Chủ nhật, 04/08/2024, 13:23[GMT+7]

Thái Bình tuyên chiến với thực phẩm bẩn (Bài 1)

Thứ 5, 13/10/2016 | 09:01:48
1,838 lượt xem
Để góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, từ số báo này Báo Thái Bình đăng loạt bài: Thái Bình tuyên chiến với thực phẩm bẩn.

Mô hình sản xuất thực phẩm hữu cơ theo chuỗi tại xã Thái Hồng (Thái Thụy).

“Chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa lại ngắn như vậy” - đây là câu nói cửa miệng của nhiều người dùng để nói về tác hại của thực phẩm bẩn đối với người tiêu dùng. Lòng lợn thối, gà bơm nước, măng ngâm hóa chất, thịt lợn nuôi bằng chất tạo nạc... hàng ngày vẫn được người tiêu dùng sử dụng, gây nhiễm độc tiềm ẩn có thể dẫn đến ung thư, các rối loạn chức năng không rõ nguyên nhân, vô sinh, quái thai... Thực tế cho thấy mỗi năm cả nước có hơn 750.000 người chết vì ung thư, trong đó tỷ lệ người chết vì ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn chiếm khoảng 35%. Để góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, từ số báo này Báo Thái Bình đăng loạt bài: Thái Bình tuyên chiến với thực phẩm bẩn.

Bài 1: xây dựng mô hình sản xuất an toàn

An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là vấn đề hiện đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Ðể thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu của xã hội, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, trước hết cần kiểm soát từ “cửa ngõ” là khâu sản xuất.

Ðến thăm mô hình chăn nuôi của anh Bùi Mạnh Hùng ở thôn Tử Tế, xã Thanh Tân (Kiến Xương), cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là chuồng trại sạch sẽ, bố trí hợp lý, khoa học. Với tổng diện tích 5.000m2, anh Hùng dành 600m2 xây chuồng nuôi khoảng 200 con lợn thịt, một năm xuất bán 2 - 3 lứa, trừ chi phí anh thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng. Hỏi về bí quyết, anh Hùng chia sẻ: Gia đình tham gia mô hình chăn nuôi lợn theo quy chuẩn VietGahp từ năm 2012. Trong quá trình chăn nuôi, đàn lợn luôn được kiểm tra sát sao, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ. Một tuần chúng tôi phun hóa chất tiêu độc khử trùng 2 - 3 lần. Cứ hai tháng ngành chức năng đến lấy mẫu huyết thanh một lần để kiểm tra theo quy chuẩn VietGahp. Nhờ vậy, đàn lợn của gia đình không bị dịch bệnh gây hại, ngày một phát triển ổn định. Bản thân tôi cũng rất vui khi góp phần cung cấp ra thị trường một lượng thịt sạch, bảo đảm ATVSTP.

Không chỉ mô hình chăn nuôi của anh Hùng, từ năm 2012 đến nay, xã Thanh Tân có 58 hộ tham gia mô hình chăn nuôi theo quy chuẩn VietGahp thuộc dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap). Các mô hình đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, bước đầu đáp ứng nhu cầu cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Bí thư Ðảng ủy xã Thanh Tân cho biết: Ðể tạo điều kiện phát triển chăn nuôi theo quy chuẩn VietGahp, dự án đã hỗ trợ vỏ hầm biogas và những trang thiết bị khác phục vụ sản xuất. Ðịa phương thành lập câu lạc bộ chăn nuôi để giúp người dân học tập và chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thú y và các hộ chăn nuôi. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm túc lịch tiêm phòng vắc-xin định kỳ và phun hóa chất tiêu độc khử trùng trên vật nuôi cũng như những quy định theo quy chuẩn VietGahp.

Những năm gần đây, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã nỗ lực xây dựng các mô hình sản xuất ngao an toàn. Ðiển hình như mô hình nuôi ngao sạch tại gia đình ông Nguyễn Văn Mai ở thôn Nam Hải, xã Thái Ðô (Thái Thụy) với diện tích 2ha. Từ quá trình thả giống, vệ sinh bãi nuôi đến việc chăm sóc quản lý, theo dõi các yếu tố môi trường (nhiệt độ, pH, độ trong…), tốc độ sinh trưởng của ngao đều được kiểm tra, theo dõi chặt chẽ. Kết quả, nuôi ngao theo quy trình kỹ thuật này cho năng suất cao đạt 34.616 kg/ha/9 tháng (theo phương thức cũ là 25.000 kg/ha/9 tháng), tỷ lệ sống cao (90%), ngao khỏe, sức chống chịu cao khi thời tiết bất lợi, đặc biệt chất lượng ngao thương phẩm được bảo đảm an toàn. Từ hiệu quả mô hình, năm 2016, Chi cục Thủy sản tiếp tục nhân rộng thêm hai mô hình nhằm góp phần tạo nguồn thực phẩm thủy sản an toàn cho người tiêu dùng.

