Thứ 5, 09/01/2025, 00:21[GMT+7]

Phân loại rác thải tại nguồn: Khó trước mắt - lợi lâu dài Kỳ 3: Việc làm tất yếu vì tương lai

Thứ 6, 22/11/2024 | 22:21:28
3,476 lượt xem
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, chậm nhất ngày 31/12/2024 các địa phương phải triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Việc này sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng về lâu dài sẽ mang lại lợi ích rất lớn. Chính vì vậy, đồng bộ tất cả các khâu từ phân loại, thu gom, đặc biệt là xử lý, tái chế rác thải sinh hoạt là yếu tố quan trọng quyết định thành công của phân loại rác thải tại nguồn.

Phân loại rác thải tại nguồn tại xã Thụy Ninh (Thái Thụy).

Yêu cầu cấp thiết 

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng CTRSH trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay khoảng 1.040 tấn/ngày, tương đương 379.600 tấn/ năm và số lượng này mỗi năm đều gia tăng. Đến thời điểm này mới chỉ có rác thải sinh hoạt của thành phố Thái Bình và 15 xã, thị trấn của huyện Quỳnh Phụ được các nhà máy thu gom, phân loại, xử lý. Tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh có 79 lò đốt rác quy mô nhỏ đang hoạt động, tuy nhiên đã xuống cấp, hư hỏng, không đủ điều kiện vận hành, hiệu quả xử lý rác thải thấp. Cùng với đốt rác thì các xã, thị trấn xử lý bằng hình thức chôn lấp, tuy nhiên hầu hết bãi rác do các địa phương xây dựng đều tự phát, không theo thiết kế và không bảo đảm tiêu chuẩn, một số bãi rác lộ thiên gây ô nhiễm môi trường. Với lượng rác thải như vậy chủ yếu đem chôn lấp thì chỉ vài chục năm sau Thái Bình sẽ không còn chỗ để chôn lấp. Chưa kể, với lượng rác khổng lồ như trên chôn lấp xuống lòng đất sẽ gây ô nhiễm rất lớn cho đất cũng như nguồn nước ngầm. Ô nhiễm môi trường đồng nghĩa với việc thúc đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu và làm cho hậu quả của nó trở nên khắc nghiệt hơn. 

Theo ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Việc thu gom, phân loại, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Rác càng ngày càng nhiều, đa dạng về thành phần, phức tạp về tính chất trong khi nhận thức về phân loại rác thải tại hộ gia đình của người dân chưa cao; nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân còn hạn chế; thiếu thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển chuyên dụng chưa đáp ứng yêu cầu. Nguồn vốn đầu tư cho việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn từ khu vực tư nhân, xã hội hóa còn khiêm tốn. Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường về việc lập biên bản xử lý vi phạm hành vi thải, bỏ rác sinh hoạt rất khó thực hiện. Theo quy định phải kịp thời phát hiện, trong khi các địa phương không đủ lực lượng để phát hiện, lập biên bản. Hiện nay, công nghệ xử lý rác thải (đặc biệt là công nghệ lò đốt) còn thủ công, chưa đáp ứng quy chuẩn hiện hành về việc xử lý chất thải, thiết bị xử lý xuống cấp nhanh. Các bộ, ngành cũng chưa có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về quy trình tuyển chọn nhà đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt, gây lúng túng trong việc tìm kiếm công nghệ tiên tiến phù hợp với rác thải trên địa bàn tỉnh. Việc tuyển chọn nhà đầu tư xử lý rác thải tại tỉnh phải tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Các địa phương chưa có quỹ đất sạch, bàn giao một cách nhanh chóng để nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Tại một số địa phương, người dân chưa đồng thuận với việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung quy mô lớn, hiện đại, thân thiện với môi trường. 

Ông Đỗ Văn Trịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết: Mặc dù huyện đã có nhà đầu tư dự án xử lý rác thải quy mô toàn huyện song công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giao đất cho nhà đầu tư đang gặp khó khăn do chưa có sự đồng thuận của người dân khu vực dự án. Do vậy, các địa phương vẫn phải duy trì biện pháp xử lý rác thải bằng lò đốt thủ công và chôn lấp tổng hợp; trong khi chế độ tiền lương, tiền công chi cho người lao động, nhân viên thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải chưa tương xứng; bảo hiểm, phụ cấp độc hại nghề nghiệp chưa có nên rất khó khăn. 

“Cuộc chiến dài hơi” 

Để hỗ trợ các địa phương giải quyết “bài toán” xử lý rác thải sinh hoạt, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt đối với các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Từ năm 2021 đến năm 2024 đã hỗ trợ 119.038 triệu đồng. Ngoài ra, hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí xử lý rác thải cho Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt thực hiện xử lý rác thải sinh hoạt cho 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ. Tuy nhiên, nguồn kinh phí hỗ trợ chỉ mới đáp ứng một phần yêu cầu thực tiễn đặt ra. 

