như vậy thường được sân khấu hóa để giúp các em dễ hiểu, dễ tiếp thu nhất.

Để không còn tình trạng xâm hại trẻ em, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về công tác trẻ em. Quan tâm, thông tin tới trẻ em, người nuôi dưỡng trẻ em về biện pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em và các địa chỉ tư vấn, hỗ trợ. Những người thực hiện công tác trẻ em đều thống nhất quan điểm: Vấn nạn xâm hại trẻ em đang gây nhức nhối trong xã hội và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, vì vậy cần có các giải pháp, chế tài thực sự mạnh mẽ để vừa bảo vệ trẻ em vừa xử lý nghiêm minh các đối tượng có hành vi xâm hại trẻ em. Khi xảy ra xâm hại trẻ em, các cấp, ngành chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt bằng tất cả trách nhiệm của mình để bảo vệ quyền lợi cho trẻ, hỗ trợ trẻ và gia đình trẻ vượt qua cuộc khủng hoảng và hơn hết cần phối hợp chặt chẽ, xử lý nghiêm minh kẻ gây tội để làm gương cho những kẻ có tư tưởng biến thái và lối sống sa đọa, thiếu tu dưỡng đạo đức.

Nhà trường, gia đình, xã hội cần quan tâm, tạo điều kiện để trẻ em có môi trường sống thực sự an toàn và lành mạnh.



Đỗ Hồng Gia