Thứ 4, 15/01/2025, 13:24[GMT+7]

Gỡ “nút thắt” cho y tế xã Kỳ 1: Khó thu hút người dân đến khám chữa bệnh tại trạm y tế

Thứ 2, 12/08/2024 | 20:34:23
1,940 lượt xem
Trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, trạm y tế xã, phường, thị trấn được coi là “cánh tay” đắc lực của ngành y tế. Tuy nhiên, “cánh tay” đắc lực này đang ngày càng mất đi vị thế của mình. Làm gì để tháo gỡ những “nút thắt” cho y tế xã là nỗi niềm trăn trở của đội ngũ cán bộ trạm y tế.

Cán bộ Trạm Y tế xã Đông Xuyên (Tiền Hải) khám sức khỏe cho trẻ trong chương trình y tế học đường.

Những năm gần đây, số lượng người dân đến khám chữa bệnh (KCB) nói chung, KCB bảo hiểm y tế tại nhiều trạm y tế có xu hướng giảm mạnh. Người dân không “mặn mà” đến KCB tại trạm y tế là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến hoạt động trạm y tế trở nên trầm lắng.

Tỷ lệ KCB bảo hiểm y tế tại trạm y tế giảm

Trước năm 2019, số lượt bệnh nhân đến KCB bảo hiểm y tế tại Trạm Y tế xã Trà Giang (Kiến Xương) khá cao. Năm 2019, Trạm đón tiếp hơn 900 lượt người đến KCB bảo hiểm y tế. Song từ năm 2020 đến nay, con số này giảm sút đáng kể. Mặc dù cán bộ, nhân viên y tế của Trạm đã rất nỗ lực song số lượng người đến KCB bảo hiểm y tế cũng chỉ đạt trên 30 bệnh nhân/tháng. Số lượng người dân đến KCB bảo hiểm y tế tại trạm trong khoảng 5 năm gần đây giảm khiến cán bộ, nhân viên y tế rất trăn trở.

Còn tại Trạm Y tế xã Thụy Thanh (Thái Thụy), bác sĩ Nguyễn Tiến Định, Trạm trưởng Trạm Y tế xã chia sẻ: Trước kia, số lượng người đến KCB bảo hiểm y tế tại trạm cao đạt từ 140 - 200 lượt bệnh nhân/tháng. Tuy nhiên, hiện nay dao động chỉ khoảng 50 - 100 lượt bệnh nhân/tháng.

Thực trạng lượng bệnh nhân KCB bảo hiểm y tế giảm diễn ra ở phần lớn trạm y tế trong tỉnh. Nhiều bệnh có thể thực hiện khám, điều trị tại trạm nhưng khi bệnh nhân bỏ qua trạm y tế sẽ gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Toàn tỉnh hiện có 251/260 trạm y tế đủ điều kiện, được ký hợp đồng KCB bảo hiểm y tế, tạo thuận lợi cho người dân có thẻ được KCB, điều trị kịp thời, chuyển tuyến đúng quy định; các trạm y tế còn lại không KCB bảo hiểm y tế; 39 trạm chưa thực hiện KCB bằng y học cổ truyền do thiếu nhân lực. 

Theo số liệu tổng hợp của Sở Y tế, số lượt KCB bảo hiểm y tế tại trạm y tế những năm gần đây giảm. Cụ thể, nếu như năm 2019 toàn tỉnh có hơn 348.610 lượt người KCB bảo hiểm y tế, thì năm 2020 giảm còn hơn 251.830 lượt; năm 2021 giảm còn 236.540 lượt; năm 2022 giảm còn gần 176.160 lượt và năm 2023 có gần 227.600 lượt.

Người dân xã Minh Lãng (Vũ Thư) kiểm tra đường huyết tại Trạm Y tế xã.

Nguyên nhân từ đâu?