Rau xanh là thực phẩm thiết yếu trong bữa ăn hàng ngày của các gia đình. Nắm bắt nhu cầu tiêu dùng, năm 2015, HTX DVNN xã Ðiệp Nông (Hưng Hà) đã tổ chức sản xuất thí điểm mô hình rau an toàn với diện tích 3ha rau cải bó xôi ở hai thôn Việt Yên 3 và Việt Yên 4. Bà Võ Thị Nga ở thôn Việt Yên 3 - thành viên tham gia mô hình cho biết: Ban đầu gia đình e ngại bởi đây là mô hình mới, lại sản xuất theo những quy chuẩn nghiêm ngặt. Song được sự khuyến khích, hỗ trợ của địa phương về giống, kỹ thuật chăm sóc và đầu ra sản phẩm nên gia đình đã mạnh dạn tham gia sản xuất và đạt được hiệu quả tốt. Năm 2016 gia đình tiếp tục trồng rau sạch để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ðể người dân yên tâm mở rộng sản xuất, ngành chức năng cần sớm cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm rau an toàn. Theo ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc HTX DVNN xã: Rau trồng theo mô hình thực hiện nghiêm các quy định từ chọn lựa cây giống đến kỹ thuật chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh. Ðặc biệt, rau được trồng trên đất đã khử trùng, tiêu độc, tưới nước sạch, bón bằng phân hữu cơ, ít đạm. Trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ 15 ngày không bón đạm và phun thuốc trừ sâu để bảo đảm an toàn. Năm 2016, HTX chủ trương mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng trọt, đáp ứng phần nào nhu cầu của người tiêu dùng.

Từ những mô hình trên đã khẳng định ưu thế của sản xuất nông sản an toàn, không chỉ đem lại lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất mà còn gìn giữ môi trường và góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng nỗ lực của nhiều tập thể, cá nhân, mô hình sản xuất nông sản an toàn đã và đang được mở rộng, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người tiêu dùng, góp phần quan trọng trong việc “tuyên chiến” với thực phẩm bẩn.

Ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Tiến trình hội nhập đòi hỏi nông sản Việt Nam nói chung, Thái Bình nói riêng cần triển khai ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong từng công đoạn, liên kết tạo thành chuỗi nông sản an toàn. Ðây không chỉ là yêu cầu chính đáng của người tiêu dùng mà còn là xu hướng tất yếu để ngành Nông nghiệp phát triển bền vững. Ðể có chuỗi thực phẩm an toàn “từ trang trại đến bàn ăn” thì khâu sản xuất, lưu thông, bảo quản, chế biến phải bảo đảm chất lượng. Song nếu thực phẩm mất an toàn từ “gốc” thì thực hành tốt ở công đoạn sau cũng không giải quyết được vấn đề. Vì vậy, quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm phải bắt đầu từ khâu trồng trọt, chăn nuôi, đây là điều có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ

Ðể có nông sản đạt chỉ số an toàn, những năm qua, huyện Quỳnh Phụ đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của người kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; phổ biến kiến thức khoa học trong trồng trọt, chăn nuôi, giúp nông dân ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thực phẩm an toàn; tiếp tục quan tâm khuyến khích, nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi an toàn, đồng thời tích cực phối hợp kiểm tra, giám sát lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm.

 

Ông Nguyễn Như Liên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông

Bình quân mỗi năm Trung tâm Khuyến nông thử nghiệm từ 5 - 6 mô hình sản xuất nông sản theo hướng an toàn sinh học. Các mô hình áp dụng nghiêm ngặt những quy định về sản xuất an toàn như không sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi; thức ăn được sử dụng từ nguồn tự nhiên; có sự giám sát trực tiếp, thường xuyên của cán bộ kỹ thuật... Từ đầu năm 2016, bên cạnh việc triển khai thực hiện các mô hình sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, Trung tâm đã từng bước triển khai mô hình trồng rau xanh bằng phương pháp khí canh, thủy canh để đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng. Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục hoàn thiện các quy trình về sản xuất an toàn đối với từng đối tượng sản xuất. Tổ chức các lớp tập huấn để chuyển giao khoa học kỹ thuật tới người sản xuất, đồng thời kết nối, tạo điều kiện để nông sản an toàn có đầu ra ổn định, giúp người nông dân yên tâm sản xuất, nhân rộng, mở rộng các mô hình, đưa nông sản an toàn đến với người tiêu dùng.  

 

Anh Ðỗ Văn Trưởng, chủ trang trại chăn nuôi (thôn Tăng Bổng, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư)

Trên diện tích 1,5ha, tôi đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng trang trại gồm 8 dãy chuồng, thường xuyên nuôi 300 lợn nái và 600 lợn thịt siêu nạc. Với quy mô đó, hàng tháng trang trại của tôi xuất chuồng 500 con lợn giống và từ 15 - 20 tấn thịt lợn thương phẩm. Do tuân thủ nghiêm các quy trình vệ sinh, phòng dịch, thức ăn chăn nuôi… dưới sự hướng dẫn, giám sát của cơ quan chức năng nên ngay trong những thời điểm thị trường tiêu thụ thịt lợn gặp khó khăn do thông tin thức ăn chăn nuôi có chất cấm, chất tạo nạc sản phẩm thịt lợn sạch của trang trại vẫn đứng vững trên thị trường. Tôi đã lập dự án, đề nghị được xây dựng thêm một trang trại với quy mô chăn nuôi 1.000 con lợn theo cách thức chăn nuôi hữu cơ, hiện đã triển khai thí điểm với quy mô 100 con.

(còn nữa)

Nhóm phóng viên

 

  • Từ khóa