Thứ 5, 05/12/2024, 02:12[GMT+7]

Chợ dân sinh - sinh kế của người dân Kỳ 1: Chợ - không chỉ là nơi buôn bán

Thứ 2, 25/11/2024 | 09:39:00
1,633 lượt xem
Chợ dân sinh là phần không thể thiếu trong đời sống kinh tế, văn hóa của người dân, nhất là ở khu vực nông thôn và ngoại ô thành phố. Những phiên chợ không chỉ tập trung nguồn hàng hóa phong phú mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu, kết nối người dân với nhau, tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển của cộng đồng. Quan trọng là vậy nhưng hiện nay nhiều bất cập trong quản lý hạ tầng và môi trường đang làm giảm hiệu quả hoạt động của các chợ.

Chợ Chùa, xã Đông Á (Đông Hưng) là nơi cung cấp đa dạng mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu phục vụ người dân.

Khi trao đổi với chúng tôi về vai trò của chợ dân sinh, bà Ngô Thị Liên, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho khẳng định: Nhìn ở góc độ thương mại, chợ dân sinh đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân. Tại các chợ, người tiêu dùng có thể tìm thấy đa dạng các mặt hàng từ nông sản, thực phẩm, sản phẩm tươi sống, đồ dùng sinh hoạt đến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Gần đây, một số mặt hàng công nghiệp như may mặc, cơ khí cũng đã xuất hiện tại các chợ dân sinh. Không giống như siêu thị, trung tâm thương mại hay các cửa hàng tiện ích, đến chợ dân sinh người tiêu dùng luôn có cảm giác gần gũi và có thể mua được những sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Ai đã từng một lần đến chợ Thông, xã Hòa Bình (Vũ Thư) đều phải thừa nhận ở đây mặt hàng kinh doanh vô cùng đa dạng, giá cả cũng rất hợp lý. Như bao chợ quê khác, chợ Thông hội tụ đủ các loại nông sản, thực phẩm như gạo, đỗ, rau, củ, quả, gia cầm, thủy cầm, con giống, thịt, cá tươi sống. Ở đây cũng có những hàng quà quê rất dung dị như bánh keo, bánh cuốn, bánh nếp, bánh mật, bánh hấp, bánh trôi... Không chỉ có vậy, chợ Thông luôn tràn ngập các mặt hàng gia dụng được làm thủ công bằng mây, tre, cói của các làng nghề trong huyện, trong tỉnh. Chợ Thông cũng được mệnh danh là thủ phủ kinh doanh các loại cây giống, hoa, sinh vật cảnh, thu hút hàng vạn lượt người dân đến tham quan, mua sắm mỗi phiên chợ. 

Các sản phẩm mây tre đan của làng nghề Nguy.ên Xá được bày bán tại chợ Thông, xã Hòa Bình (Vũ Thư).

Ông Bùi Hoàng Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình chia sẻ: Chợ Thông có hơn 1.000 tiểu thương, hàng hóa luôn dồi dào và phong phú chủng loại. Các mặt hàng kinh doanh tại chợ giá cả hợp lý, việc thanh toán thuận tiện nên thu hút được nhiều người dân đến mua sắm. Chợ đóng vai trò kết nối cung - cầu trực tiếp giúp giảm thiểu chi phí vận chuyển và giữ cho giá cả thị trường ổn định. Chúng tôi thấy chợ dân sinh còn giúp duy trì và phát triển các sản phẩm nông sản đặc trưng vùng miền, góp phần bảo tồn nền văn hóa ẩm thực đa dạng và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương, nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân.

Đã hơn 30 năm gắn bó với việc kinh doanh tại chợ Tò, xã An Mỹ (Quỳnh Phụ), bà Trương Thị Xoan đã quen với nếp dậy sớm chuẩn bị gánh hàng hoa và một vài thứ hàng khác như trầu, cau, vàng mã rồi quẩy ra chợ. Bà chia sẻ: Có lẽ cả chợ này các tiểu thương và cả người dân đến mua sắm đều biết tôi bởi gần như không phiên chợ nào tôi vắng mặt. Mặc dù không thể làm giàu nhưng nhờ cái nghề “buôn thúng, bán mẹt” tại chợ Tò này mà tôi có điều kiện chăm lo cho gia đình và nuôi 2 đứa con ăn học nên người.