Con số bệnh nhân KCB bảo hiểm y tế tại trạm y tế giảm được lý giải với nhiều nguyên nhân cả do khách quan và chủ quan. Nếu từ năm 2020 đến năm 2022 là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì từ năm 2023 đến nay khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nguyên nhân được nhiều cán bộ trạm y tế chỉ ra là thuốc bảo hiểm y tế cấp cho người dân không đa dạng, ít chủng loại, chủ yếu là nhóm kháng sinh, giảm đau, có trạm thì có lúc có thêm thuốc huyết áp, thuốc bổ..., trong khi đó người dân đến khám phần lớn là người cao tuổi nhiều mặt bệnh. Thêm vào đó, các bệnh viện, phòng khám tư nhân mở ra nhiều hơn, trong khi đó ở nhiều trạm y tế thường xuyên thiếu nhân lực, nhất là bác sĩ, trình độ chuyên môn của cán bộ, nhân viên một số trạm chưa cao. Tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ làm việc hiện chỉ đạt hơn 75% và đang tiếp tục có xu hướng giảm. Năm 2023, số lượng người làm việc được giao tại các trạm là 1.826 người song mới có 1.498 người, còn thiếu 328 người. Do đó, có trạm, cán bộ phải thực hiện kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau. Điều này, phần nào làm ảnh hưởng đến hoạt động KCB tại trạm y tế. Với các y sĩ muốn học lên bác sĩ song cũng gặp khó khăn do chương trình học tập nâng từ 4 năm lên 6 năm. Vì thế gần như trong các năm gần đây, tại các trạm y tế ít có cán bộ đi học tập mới. Bên cạnh đó, hiện nay trang thiết bị KCB tại trạm y tế sau nhiều năm sử dụng cũng đã hư hỏng, xuống cấp, thiếu một số trang thiết bị nên khó thực hiện được danh mục kỹ thuật theo phân tuyến. Cơ sở vật chất một số trạm y tế đã xuống cấp sau nhiều năm xây dựng; việc thiết kế, bố trí các phòng chức năng tại một số trạm y tế đã không còn phù hợp với nhiệm vụ, yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Ở một số xã sáp nhập, cơ sở gần trung tâm thì đã cũ trong khi cơ sở xa trung tâm mới hơn song để thực hiện hoạt động tiêm chủng, uống vitamin A các đơn vị phải bố trí về địa điểm cũ để bảo đảm yêu cầu theo quy định. Ngoài ra, nhiều xã cách bệnh viện tuyến huyện không quá xa, khi thông tuyến người dân lên thẳng bệnh viện cũng là thách thức đối với các trạm y tế. Các danh mục chuyên môn kỹ thuật, danh mục và số lượng thuốc cấp phát ngoại trú được bảo hiểm y tế chi trả, thanh toán tại trạm y tế ít... 

Ông Nguyễn Văn Hợp, thôn Hợp Long, xã Việt Thuận (Vũ Thư) chia sẻ: Bệnh đơn giản thì tôi mới đến trạm còn thường thì lên thẳng tuyến trên vì các bệnh viện cũng không quá xa. Đến trạm, thuốc thì “nghèo nàn”, thường phải mua thêm, bác sĩ thì có nhưng trang thiết bị lại thiếu, sơ sài.

Nhân viên Trạm Y tế xã Thụy Thanh (Thái Thụy) hướng dẫn người dân sử dụng thuốc nam để điều trị bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Định, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thụy Thanh cho biết thêm: Ngoài việc thuốc bảo hiểm y tế cấp không đa dạng cho các mặt bệnh, hàm lượng thuốc không phù hợp với một số bệnh nhân như thuốc huyết áp, còn có một số thủ thuật thực hiện tại Trạm trước đây được thanh toán bảo hiểm y tế gồm: Lấy dị vật giác mạc, trích chắp lẹo... nhưng hiện nay thì không được thanh toán. Ngoài ra, kinh tế phát triển, đời sống nâng lên, nhu cầu KCB người dân ngày càng cao. Người bệnh thường lựa chọn các đơn vị y tế có cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại để KCB... Những nguyên nhân này khiến số lượng bệnh nhân đến KCB bảo hiểm y tế tại trạm y tế giảm mạnh.

Cùng với công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, quản lý sức khỏe cộng đồng, truyền thông giáo dục sức khỏe, KCB thông thường, ứng dụng y học cổ truyền trong phòng bệnh là công việc quen thuộc, thường quy của cán bộ, nhân viên các trạm y tế. Khi số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị giảm khiến những cán bộ tâm huyết với nghề có nhiều trăn trở.

(còn nữa)

Hoàng Lanh

  • Từ khóa