Người dân phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) phân loại rác tại nguồn. 

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm: Để công tác thu gom, phân loại, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, trước hết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật bảo vệ môi trường tới các địa phương, doanh nghiệp và người dân; vận động, thuyết phục người dân phân loại rác thải tại gia đình; nhân rộng các mô hình phân loại rác thải tại nguồn và tổ chức việc thu gom, vận chuyển rác thải đã phân loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, các quy định, kế hoạch của UBND tỉnh. Thực hiện quy hoạch vị trí, bố trí quỹ đất cho các khu xử lý chất thải rắn tập trung, công nghệ cao theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH theo quy định của pháp luật về giá. Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất quá trình thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH theo các quy định hiện hành. Kiểm soát chặt chẽ việc xử lý rác thải đối với các mô hình tư nhân tham gia hoạt động xử lý rác thải. Tăng cường hợp tác đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải theo hình thức BT, BOT, đối tác công tư... Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải... 

Ông Phạm Văn Hoài, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Hưng đề xuất: Trong điều kiện hiện nay cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải thông qua các tổ, đội vệ sinh trên địa bàn các xã, thị trấn kết hợp với việc triển khai các mô hình phân loại rác thải tại nguồn; trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác phân loại rác thải tại gia đình. Cần quan tâm đến chế độ hỗ trợ bảo đảm đời sống cho người trực tiếp thu gom rác thải để họ yên tâm làm việc. Thực hiện thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đúng, đủ theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” theo Quyết định số 01/2021/QĐUBND, ngày 25/1/2021 của UBND tỉnh về quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục duy trì hoạt động các khu xử lý CTRSH tập trung, các lò đốt rác hiện có và thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, trám lấp, vệ sinh môi trường. Các xã có lò đốt rác xuống cấp không còn khả năng hoạt động khẩn trương có phương án hợp đồng với lò đốt rác khác hoặc tạm thời xử lý bằng biện pháp chôn lấp hợp vệ sinh trong giai đoạn chưa có nhà máy xử lý rác tập trung của huyện. Bên cạnh đó, cần xây dựng các mô hình xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý CTRSH tại khu vực nông thôn. Thành lập các tổ chức hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, quản lý con người, tài sản, có sự đầu tư mua sắm xe chuyên dụng, xe đẩy thu gom rác để mở rộng địa bàn thu gom, duy trì và nâng cao tỷ lệ thu gom rác thải. 

Vừa qua, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh đã giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, lãnh đạo một số ngành, địa phương khẳng định việc phân loại rác thải tại nguồn đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường, tuy nhiên đây là “cuộc chiến dài hơi”, muốn thực hiện thường xuyên, lâu dài và phát huy tác dụng thực sự điều quan trọng vẫn là nâng cao ý thức của người dân, để họ hiểu đó là trách nhiệm, quyền lợi mà tự giác thực hiện. Việc phân loại rác thải tại nguồn chỉ là khâu đầu tiên, còn rất nhiều khâu tiếp theo cần thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và khoa học, đó là thu gom, xử lý. 

Ông Mai Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Vũ Hội (Vũ Thư) cho biết: Khu xử lý rác thải tập trung là điểm tập kết và xử lý rác của toàn xã với diện tích 3.965m2, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 6,1 tấn rác thải sinh hoạt, đến nay đã hết diện tích chôn lấp, rác được đổ lộ thiên, xã không có lò đốt rác, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác, bãi rác lại gần khu dân cư, do đó ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân sinh sống ở khu vực gần bãi rác. Việc quy hoạch mở rộng bãi rác tại vị trí hiện tại không thực hiện được do gần khu dân cư, người dân không đồng thuận, không được quy hoạch mới. Vì vậy, chúng tôi đề nghị UBND huyện khẩn trương quy hoạch và xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung của huyện để xử lý rác thải sinh hoạt của các địa phương, trong đó có xã Vũ Hội bởi hiện tại bãi rác của xã đã gần hết diện tích để đổ rác. 

Đoàn thanh niên hướng dẫn người dân ủ chế phẩm sinh học biến rác hữu cơ thành phân bón. 

Để bảo vệ môi trường bền vững, cùng với thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn, tỉnh cần có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư và rất cần sự đồng thuận của người dân để sớm xây dựng một số nhà máy xử lý rác thải công nghệ tiên tiến, hiện đại và đây mới là giải pháp lâu dài, bền vững, mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, tạo sự ổn định thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Nhóm phóng viên