Không riêng bà Xoan, hơn 22.000 tiểu thương kinh doanh thường xuyên và hơn 13.000 người kinh doanh nhỏ lẻ không thường xuyên ở 221 chợ trên địa bàn toàn tỉnh đều lấy chợ làm sinh kế để bảo đảm cuộc sống. Rõ ràng, chợ dân sinh góp phần tạo ra việc làm cho một bộ phận người dân, nhất là người dân nông thôn có khả năng kinh doanh nhỏ, ít vốn. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh tại chợ tuy không lớn nhưng là nguồn chính, mang lại ổn định kinh tế cho rất nhiều gia đình.

Ngoài khía cạnh kinh tế, chợ dân sinh còn đóng vai trò lưu giữ, bảo tồn, phát triển văn hóa. Chợ chính là “miền đất” để các món ăn, thức quà quê tồn tại. Nhiều chuyên gia về văn hóa cho rằng, chợ là nơi truyền tải, phản ánh các giá trị văn hóa, tập quán của mỗi địa phương, người dân đến chợ không chỉ để mua sắm mà còn để trò chuyện, chia sẻ thông tin, trở thành không gian giao lưu, kết nối tình cảm và duy trì quan hệ xã hội. Các phiên chợ thường diễn ra vào những ngày nhất định, tạo ra thói quen sinh hoạt gắn bó chặt chẽ giữa các thành viên trong cộng đồng, tạo ra môi trường sống phong phú cho người dân.

Có vai trò quan trọng như vậy nhưng hiện nay việc đầu tư hạ tầng và công tác quản lý đang có nhiều bất cập đã ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động của hệ thống chợ dân sinh. Nội dung này sẽ được phản ánh ở kỳ tiếp theo.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kiến Xương
Chúng tôi nghĩ, hệ thống chợ dân sinh dù quy mô lớn hay nhỏ nhưng đều có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân và bảo đảm công tác an sinh xã hội. Thực tế, chợ không chỉ tạo việc làm trực tiếp cho các tiểu thương mà còn là kênh lưu thông chính của các mặt hàng nông sản, hàng thủ công nên góp phần duy trì sự tồn tại của các làng nghề cũng như bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cuộc sống của người thợ thủ công. Hàng hóa kinh doanh tại chợ chủ yếu là hàng thiết yếu, dồi dào, phong phú, giá thành hợp với điều kiện kinh tế của người dân nông thôn nên chợ còn tham gia điều tiết, bình ổn thị trường.
Ông Phạm Anh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Hồng Thủy (Thái Thụy)
Địa phương chúng tôi có 3 chợ gồm chợ Phố, chợ Thái Thủy và chợ Hôm. Các chợ tuy quy mô nhỏ (hạng III) nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm cho người dân không chỉ của địa phương mà cả các xã lận cận như Sơn Hà, Thái Phúc, Thái Nguyên, Thụy Sơn. Đây cũng là kênh tiêu thụ nông sản chủ yếu cho bà con nông dân, góp phần thúc đẩy nông nghiệp của xã phát triển với giá trị sản xuất đạt hơn 200 tỷ đồng/năm.
Bà Trần Thị Đào, tiểu thương chợ hải sản Đông Minh (Tiền Hải)
Năm nay tôi 77 tuổi, có gần 45 năm buôn bán trứng, nông sản và vàng mã ở chợ hải sản Đông Minh. Tôi sống độc thân nên việc kinh doanh ở chợ không chỉ duy trì sinh hoạt mà còn tạo niềm vui trong cuộc sống vì mỗi ngày được gặp gỡ, trò chuyện với bà con đến chợ mua sắm. Đặc biệt, hơn 10 năm qua tôi bị bệnh tuyến giáp, nếu không có nguồn thu nhập từ việc buôn bán nhỏ ở chợ thì không biết lấy tiền đâu để chạy chữa, cuộc sống sẽ rất khó khăn. Dù bây giờ tuổi cao nhưng tôi vẫn cố gắng bám chợ để duy trì cuộc sống.


Khắc Duẩn

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày